TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở Đề tài KHCN cấp Nhà nước mã số ĐTĐL.2011-G/68

29/07/2015

Ngày 27/7/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cơ sở Đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu nguyên nhân làm suy giảm rừng ngập mặn và các giải pháp công nghệ trồng cây ngập mặn tại vùng bãi xói lở ở các tỉnh ven biển đồng băng sông Cửu Long”, mã số ĐTĐL.2011-G/68 do ThS. Trần Thị Lợi - Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ nhiệm.

Đồng bằng sông Cửu Long được coi là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trồng rừng ngập mặn là một giải pháp quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu được Chính phủ Việt Nam lựa chọn. Rừng ngập mặn có vai trò, chức năng lớn trong việc bảo vệ môi trường và chống lại các tác động rủi ro trong xu thế biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, nhiều tác động tiêu cực đã làm suy giảm mạnh mẽ và đang tiếp tục đe dọa rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế, chưa có một nghiên cứu nào phân tích chỉ rõ nguyên nhân mất rừng ngập mặn qua từng thời kỳ để đề ra giải pháp phục hồi hợp lý. Chính vì vậy, để có cơ sở xây dựng giải pháp khôi phục giảm rừng ngập mặn, chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành nghiên cứu nguyên nhân làm suy giảm rừng ngập mặn và các giải pháp công nghệ trồng cây ngập mặn tại vùng bãi xói lở ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long với 2 mục tiêu chính đó là xác định được nguyên nhân làm suy giảm rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long và đưa ra các giải pháp công nghệ trồng cây ngập mặn ở các vùng bãi xói lở.

Sau 4 năm nghiên cứu điều tra, khảo sát thực địa, tiến hành các thí nghiệm ươm, trồng cây ngập mặn, làm tường mềm giảm sóng, bầu cây chịu sóng và thử nghiệm xây dựng mô hình tại khu vực biển phía Tây và phía Đông, Đề tài đã đạt được một số kết quả chính như: (1) Đã xác định bộ đầy đủ 4 nhóm nguyên nhân chính (xói lở, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác trái phép, nguyên nhân khác) và tác động của từng nguyên nhân gây suy giảm rừng ngập mặn ở các thời kỳ 1973, 1989, 2001, 2012, từ đó cho thấy tác động gây suy giảm rừng ngập mặn của xói lở đang tăng lên; (2) Đã đưa ra giải pháp trồng cây ngập mặn ở vùng bãi xói lở gồm: xây dựng tường mềm giảm sóng, sử dụng bầu cây chịu sóng bằng rọ tre, lựa chọn loài cây, tuổi cây và mật độ cây trồng hợp lý cho thấy tỷ lệ sống của cây 91-95%, tạo lớp bồi lắng phù sa 8-10cm/tháng còn ở nơi trồng theo công nghệ phổ biến có tỷ lệ cây sống là 73,5-78,5%; (3) Đã xây dựng được 3 hướng dẫn kỹ thuật phục vụ công nghệ trồng cây ngập mặn ở vùng bãi xói lở như hướng dẫn kỹ thuật làm tường mềm giảm sóng, hướng dẫn kỹ thuật làm bầu cây chịu sóng, hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng cây ngập mặn ở vùng bãi xói lở.

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài đầy đủ khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học công nghệ so với thuyết minh và hợp đồng; Báo cáo tổng hợp đảm bảo tính logic, các tài liệu công nghệ, sản phẩm trung gian đầy đủ, rõ ràng, xác thực; Phương pháp nghiên cứu, điều tra, tính toán, kỹ thuật sử dụng phù hợp, có tính hiện đại, đảm bảo độ tin cậy của kết quả; Các sản phẩm chính đạt yêu cầu khoa học, mức chất chất lượng như đã đăng ký tại thuyết minh và hợp đồng. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm Đề tài cần bổ sung tổng quan kết quả đề tài khác, công tác bảo vệ và trồng trừng; bổ sung phương pháp điều tra, diễn giải phương pháp, lý do thiết kế thí nghiệm; bổ sung quá trình nghiên cứu nguyên nhân suy giảm rừng; mô tả phương pháp, đầu vào của mô hình vật lý; làm rõ cơ sở chọn cấu trúc, vật liệu làm bầu, lưới che; bổ sung nội dung sử dụng hoa sóng, cường độ sóng và tính đến sóng có tính phá hủy; làm rõ hơn cơ sở xây dựng quy trình; chỉnh sửa tên tiêu chuẩn, chỉnh sửa các hình ảnh phù hợp với phần luận giải kết quả của báo cáo, cần nêu các tồn tại của đề tài để nghiên cứu tiếp, cần theo dõi mô hình sau nghiệm thu.

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp theo các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng.

Đề tài đạt yêu cầu nghiệm thu.

Ý kiến góp ý: