Họp nghiệm thu cơ sở đề tài khoa học công nghệ thuộc Chương trình KH&CN phục vụ XD NTM giai đoạn 2011-2015
16/09/2015Ngày 6/8/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng khoa học công nghệ đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu các giải pháp huy động “vốn xã hội” cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới” thuộc Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 do ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết chủ nhiệm.
Mục tiêu cụ thể của Đề tài: (1) Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất cá chính sách và các giải pháp huy động “vốn xã hội” cho phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới; (2) Đánh giá thực trạng; cơ chế và chính sách huy động nguồn vốn xã hội cho phát triển khu vực phi nông nghiệp; (3) Đề xuất các giải pháp huy động “vốn xã hội” cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, được cấp có thẩm quyền sử dụng trong xây dựng nông thôn mới và các giải pháp tổ chức thực hiện. Đề tài đã làm rõ cơ sở khoa học đề xuất các chính sách và các giải pháp huy động vốn xã hội cho phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới; đã tiến hành đánh giá thực trạng, cơ chế và chính sách huy động nguồn vốn xã hội cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn qua khảo sát 7 tỉnh. Căn cứ từ cơ sở khoa học và thực trạng, cơ chế chính sách trên, Đề tài đã đề xuất một số định hướng và đưa ra 9 nhóm giải pháp huy động vốn xã hội trong phát triển ngành nghề phi nông nghiệp khu vực nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ở nước ta như: (1) Nhóm giải pháp xây dựng môi trường phù hợp cho phát triển vốn xã hội; (2) Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức các cấp, cộng đồng về vốn xã hội; (3) Nhóm giải pháp thể chế hóa yếu tố, nguồn lực “vốn xã hội” trong các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế ở nông thôn; (4) Nhóm giải pháp kiểm soát và loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến phát huy vai trò/tác động của vốn xã hội trong phát triển kinh tế, ngành nghề phi nông nghiệp; (5) Nhóm giải pháp đầu tư cho phát triển vốn con người; (6) Nhóm giải pháp thúc đẩy, tạo điều kiện liên kết phát triển sản xuất kinh doanh; (7) Nhóm giải pháp phát huy vai trò chủ thể, nòng cốt của các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong phát triển kinh tế nói chung và xây dựng NTM nói riêng; (8) Nhóm giải pháp phát triển hệ thống các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại; (9) Nhóm giải pháp về nghiên cứu. Thay mặt cho Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đánh giá cao kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài có những phát hiện mới và các kiến nghị có giá trị tốt về khoa học và thực tiễn đối với công tác hoàn thiện chính sách, cơ chế về xây dựng nông thôn mới, giúp hiểu rõ và nhận thức tốt hơn về huy động vốn xã hội trong xây dựng nông thôn mới nói chung và cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp nói riêng. Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng các báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài, các sản phẩm khoa học công nghệ theo đề cương đã được duyệt; cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng phù hợp; các số liệu, tư liệu điều tra khảo sát thực tiễn được thực hiện trong quá trình nghiên cứu đảm bảo tính khoa học, có độ tin cậy cao. Đề tài đã trình bày, phân tích, đánh giá được một số vấn đề về thực trạng huy động vốn xã hội phục vụ phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và thực trạng phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn trong thời gian qua và các nhóm giải pháp được đề xuất về phát triển vốn xã hội đã thể hiện cách tiếp cận khoa học, phù hợp với hướng nghiên cứu của đề tài. Các sản phẩm khoa học có giá trị tham khảo tốt cho các nhà nghiên cứu, đào tạo và quản lý. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài bổ sung khung nghiên cứu, tư liệu thứ cấp, tư liệu điều tra, giải thích các từ viết tắt; cần làm rõ nội hàm trong các thành phần trong khái niệm vốn xã hội về sự tin cậy, sự hợp tác hỗ trợ, mối quan hệ vốn xã hội với các loại vốn khác trong phát triển, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự cả chính thức và phi chính thức; thực trạng huy động vốn xã hội trong phát triển ngành nghề phi nông nghiệp; cần cụ thể hơn các kiến nghị có trong đề tài. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Đề tài đạt yêu cầu nghiệm thu.
Ý kiến góp ý: