Họp nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ cấp Bộ “Hoạt động tuyên truyền, phổ biến thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”
13/05/2013Ngày 11/5/2013, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ cấp Bộ "Hoạt động tuyên truyền, phổ biến thích ứng với biến đổi khí hậu của Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do TS. Phạm Hồng Cường - Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế chủ nhiệm.
Việt Nam là một trong số những quốc gia đứng trước nguy cơ chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai, đặc biệt là hạn hán, bão lũ, nước biển dâng ngày càng mãnh liệt. Nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mới được quan tâm một cách rõ nét cả về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam sau khi có Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2008. Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn trong nghiên cứu khoa học hay những cảnh báo của các nhà khoa học mà còn thu hút được sự chú ý, nhận thức cũng như hành động cụ thể của toàn dân. Biến đổi khí hậu và tác dộng của nó là mối nguy cơ hiện hữu đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến thích ứng với biến đổi khí hậu ở tất cả các lĩnh vực đến tất cả các cấp từ trung ương, địa phương đến người dân là cần thiết.
Mục tiêu của nhiệm vụ là hoạt động tuyên truyền, phổ biến thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc 06 lĩnh vực của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: thủy lợi, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản hướng đến cộng đồng, làm cho cộng đồng biết, cộng đồng hiểu, cộng đồng làm để thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Với thời gian thực hiện trong 6 tháng, từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013 tại Nam Trực-Nam Định, Quảng Xương-Thanh Hóa, nhiệm vụ đã đạt được các kết quả như: Đã xây dựng chi tiết chương trình phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho lãnh đạo cấp huyện, lãnh đạo cấp xã, cộng đồng dân cư; Biên tập các nội dung tuyên truyền bao gồm 11 video với thời lượng 77 phút, 04 bài viết, các bản tin chuyên đề về tác dộng biến đổi khí hậu trong 06 lĩnh vực và các bài phỏng vấn người dân; In ấn các ấn phẩm tuyên truyền bao gồm tờ rơi, 06 loại băng rôn, 06 loại áp phích tuyên truyền về biến đổi khí hậu và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; Tổ chức tuyên truyền về tác động của biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo các nội dung đã biên soạn cho cán bộ lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn và người dân tại 02 huyện Quảng Xương-Thanh Hóa và Nam Trực-Nam Định; Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền phổ biến thích ứng với biến đổi khí hậu cho ngành như về phương tiện tuyên truyền, nhân lực, tổ chức thực hiện, nội dung tuyên truyền.
Sau khi nghe Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo cũng như là nghe các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Đề tài đã có hiệu quả xã hội nhất định, đã bước đầu xây dựng được phương pháp và nội dung tuyên truyền cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Mặc dù thời gian hạn chế, tuy nhiên các nội dung đã thực hiện của đề tài cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đặt ra và đảm bảo khối lượng theo đề cương được duyệt. Nâng cao được nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hiệu quả của công tác tuyên truyền được nâng cao do hình thức tuyên truyền phong phú: video, bài viết, tờ rơi, pano, áp phích. Các sản phẩm tuyên truyền được trình bày đẹp, dễ hiểu, đầy đủ thông tin, kết quả nghiên cứu về biến đổi khí hậu đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa lại báo cáo, thể hiện rõ sự cần thiết phải tuyên truyền; bổ sung tóm tắt nhiệm vụ, bổ sung bài học kinh nghiệm từ các hoạt động truyền thông thực tế; phân tích lý do lựa chọn địa điểm thí điểm tuyên truyền, đánh giá hiệu quả cụ thể của việc tuyên truyền; chi tiết hơn về thời gian phát thanh vì đối tượng tuyên truyền là người dân, phát thanh vào thời gian trong ngày để đạt hiệu quả. Ngoài các hình thức tuyên truyền ở trên, Chủ nhiệm nhiệm vụ có thể tuyên truyền thông qua báo và tạp chí khoa học.
Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm nhiệm vụ bổ sung báo cáo theo ý kiến góp ý của các phản biện và thành viên trong Hội đồng. Đề tài đạt yêu cầu nghiệm thu.
Ý kiến góp ý: