Họp nghiệm thu đề tài Nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng xói lở - bồi lấp vùng ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu và đề xuất các giải pháp khắc phục”
25/04/2011Ngày 15/4/2011 tại Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Phòng Nghiên cứu Hải dương học,Viện Kỹ thuật Biển, đã bảo vệ thành công Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng xói lở - bồi lấp vùng ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu và đề xuất các giải pháp khắc phục”
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là cơ quan chủ quản và Viện Kỹ thuật Biển là cơ quan thực hiện do PGS.TS. Nguyễn Thế Biên làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài được thực hiện từ 16/10/2009 đến 16/10/2010, nhưng do khối lượng nội dung công việc rất lớn nên cơ quan chủ quản đã gia hạn thời gian nghiệm thu là 3 tháng và ngày 15/4/2011 Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức nghiệm thu đề tài.
Hội đồng nghiệm thu gồm 9 thành viên do TS. Trương Thành Công, Giám đốc Sở KH&CN làm chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam và PGS. TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Phân viện trưởng phân viện Khí tượng thuỷ văn và Môi trường phía Nam làm phản biện cùng các thành viên Hội đồng là những nhà khoa học và quản lý một số cơ quan của tỉnh có liên quan đến vấn đề này.
Mục tiêu của đề tài:
Mục tiêu tổng quát:
- Nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng xói lở, bồi lấp vùng ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu.
- Đề xuất các giải pháp khắc phục.
Mục tiêu cụ thể:
- Nghiên cứu cụ thể các khu vực bờ biển bị xói lở, bồi lấp để đánh giá chi tiết từng vùng và tổng thể hiện trạng vùng ven biển từ mũi Nghinh Phong đến Bình Châu;
- Xác định các nguyên nhân chủ yếu gây nên xói lở, bồi lấp cho từng khu vực bờ biển;
- Phân tích cụ thể (từ tài liệu, số liệu thống kê, thu thập, điều tra dân gian, điều tra hiện trạng, tài liệu khảo sát, đo đạc...) tình hình xói lở, bồi lấp của từng khu vực bờ biển;
- Đề xuất được các giải pháp khắc phục cho các khu vực bị xói lở, bồi lấp kết nối với những khu vực đã được xây dựng công trình bảo vệ bờ để phủ kín toàn bộ vùng ven biển từ mũi Nghinh Phong đến Bình Châu;
Ý nghĩa khoa học:
Đưa ra được cơ sở khoa học về nguyên nhân gây ra xói lở vùng ven biển và bồi lấp vùng cửa sông dưới tác động tổng hợp thuỷ thạch động lực học và tác động do con người tạo nên.
Ý nghĩa thực tiễn:
Đưa ra được bộ CSDL trường gió biển Đông trong các mùa gió Đông Bắc và Tây Nam ảnh hưởng đến chế độ sóng, dòng chảy và bồi xói vùng biển ven bờ; các CSDL trường sóng, trường dòng chảy, mực nước vùng ven bờ tỉnh BR-VT và tiểu khu vực Hồ Tràm-Hồ Cốc-Bình Châu (HT-HC-BC) trên mô hình tích hợp phổ sóng, thủy động lực học, vận chuyển bùn, vận chuyển cát và diễn biến bồi xói trong điều kiện hiện trạng và khi có công trình chỉnh trị với dạng thời tiết bình thường và dạng thời tiết cực đoan, khi có bão cấp 12 kết hợp với triều cường, mực nước biển dâng (MNBD) do biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu gây nên;
- Đưa ra được một số phương án chỉnh trị tiểu khu vực HT-HC-BC bằng các giải pháp công trình bảo vệ bờ.
Đề tài nghiệm thu đạt kết quả : Khá
Theo Viện Kỹ thuật Biển
Ý kiến góp ý: