TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu cơ sở Dự án SXTN cấp Nhà nước mã số DAĐL-2011/20

29/11/2013

Ngày 28/11/2013, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức họp nghiệm thu cơ sở Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước mã số DAĐL-2011/20 "Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiết bị lọc nước lưu động sử dụng vật liệu nano phục vụ cấp nước ăn uống cho vùng ngập lũ miền Trung và đồng bằng sông Hồng" do ThS. Phạm Đình Kiên - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường làm chủ nhiệm Dự án.

Sự biến đổi khí hậu đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản đặc biệt ở khu vực miền Trung và đồng bằng sông Hồng. Sau mỗi đợt lũ gây ra, bên cạnh những thiệt hại về người và tài sản còn là vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước. Sau lũ lụt thường phát sinh các dịch bệnh do nước vùng lũ lụt thường có chứa nhiều thành phần ô nhiễm. Hiện tại, có nhiều công nghệ lọc nước khác nhau trên thị trường tuy nhiên các công nghệ hiện nay chưa đảm bảo được tính cơ động, linh hoạt, phục vụ cấp nước trong các điều kiện thiên tai, lũ lụt, mất điện, bị chia cắt và cô lập, qua đó sẽ khó đảm bảo chất lượng và sự an toàn vệ sinh. Ngoài ra, việc cung cấp, ứng cứu bằng nước đóng bình, đóng chai... chỉ mang tính khẩn cấp, khối lượng và quy mô nhỏ, không đảm bảo tính liên tục, lâu dài phục vụ sinh hoạt cho người dân trong và sau lũ. Ứng dụng công nghệ xử lý nước sử dụng vật liệu nano là một trong số các công nghệ mới và hiện đại trên thế giới với những  ưu điểm vượt trội về tính năng, hiệu quả xử lý nước cũng như kích thước và quy mô thiết bị... Chính vì vậy, Chủ nhiệm Dự án đã nghiên cứu triển khai thực hiện sản xuất các thiết bị lọc nước lưu động để ứng phó trong điều kiện khó khăn tại các vùng chịu thiên tai, lũ lụt, nguồn nước bị ô nhiễm... nhằm phục vụ cấp nước sinh hoạt và nă uống an toàn cho người dân.

Mục tiêu của Dự án: Dựa trên cơ sở vật liệu lọc nước tiên tiến trên thế giới (vật liệu nano) cùng với những cải thiến thích hợp tạo ra 03 sản phẩm (thiết bị lọc nước) phù hợp với điều kiện Việt Nam (đặc biệt cho vùng ngập lũ)

Sau gần 02 năm thực hiện, Dự án đã đạt được kết quả: Đã xây dựng bộ tài liệu công nghệ sản xuất, kiểm nghiệm và vận hành thiết bị; Hệ thống trang thiết bị, đồ gá sản xuất quy mô nhỏ 200 thiết bị/năm (01 bộ); 03 loại thiết bị lọc nước lưu động: bộ thiết bị công suất 3,0-4,0 m3/h, bộ thiết bị công suất 1,5-2,0 m3/h; thiết bị xách tay công suất 120-200l/h.

Ưu điểm của các thiết bị trên hoạt động ổn định, gọn nhẹ, dễ di chuyển; Công nghệ phù hợp với vùng ngập lũ, sử dụng vật liệu nano là vật liệu mới; kết quả thử nghiệm cho thấy chất nước nước đầu ra đạt QCVN 01:2009/BYT- nước ăn uống; quy mô sản xuất có thể đảm bảo công suất sản xuất theo yêu cầu của dự án là 200 thiết bị/năm. Sản phẩm của Dự án có thể so với các thiết bị tương tự của các nước phát triển hiện nay như Nga, Nhật, Hàn Quốc...  Giá thành sản phẩm còn tương đối cao nhưng so với giá thiết bị nhập ngoại (có thể đáp ứng yêu cầu tương tự) thì giá thành sản phẩm của Dự án chỉ bằng 50-70%.

Thay mặt Hội đồng, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Dự án. Chủ nhiệm Dự án triển khai thực hiện theo đúng bản thuyết minh dự án và hợp đồng khoa học, công nghệ với Bộ KH&CN về số lượng, khối lượng, chủng loại và các sản phẩm khoa học, công nghệ. Báo cáo tổng hợp của Dự án đủ hàm lượng khoa học, tài liệu rõ ràng, có cơ sở tin cậy, thể hiện nhóm tham gia thực hiện dự án nắm vững tất cả các kiến thức, thao tác để tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ. Chủ nhiệm Dự án đã tổ chức triển khai, bố trí cán bộ tham gia phù hợp với nội dung chuyên môn, bố trí phân xưởng phù hợp với thực tế sản xuất; quá trình sản xuất thử nghiệm sử dụng nguyên vật liệu, trang thiết bị phù hợp, tiết kiệm. Sản phẩm của Dự án đáp ứng được nhu cầu sống còn về nước sạch cho bà con vùng ngập lũ miền Trung và đồng bằng sông Hồng, hạn chế được dịch bệnh do ô nhiễm môi trường và sử dụng nước trước và sau lũ đảm bảo sức khỏe cho người dân, góp phần vào thực hiện chiến dịch quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường. Kết quả của Dự án đã được công bố trên 02 tạp chí chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Dự án nêu rõ thêm việc lựa chọn vùng nghiên cứu điển hình, vị trí và thời gian lấy mẫu nước ở Ninh Bình và Hà Tĩnh; việc tính toán xác định thông số thiết kế các thiết bị lọc nước (kế thừa hay làm mới, cách tính toán kích thước các chi tiết); cần trình bày rõ hơn về Đề án để sản xuất thương mại hóa sản phẩm sau này; chi tiết hóa thêm cơ sở khoa học của màng lọc nano để lọc vi sinh, kim loại nặng; cần sửa chữa một số lỗi chính tả trong hình vẽ.....

Dự án đạt yêu cầu nghiệm thu.

 

Ý kiến góp ý: