TextBody
Huy chương 2

Họp nghiệm thu Dự án SXTN cấp Nhà nước mã số DAĐL-2010/04

13/05/2013

Ngày 09/5/2013, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức họp nghiệm thu Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước "Hoàn thiện công nghệ thông tin tự động hóa để xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi phục vụ cho công tác phòng chống úng, hạn nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu". Mã số DAĐL-2010/04 do ThS. Nguyễn Quốc Hiệp - Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi làm chủ nhiệm Dự án.

Do nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế, xã hội tăng nhanh trong khi tài nguyên nước ở Việt Nam có hạn và đang bị suy thoái nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, do biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực đã và sẽ làm trầm trọng thêm các khó khăn mà thiên tai mang lại dẫn đến suy giảm tài nguyên nước, dòng chảy năm giảm, dòng chảy kiệt suy giảm lớn hơn, bốc thoát hơi nước tăng cao khiến nhu cầu sử dụng nước cũng tăng theo. Tổng lượng mưa năm tuy ít biến đổi nhưng cường độ mưa  ngày có xu hướng tăng cao, tăng từ 12-19% khiến cho các đỉnh lũ xuất hiện cao hơn với tần suất lớn hơn, gây nhiều tổn thất cho nền kinh tế, đời sống nhân dân, đe dọa đến an toàn của nhiều công trình. Vì vậy, để phát huy tối đa năng lực các công trình thủy lợi đã có hiện nay để đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho các ngành kinh tế khác và phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu đang là yêu cầu bức xúc của thực tiễn.

Trước  2010, Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy nông Áp Bắc - Nam Hồng” nghiệm thu ngày 18/8/2005. Kết quả của đề tài này đã bước đầu xây dựng được hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu mực nước, lượng mưa chạy trên máy tính đơn (công nghệ SCADA); đã nghiên cứu chế tạo thiết bị thu thập và truyền số liệu RTU, nghiên cứu xây dựng phần mềm truyền số liệu từ hiện trường về trung tâm điều hành với chất lượng tương đương nhập ngoại nhưng giá thành chỉ bằng 60%; sản phẩm cũng đã được triển khai ứng dụng tại hệ thống thủy nông Áp Bắc - Nam Hồng, đến nay các hệ thống đã phát huy hiệu quả trong việc quản lý điều hành các hệ thống thủy nông, điều hành các hồ chứa nước nhằm tưới tiết kiệm nước, phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai.

Tuy vậy, các sản phẩm này cũng còn một số tồn tại như: chỉ có chức năng truyền số liệu qua điện thoại cố định, chế độ tiết kiệm năng lượng chưa tốt (về thiết bị RTU); phần mềm chỉ có các chức năng truyền số liệu quan trắc từ thiết bị RTU về máy tính trung tâm, lưu trữ trên máy tính cá nhân, hiển thị và in ấn số liệu đó, không thể dùng chung cho những người khác cũng cần số liệu đó; phần mềm chỉ hiện thị trên bản đồ vị trí các trạm đo, chưa quản lý về các hệ thống công trình từ đầu mối đến hệ thống kênh, các công trình trên kênh, chưa quản lý tình hình sản xuất nông nghiệp từ các xã đến các huyện, các công ty trong các tỉnh.

Dự án sản xuất thử nghiệm này sẽ nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm trên để tích hợp thành hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi cho các tỉnh, giúp cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo các ban ngành có thể truy cập vào hệ thống qua trình duyệt web để xem bản đồ hiện trạng, thông tin về quản lý các công trình thủy lợi, các thông tin về tình hình sản xuất, các số liệu mực nước, độ mở cống, lượng mưa để có thể đưa ra các phương án chỉ đạo sản xuất kịp thời nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của Dự án: Hoàn thiện được công nghệ chế tạo một số thiết bị và phần mềm cho công nghệ thông tin, tự động hóa để hiện đại hóa quản lý điều hành các công trình thủy lợi; tạo ra sản phẩm thu thập và truyền số liệu (thiết bị RTU-TL3); phần mềm thu thập và quản lý dữ liệu ngành thủy lợi; áp dụng thử nghiệm tại tỉnh Thái Bình.

Kết quả chính của đề tài là tạo ra sản phẩm thu thập và truyền số liệu thiết bị RTU-TL3, giá thành giảm 30% có chất lượng tương đương với thiết bị ngoại nhập, có nhiều tính năng chuyên ngành thủy lợi, có thể truyền số liệu qua mạng điện thoại di động được cấp nguồn bằng pin mặt trời; có thể làm việc ở chế độ tiết kiệm năng lượng; thiết kế phần mềm thu thập số liệu và quản lý các công trình thủy lợi chạy trên môi trường web thông qua trình duyệt internet hiển thị đầy đủ thông tin cần thiết như bản đồ hiện trạng, thông tin về công trình, bản vẽ, hình ảnh về công trình thủy lợi, tình hình sản xuất nông nghiệp...; đã xây dựng thử nghiệm mới 2 trạm đo nước, đo mưa tự động áp dụng sản phẩm của Dự án tại tỉnh Thái Bình sử dụng nguồn điện từ năng lượng pin mặt trời, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi tỉnh Thái Bình.

Thay mặt Hội đồng, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao kết quả đạt được của Dự án. Dự án đầy đủ về số lượng, khối lượng sản phẩm khoa học công nghệ, phương pháp thực hiện phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của Dự án; các số liệu trong báo cáo khá chi tiết và đầy đủ; Dự án đã huy động được nhiều đơn vị phối hợp và điều hành tốt, đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung chuyên môn; các nội dung về thiết kế phần cứng và phần mềm được Chủ nhiệm Dự án phân tích rõ ràng và hợp lý. Dự án sử dụng tốt nguồn nhân lực sẵn có, trang thiết bị và nhà xưởng của đơn vị...  Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm Dự án cần chú ý một số điểm như: để đánh giá được độ bền, độ tin cậy cần có thời gian vận hành, thử nghiệm dài; cần chú ý  về vấn đề chống sét an toàn cho thiết bị; quan tâm tời vấn đề nhiệt đới hóa và chống ẩm; bảo vệ nguồn ổn định; sửa lại bảng thống kê kết quả....

Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm chỉnh sửa báo cáo theo các ý kiến góp ý của Hội đồng. 

Ý kiến góp ý: