Họp nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học cấp Bộ
13/02/2015Ngày 12/02/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ dự báo sóng ven bờ và ngập lụt do sóng tràn, nước dâng do sóng thần, siêu bão" do PGS.TS. Trương Văn Bốn - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển chủ nhiệm.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường, trong đó Việt Nam là một trong những nước được cảnh báo sẽ chịu tác động và ảnh hưởng lớn. Thực tế, những năm gần đây, Việt Nam phải hứng chịu nhiều thiên tai do bão, lũ và ngày càng gia tăng về cường độ và sự xuất hiện. Do vậy, bên cạnh việc dự báo, cảnh báo lũ lụt thì vấn đề tính toán dự báo, cảnh báo về mức độ ngập lụt và lường trước những hiểm họa có thể gây ra do siêu bão và sóng thần dọc ven biển nước ta là hết sức cần thiết. Sau thời gian thực hiện, nhóm thực hiện đề tài đã đạt được kết quả chính như: (1) Về công nghệ tính toán: Trên cơ sở nghiên cứu thành tự về áp dụng công nghệ trong và ngoài nước cho thấy các vấn đề nghiên cứu về nước dâng do bão được thực hiện tương đối bài bản và kết quả nghiên cứu lớn với các phương pháp như thống kê, phương pháp thực nghiệm, phương pháp mô hình số trị. Công nghệ tính toán chủ yếu tại Việt Nam qua các phần mềm thương mại như MIKE DHI (Đan Mạch), Deft 3D (Hà Lan); công nghệ tính toán sóng thần được thực hiện tại Viện Vật lý Địa cầu và Viện Khí tượng TVVMT, các phần mềm ứng dụng như Comcot, Imamura, Most được sử dụng tuy nhiên rất ít công trình nghiên cứu, đặc biệt về sử dụng MIKE DHI (Đan Mạch) thì chưa có công trình nghiên cứu nào cho ứng dụng về sóng thần. (2) Về kịch bản và các kết quả tính toán: các kịch bản tính toán về siêu bão gồm 3 kịch bản về tổ hợp hướng đổ bộ và triều kết quả chỉ ra trường hợp gây nước dâng lớn là trường hợp bão đổ bộ lệch phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, nước mức tổng cộng trên 4.5m gây ngập lụt các xã ven biển trên 1m, có xã 2.5-3m. Về tính toán sóng thần tại vùng biển Đông và lan truyền vào tỉnh Thanh Hóa với 5 trường hợp khác nhau cho thấy rằng nếu trường hợp sóng thần đổ bộ vào vùng bờ trong thời điểm triều cao (TH3) có thể gây sóng cáo đến 5m. Quá trình lan truyền sóng thần từ vùng nguồn cho tới vùng bờ biển tỉnh Thanh Hoa khoảng 5-6 tiếng. Bên cạnh đó, sóng thần (TH3): trường hợp tính toán với động đất Mw=9 với mực nước triều cao 1.6m. Các xã có khả năng ngập lụt với số lượng lớn và độ sâu ngập lụt cao hơn 2 trường hợp tính toán trước. Độ sâu ngập lụt phổ biến từ 1m-2.5m tại các xã. Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu và đánh giá cao nhóm thực hiện đề tài. Đề tài có giá trị khoa học, tính cấp thiết cao, kết quả của Đề tài có khả năng ứng dụng lớn. Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, chủng loại theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; mục tiêu rõ ràng, trích dẫn đầy đủ; sử dụng phương pháp nghiên cứu, điều tra, khảo sát đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn của ven biển của Việt Nam. Qua kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã làm chủ được công nghệ tính toán nước dâng do siêu bão, sóng thần và đã khẳng định được vị thế của nhóm nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài đáp ứng với các kết quả nghiên cứu tương tự trên thế giới. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu nhóm thực hiện Đề tài cần chỉnh sửa lại kết cấu đề tài, bổ sung phần mở đầu và kiến nghị và trình bày chi tiết báo cáo để làm nổi bật các sản phẩm của Đề tài; đưa ra phương pháp tính toán và có lý luận rõ ràng; hoàn chỉnh số liệu đầu vào để nâng cao độ chính xác; kiểm định thời gian truyền sóng thần và đưa kiến nghị các nội dung cần thực hiện trong giai đoạn sau vào phần kết luận.... Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý của Hội đồng. Đề tài đạt nghiệm thu loại khá.
Ý kiến góp ý: