TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở đề tài KC.08.19/11-15

21/10/2015

Ngày 17/10/2015, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định quản lý rủi ro thiên tai lũ cho lưu vực sông miền Trung” thuộc Chương trình KH&CN cấp Nhà nước KC08/11-15 do ThS. Dương Quốc Huy chủ nhiệm.

Trong những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn, diễn biến phức tạp trên khắp cả nước. Một trong những loại hình  thiên tai phổ biến nhất và cũng gây thiệt hại nhiều nhất ở Việt Nam là bão và lũ lụt. Trong đó, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng nhiều nhất, thiệt hại lớn nhất. Do đặc thù của địa hình miền Trung hẹp, dốc, rừng đầu nguồn suy giảm, dẫn đến lũ tập trung rất nhanh, các hồ chứa thuỷ điện có dung tích phòng lũ rất nhỏ, công tác vận hành các hồ chứa còn nhiều bất cập nên khi xảy ra lũ vẫn chưa có được các giải pháp hữu hiệu, hợp lý để giảm thiểu thiệt hại. Do đó yêu cầu thực tế cần phải nâng cao khả năng quản lý rủi ro thiên tai lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra, và tăng tính hồi phục sau thiên tai. Để thực hiện điều này, cần thiết phải xây dựng, củng cố và dần dần tiếp cận với các công cụ hỗ trợ công tác quản lý rủi ro do lũ. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có một số nghiên cứu liên quan đến sử dụng các công cụ riêng rẽ trong DSS, chủ yếu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và xây dựng các công trình phòng chống lũ là chính, chưa hướng đến khả năng mô phỏng, đánh giá những tác động của thiên tai lũ với các yêu cầu tổng hợp, đa dạng trong quá trình quy hoạch cũng như giúp cho việc đối thoại đa ngành, đề xuất phương thức tích hợp các khía cạnh môi trường, KT-XH với công tác quy hoạch phòng chống lũ. Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định quản lý rủi ro thiên tai lũ cho lưu vực sông miền Trung” sẽ là nghiên cứu tiên phong trong giải quyết các vấn đề trên. Với việc sử dụng tổng hợp các bộ mô hình thủy văn, thủy lực hiện đại đã được ứng dụng và kiểm định, cùng chức năng hiển thị, quản lý, truy xuất dữ liệu trên nền Web cho phép bộ công cụ nghiên cứu trong đề tài giải quyết bài toán về quy hoạch phát triển thượng lưu, vận hành hồ chứa, vỡ đập, đô thị hóa trong mối quan hệ tương tác với rủi ro thiên tai lũ.

 

Mục tiêu chính của Đề tài là đánh giá những tác động của hoạt động kinh tế-xã hội bao gồm các hoạt động thay đổi sử dụng đất thượng lưu, đô thị hóa vùng hạ du cũng như các phương án phát triển và vận hành các hồ chứa thủy điện tới diễn biến của lũ và ngập lũ trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn; Xây dựng bộ công cụ hỗ trợ các cơ quan quản lý địa phương trong việc điều hành, ứng phó với thiên tai lũ hàng năm, dựa trên bộ mô hình được xây dựng sẵn như các kết quả được tính toán sẽ là căn cứ giúp các cấp quản lý lũ tại địa phương lựa chọn, chuẩn bị phương án ứng phó phù hợp với thiên tai lũ.

 

Sau 3 năm nghiên cứu và phát triển, đến nay Đề tài đã nghiên cứu, lựa chọn các mô hình tính toán phù hợp với yêu cầu đặt ra như mô hình thủy văn mưa rào dòng chảy HEC-HMS, mô hình vận hành hồ chứa, vỡ đập MIKE 11, mô hình ngập lũ vùng đồng bằng MIKE21, MIKE FLOOD. Tổ hợp mô hình này cho phép xây dựng và đánh giá hoàn chỉnh tác động của các phương án quy hoạch phát triển KT-XH, phương án vận hành hồ chứa cắt lũ hạ du hay các sự cố đập đơn hồ, liên hoàn của các hồ chứa thủy điện bậc thang trên vùng thượng nguồn tới diễn biến lũ và ngập lũ trong vùng đồng bằng của lưu vực. Qua các kết quả phân tích giúp cho người vận hành, người quản lý, lãnh đạo địa phương đưa ra những lựa chọn, phương án cần thiết giúp phòng ngừa và giảm thiểu các tác động bất lợi của thiên tai lũ. Với giao diện thân thiện, dễ dàng sử dụng trên nền Internet không chỉ giúp các cấp quản lý trong việc ra quyết định mà còn giúp nhân dân vùng lũ có thể chủ động ứng phó thiên tai lũ. Người sử dụng có thể truy xuất trực tiếp các thông tin về vị trí ngập lụt, độ sâu ngập lụt và mức độ rủi ro với từng vị trí trên lưu vực sông, thông qua hệ thống module bản đồ và các báo cáo tính toán thủy lực chi tiết.

 

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đánh giá cao kết quả thực hiện của Đề tài. Đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, đặc biệt trong việc thực hiện Luật Phòng chống thiên tai. Dựa trên bộ công cụ phần mềm đã được ứng dụng trên môi trường Internet với giao diện thân thiện, tính dễ truy cập và các kết quả thể hiện dưới dạng bản đồ trực quan có thể đáp ứng phục vụ công tác quản lý. Đề tài đã thực hiện khối lượng công việc lớn, đầy đủ về mặt số lượng, chủng loại theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; Mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay trong công tác điều hành, chỉ huy phòng chống thiên tai; sử dụng hệ phương pháp nghiên cứu hiện đại, phù hợp để đạt kết quả có thể tin cậy khi đánh giá lũ và ngập lụt lưu vực sông. Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa, cấu trúc lại báo cáo tổng hợp để làm rõ hơn kết quả đạt được; làm rõ thêm phương pháp điều tra, khảo sát của Đề tài; bổ sung phương pháp tham vấn cộng đồng; bổ sung các minh chứng về công bố kết quả và đào tạo, bài báo khoa học và minh chứng về việc ứng dụng kết quả đề tài trong thực tế; chỉnh sửa lại cách trích dẫn tài liệu trong báo cáo...

 

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

Ý kiến góp ý: