Họp nghiệm thu cơ sở Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ
10/12/2013Ngày 09/12/2013, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức họp nghiệm thu cơ sở đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu xây dựng quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi" do PGS.TS. Đoàn Thế Lợi - Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi làm chủ nhiệm Đề tài
Quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi là một trong những khâu quan trọng để phát huy hiệu quả của công trình thủy lợi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được triển khai thực hiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi. Công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu có tính chất đặc thù riêng, khác với các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ khác về tính chất sản xuất, đặc điểm sản phẩm, đối tượng quản lý, yêu cầu kỹ thuật, tính chất về tài sản và thiết bị, đối tượng khách hàng và đặc biệt là vấn đề an toàn công trình có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, tính mạng của nhân dân. Vì vậy, để triển khai thực hiện đặt hàng đấu thầu cần phải quy định các tiêu chí về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm; về trang thiết bị quản lý... của tổ chức cá nhân. Do đó, việc nghiên cứu ban hành quy định về năng lực của tổ chức, cá nhân được tham gia quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi là hết sức cần thiết.
Mục tiêu của Đề tài: Nghiên cứu đánh giá thực trạng về năng lực các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện nay (theo các vùng miền trên cả nước); nghiên cứu xây dựng các quy định về năng lực của tổ chức, cá nhân được tham gia quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi; Nghiên cứu giải pháp để tăng cường năng lực quản lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác tốt các công trình thủy lợi.
Sau 03 năm thực hiện (từ năm 2011-2013), đề tài đã đạt được các kết quả chính sau: (1) Đánh giá đúng thực trạng năng lực của các tổ chức, cá nhân đang quản lý khai thác công trình thủy lợi. Phân tích chỉ ra những tồn tại, bất cập về nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi; (2) Làm rõ cơ sở khoa học về việc quy định năng lực cá nhân khi tham gia quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Đề xuất các cách tiếp cận dựa vào năng lực thực có của tổ chức cá nhân để giới hạn phạm vi, quy mô quản lý hoặc dựa vào yêu cầu nội dung công tác quản lý để quy định năng lực của tổ chức cá nhân. (3) Đề xuất được các quy định về năng lực của tổ chức, cá nhân (về chuyên môn kỹ thuật, về năng lực quản lý, về kinh nghiệm...) phù hợp với từng loại công trình (hồ, trạm bơm, cống đập, kênh mương), phù hợp với quy mô và yêu cầu kỹ thuật. (4) Xây dựng Bản dự thảo Thông tư quy định về năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi được Tổng Cục Thủy lợi chấp thuận. Sau khi tiếp thu chỉnh sửa các ý kiến đóng góp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành áp dụng trong cả nước (Thông tư số 40/2011/TT- BNNPTNT); (5) Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các tổ chức, cá nhân đang quản lý khai thác công trình thủy lợi; (6) Xây dựng Đề án áp dụng thử nghiệm các quy định về năng lực tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi tại Công ty TNHH MTV Bắc Hà Tĩnh và các trạm thủy lợi huyên của tỉnh An Giang; (7) Đăng 03 bài báo tại Tạp chí KH&CN Thủy lợi của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; (8) Hướng dẫn 01 học viên làm Luận văn thạc sỹ (đã tốt nghiệp); đang hướng dẫn 01 NCS.
Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao các kết quả đạt được của Đề tài. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đã ban hành 01 thông tư hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi trong bối cảnh có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách có liên quan đến quản lý khai thác công trình thủy lợi ở Việt Nam và triển khai áp dụng thử nghiệm 02 mô hình đề án cụ thể tại Hà Tĩnh và An Giang. Đề tài đã hoàn thành mục tiêu và nội dung theo đề cương được phê duyệt. Phương pháp nghiên cứu, điều tra khảo sát phù hợp với đề tài nghiên cứu cơ chế chính sách. Nội dung của đề tài nghiên cứu phù hợp với thực tế. Đề tài luận giải được vai trò của giải pháp phần mềm nói chung, năng lực của các tổ chức- cá nhân nói riêng đối với hiệu quả quản lý hệ thống tưới ở trong và ngoài nước. Các hoạt động nghiên cứu của đề tài tạo cơ hội tốt cho các cán bộ tham gia thực hiện nâng cao năng lực về quản lý khai thác công trình thủy lợi. Chất lượng sản phẩm của Đề tài phong phú, một số sản phẩm vượt mức yêu cầu (bài báo, đào tạo).
Bên cạnh đó, Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài cần trình bày chi tiết hơn các nội dung khoa học về nghiên cứu xây dựng quy định về năng lực tổ chức, cá nhân được tham gia quản lý khai thác công trình thủy lợi; làm rõ mối quan hệ của năng lực tổ chức, cá nhân với hiệu quả quản lý; làm rõ cơ sở phân nhóm công trình; bổ sung đánh giá về năng lực của cá nhân tham gia quản lý công trình thủy lợi và các tổ chức liên quan; rà soát, cập nhật số liệu công trình mới nhất...
Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung theo những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Đề tài đạt nghiệm thu loại khá.
Ý kiến góp ý: