TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước. Mã số ĐTĐL.2010T/27

18/06/2013

Ngày 14/06/2013, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước "Nghiên cứu nguyên nhân, cơ chế diễn biến hình thái và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ nhằm ổn định vùng cửa biển Lộc An, cửa Lấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu", mã số ĐTĐL.2010T/27 do PGS.TS. Trương Văn Bốn - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển làm chủ nhiệm đề tài.

Cửa Lấp và cửa Lộc An là hai cửa sông ven biển quan trọng và là nơi tập trung đầu mối giao thông hàng hải với hệ thống cảng cá phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, ở đây đã và đang có các dự án du lịch được triển khai với quy mô lớn của tỉnh. Tuy nhiên, tại các khu vực này thường xảy ra các hiện tượng xói lở rất mạnh vùng ven bờ và dịch chuyển, bồi lấp luồng lạch, cửa sông, bến cảng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ra vào của tàu thuyền và các hoạt động phát triển kinh tế biển của địa phương. Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu cơ bản về xói lở, bồi lấp ở khu vực này nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp và phương án công nghệ tổng thể nào được đề xuất nhằm khắc phục các hiện tượng nói trên, ngoại trừ công trình ứng dụng công nghệ “mềm” Stabiplage được thực hiện thí điểm trên một phạm vi khu vực hẹp với chiều dài 600m.

Do hiện tượng dịch chuyển, bồi lấp luống lạch đã gây ra nhiều vụ tai nạn cho các tàu đánh bắt hải sản, gây tổn thất lớn về tài sản và tính mạng của các ngư dân. Để cải thiện tình hình, chính quyền địa phương đã phải tiến hành thực hiện giải pháp tình thế, cho phép tiến hành nạo vét khơi thông luồng, tuy vậy việc tạo vét này không đem lại kết quả như mong muốn. Ngoài ra, vấn đề xói lở bờ ngày càng nghiêm trọng, làm hàng trăm ha bãi biển và đồi cát ven bờ biến mất. Vì vậy, vấn đề nghiên cứu tổng thể vùng cửa biển Lộc An và cửa Lấp, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục, chỉnh trị hiện tượng dịch chuyển luồng lạch, xói lở, bồi lấp tại các vùng biển này đang là vấn đề bức xúc của lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp và dân cư ở khu vực này. Chính vì vậy, chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu nguyên nhân, cơ chế diễn biến hình thái và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ nhằm ổn định vùng cửa biển Lộc An, Cửa Lấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài: Xác lập được cơ sở khoa học về các quá trình dịch chuyển luồng lạch, biến động đường bờ tại vùng biển tại cửa Lộc An đến Cửa Lấp; Đề xuất được các giải pháp chỉnh trị tổng thể để ổn định vùng cửa sông ven biển, phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển bền vững cho vùng nghiên cứu.

Kết quả chính của đề tài: (1) Đã thu thập được các số liệu cơ bản (số liệu lịch sử và số liệu khảo sát) về các điều kiện tự nhiên, thủy thạch động lực, công trình, địa hình, bản đồ các thời kỳ, ảnh viễn thám tại khu vực ven bờ và Cửa Lấp, Cửa Lộc An làm cở sở để nghiên cứu tính toán. Số liệu thu thập được tại các trạm cố định thuộc khu vực nghiên cứu như Côn Đảo, Phú Quý, Vũng Tàu, DK1 về sóng, gió, mực nước được xử lý kiểm tra đưa vào phần mềm lưu trữ số liệu phục vụ nghiên cứu cho đề tài; (2) Đã nghiên cứu và làm rõ được nguyên nhân, cơ chế động lực gây xói lở, bồi lấp và dịch chuyển luồng lạch tại cửa Lộc An và Cửa Lấp đồng thời đề ra các giải pháp khoa học cụ thể phù hợp với điều kiện và yêu cầu của địa phương để ổn định lòng dẫn, chống xói lở và bồi lấp cho ven bờ từ Cửa Lộc An đến Cửa Lấp. Ngoài ra, Đề tài đã có 04 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, đặt biệt có 01 bài báo trình bày tại Hội thảo Quốc tế chuyên ngành kỹ thuật biển và thông qua đề tài đã đào tạo được 01 thạc sỹ, đang tham gia đào tạo 01 NCS giai đoạn 2011 - 2014.

Hội đồng đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, phù hợp trong nghiên cứu chế độ thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển. Số liệu thu thập và sử dụng trong tính toán có độ tin cậy. Quy trình nghiên cứu phân tích và luận giải các nội dung khoa học mang tính chuyên sâu và hệ thống. Các mô hình toán được Chủ nhiệm Đề tài tiến hành cẩn thận, có kiểm tra; đề xuất giải pháp công nghệ được tham vấn và trao đổi nhiều lần với các chuyên gia và Sở ban ngành của địa phương. Đề tài đầy đủ về số lượng, khối lượng, chủng loại sản phẩm khoa học theo đăng ký. Đề tài có kết quả phối hợp đào tạo và 04 bài báo trong đó có 01 bài báo được trình bày tại Hội thảo Quốc tế. Tuy nhiên, Hội đồng cũng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa báo cáo tổng hợp; bổ sung 01 tập thuyết minh với nội dung “kiểm định và hiệu chỉnh các mô hình số trị”; bổ sung tính toán với các kịch bản khác nhau để chọn được phương án tốt nhất trong mô hình toán; cần làm rõ hơn mối liên quan trong nghiên cứu và kết quả sử dụng giữ mô hình toán và mô hình vật lý khi nghiên cứu giải pháp công trình tại 02 cửa; bổ sung phương án nạo vét, bổ sung tỷ lệ vào bản đồ...

Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.

Ý kiến góp ý: