Họp nghiệm thu Đề tài KHCN cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Nguyên 3
31/12/2015Ngày 30/12/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng khoa học công nghệ đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển bền vững tài nguyên nước vùng Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3, mã số TN3/T30 do TS. Đặng Hoàng Thanh - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm.
Theo Chủ nhiệm Đề tài, các công trình thủy lợi nói chung và hồ chứa vừa và nhỏ nói riêng tại các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện được vai trò biện pháp hàng đầu phát triển nông nghiệp nông thôn qua việc chủ động cấp nước phục vụ đa mục tiêu, không những thực hiện được nhiệm vụ chủ yếu như cấp nước cho cây trồng mà còn kết hợp cấp nước cho các ngành khác như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, cấp nước cho sinh hoạt, dịch vụ, du lịch, phát triển thủy điện, công nghiệp... đảm bảo được an ninh lương thực , đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho các đồng bào Tây Nguyên. Các hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên có tầm quan trọng đặc biệt vì nó góp phần quyết định vào việc khai thác tiềm năng và phát triển kinh tế khu vực, bảo vệ rừng đầu nguồn, chống xói mòn đất, chống hạn, giảm lũ cho hạ lưu... Tuy nhiên, bên cạnh việc ít có khả năng lưu trữ vào mùa khô, lượng nước thường bị thiếu hụt, diện tích bị hạn lớn thì các công trình thủy lợi và hồ chứa này được xây dựng từ nhiều năm trước nay đã hết thời gian khai thác, nhiều hạng mục xuống cấp, hoặc có những công trình do khả năng đầu tư có hạn, thiếu, khiếm khuyết nên chưa phát huy hết năng lực vốn có dẫn đến khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất hạn chế, tồn tại những vấn đề cần có những giải pháp khoa học và công nghệ để khắc phục với chi phí thích hợp. Qua 24 tháng tiến hành triển khai và nghiên cứu, từ tháng 1/2014 đến 12/2015, Chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra 08 nhóm giải pháp công trình đó là (1) Giải pháp hạn chế bồi lắng các hồ chứa vừa và nhỏ; (2) Giải pháp chống thấm các hồ chứa vừa và nhỏ; (3) Các giải pháp cải tạo, nâng cấp thân đập các hồ chứa vừa và nhỏ; (4) Giải pháp cải tạo nâng cấp tràn, tăng dung tích chứa của các hồ chứa vừa và nhỏ; (5) Giải pháp cải tạo, nâng cấp cống lấy nước nhằm tăng hiệu quả của các hồ chừa vừa và nhỏ khu vực Tây Nguyên; (6) Giải pháp, biện pháp cải tạo nâng cấp hệ thống kênh nhằm tăng hiệu quả tưới của các hồ chứa vừa và nhỏ; (7) Nghiên cứu hỗ trợ nguồn bằng giải pháp động lực nhằm tăng hiệu quả khai thác sử dụng của các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn nghiên cứu; (8) Nghiên cứu hỗ trợ nguồn bằng giải pháp bổ cập gia tăng mực nước ngầm xung quanh các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn nghiên cứu. Thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam kết luận: Đề tài có khối lượng nghiên cứu lớn, đầy đủ về mặt số lượng, chủng loại theo đề cương đã được duyệt, khối lượng thực hiện; báo cáo có chất lượng, hàm lượng khoa học đáp ứng yêu cầu; các phương pháp điều tra khảo sát, phương pháp tính toán phù hợp, đảm bảo tính chính xác và trung thực; sử dụng các phần mềm tính toán cho các chuyên đề tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu của các nội dung nghiên cứu đề ra; đưa ra cơ sở nghiên cứu phù hợp để đề xuất được giải pháp có tính khoa học và tính thực tiễn cao; nội dung các bài báo có chất lượng liên quan trực tiếp tới đề tài nghiên cứu. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài cần bố cục lại báo cáo tổng kết, cập nhật tài liệu nghiên cứu, danh mục tài liệu tham khảo để làm nổi bật được các giải pháp nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ khu vực Tây Nguyên; đánh giá tổng quát kinh nghiệm và bài học từ các nghiên cứu trước; bổ sung cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng; cần làm rõ phần phân tích, xử lý các số liệu thu thập về hiện trạng năng lực của công trình hồ chứa; phân tích rõ hơn nguyên nhân làm giảm năng lực hồ chứa vùng Tây Nguyên; dự báo nhu cầu nguồn lực để thực hiện, kiến nghị với Nhà nước; nêu rõ những đóng góp mới của Đề tài; bổ sung minh chứng về tài liệu khảo sát điều tra, kết quả thí nghiệm.... Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ theo các ý kiến góp ý của Hội đồng. Đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu.
Ý kiến góp ý: