Họp nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu thực nghiệm xác định nguyên tắc bố trí không gian hợp lý công trình ngăn cát, giảm sóng bảo vệ đê biển và bờ biển khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ”
09/07/2014Ngày 8/7/2014, tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu thực nghiệm xác định nguyên tắc bố trí không gian hợp lý công trình ngăn cát, giảm sóng bảo vệ đê biển và bờ biển khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ" do ThS. Nguyễn Thành Trung - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển chủ nhiệm
Công trình ngăn cát, giảm sóng là loại công trình chủ động trong bảo vệ bờ biển, đê biển có nhiều ưu điểm, đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trển thế giới. Do tính chất phức tạp về cơ chế làm việc, chế độ động lực như sóng, dòng chảy và vận chuyển bùn cát khi có công trình nên mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về loại công trình này nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa được thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu. Việt Nam cũng đã có nhiều hệ thống công trình, chủ yếu là mỏ hàn được xây dựng nhưng phần lớn các công trình đều được thiết kế theo dạng thử nghiệm, chưa có được cơ sở khoa học kỹ thuật vững chắc dẫn đến có những công trình hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Các nghiên cứu khoa học về công trình ngăn cát, giảm sóng, đặc biệt là đê chắn sóng tách bờ hay tường phá sóng ở Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu công trình ngăn cát, giảm sóng để bảo vệ đê biển và bờ biển phù hợp với từng vùng biển khác nhau của Việt Nam để nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn đê biển, chống xói lở, hạn chế những thiệt hại do thiên tai từ biển gây ra, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng với chiến lược tiến ra biển của nước ta là cần thiết. Mục tiêu của Đề tài: Xác lập được các tiêu chí kỹ thuật, các sơ đồ bố trí không gian hợp lý cho công trình ngăn cát, giảm sóng phù hợp với đặc điểm địa hình, địa mạo, chế độ động lực biển của khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau 01 năm thực hiện, đề tài đã đạt được các kết quả: Đã tổng hợp đầy đủ các giải pháp công trình ngăn cát, giảm sóng bảo vệ bờ biển và đê biển; Đã tập hợp, phân tích và làm rõ được các cơ sở khoa học, tiêu chí kỹ thuật bố trí không gian công trình mỏ hàn biển và đê chắn sóng tách bờ bảo vệ bờ biển và đê biển trên cơ sở nhiều nghiên cứu cơ bản từ những năm trước đến thời điểm thực hiện đề tài; Thực địa, thu thập số liệu và phân tích đánh giá được hiệu quả gây bồi và tính hợp lý trong bố trí không gian của 7 hệ thống mỏ hàn thẳng, 3 hệ thống mỏ hàn chữ T và 01 công trình đê chắn sóng tách bờ đã xây dựng và hoạt động trên 3 năm ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Nghiên cứu hiệu quả giảm sóng của đê chắn sóng tách bờ có kết cấu bằng tấm bê tông phẳng xếp khối Tetrapod tương tự cánh chữ T của một số mỏ hàn Nam Định và một kết cấu mới là đê bê tông cốt thép dạng hình bán nguyệt có lỗ tiêu sóng ở mặt phía biển trên mô hình vật lý máng sóng và bể sóng; Tổng hợp và phân tích xác định các yêu cầu cơ bản trong thiết kế bố trí công trình mỏ hàn và đê chăn sóng tách bờ hoàn chỉnh hơn các nội dung đã có trong TCVN 9901:2013; Xây dựng được 6 sơ đồ mẫu cho thiết kế bố trí không gian công trình mỏ hàn biển và 1 sơ đồ mẫu cho công trình đê chắn sóng tách bờ; Hướng dẫn tính toán thiết kế bố trí công trình mỏ hàn và đê chắn sóng tách bờ theo các phương pháp mới nhất trên thế giới. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS.Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Đề tài đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, chủng loại, khối lượng theo yêu cầu đã đăng ký; Mục tiêu của Đề tài hợp lý, rõ ràng; phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp và logic; lần đầu tiên sử dụng mô hình vật lý nghiên cứu bố trí không gian tại vùng biển nghiên cứu, đưa ra được kết quả có độ tin cậy cao; đã tổng kết được cách bố trí có hiệu quả của hệ thống mỏ hàn biển; Báo cáo tổng hợp thể hiện tốt các kết quả nghiên cứu; các kết quả nghiên cứu của Đề tài có giá trị thực tiễn và khoa học cao, có triển vọng áp dụng trong điều kiện vùng biển thuộc vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; giúp ích rất tốt cho việc tham khảo phục vụ thiết kế các công trình chắn sóng bảo vệ bờ; Đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành và sử dụng trang thiết bị. Nhóm thực hiện đề tài cần hoàn thiện thêm báo cáo tóm tắt, chỉnh sửa lại tên chương, mục, trích dẫn tài liệu; làm rõ hơn tiêu chí bố trí không gian, báo cáo tài chính... Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng. Đề tài nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Ý kiến góp ý: