TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ

29/12/2014

Ngày 27/12/2014, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra buổi họp nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ "Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sinh kế của cộng đồng cư dân vùng duyên hải ven biển Bắc Bộ, đề xuất giải pháp thích ứng" do ThS. Phạm Thị Hoài - Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo chủ nhiệm. Đây là đề tài nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, mã số 0351

Với đặc điểm là dải đồng bằng ven biển trải dài và thấp nên vùng duyên hải Bắc Bộ bao gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình bị ảnh hưởng rất lớn của xâm nhập mặn. Tại một số cửa sông như Đá Bạc, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Trà Lý, sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy mặn xâm nhập ngày càng sâu vào lục địa từ 18-46 km, ảnh hưởng đến các quận, huyện, phường, thị trấn và làm ảnh hưởng đến các vùng sản xuất, đặc biệt là các vùng ngọt hóa, môi trường đất, nước bị nhiễm mặn, phèn ngày càng gia tăng...

Các lĩnh vực, ngành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước ngọt cho dân sinh chịu nhiều tác động trực tiếp đã gây ra nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo mức sống cho người dân trong khu vực.

Do vậy, việc đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sinh kế của cộng đồng cư dân vùng duyên hải ven biển Bắc Bộ, đề xuất giải pháp thích ứng sẽ xác định các tác động và vùng ảnh hưởng do mặn xâm nhập trong hiện tại và các xu thế sẽ diễn ra trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp và mô hình sinh kế góp phần cải thiện và ổn định đời sống của cộng đồng dân cư ven biển Bắc Bộ là rất cần thiết.

Với mục tiêu đánh giá được thực trạng, xu hướng ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sinh kế cộng đồng cư dân vùng duyên hải Bắc Bộ và đề xuất được các giải pháp thích ứng nâng cao sinh kế cộng đồng cư dân vùng duyên hải Bắc Bộ, sau quá trình thực hiện Đề tài đã thu được các kết quả sau:

Đề tài đã đánh giá được tổng quan ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sinh kế trên thế giới và Việt Nam và những mô hình hỗ trợ sinh kế cộng đồng bền vững ở trong và ngoài nước; Đã điều tra, thu thập, phân tích, tính toán đánh giá hiện trạng, dự báo đến năm 2020 và xu hướng đến năm 2030 ảnh hưởng mặn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và canh tác trên các bãi bồi; Đề xuất được giải pháp thích ứng và đề xuất mô hình sinh kế bền vững.

Sau khi nghe ý kiến của các phản biện và các thành viên trong Hội đồng. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Tùng Phòng phát biểu và có kết luận:

Đề tài có khối lượng công việc lớn, số lượng báo cáo đầy đủ so với danh mục sản phẩm ghi trong đề cương, nội dung các báo cáo của Đề tài đã thực hiện theo đúng đề cương đặt ra. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu phù hợp, số liệu điều tra của đề tài có độ tin cậy. Các kết quả khoa học công nghệ của đề tài đảm bảo được tính cập nhật, tính mới của các đề xuất; mô hình thí đểm có khả năng triển khai trên diện rộng ở các địa phương thuộc vùng nghiên cứu. Cơ sở dữ liệu và đề xuất các giải pháp của đề tài có ý nghĩa thực tiễn, phục vụ cho công tác kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Đề tài cần chỉnh sửa lại báo cáo tổng hợp, làm rõ mô hình và tính thích ứng của mô hình với xâm nhập mặn, cần tập trung nhiều hơn các giải pháp tác động trực tiếp tới sinh kế của cộng đồng; bổ sung một số giải pháp phi công trình như dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn...

Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa lại theo những ý kiến góp ý của Hội đồng.

Đề tài đạt nghiệm thu loại khá.

Ý kiến góp ý: