TextBody
Huy chương 2

Kết quả đánh giá chất lượng nước sông Cái Nha Trang, nguyên nhân và giải pháp bảo vệ

06/01/2014

Dựa trên kết quả khảo sát hiện trường và kiểm định trong phòng thí nghiệm của đề tài: "Đánh giá hiện trạng môi trường lưu vực sông Cái và sông Dinh, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải thiện môi trường" các tác giả đã đánh giá hiện trạng chất lượng nước sông Cái Nha Trang và xác định được các tác nhân cũng như nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước. Bài viết đề cập đến những giải pháp khả thi nhằm giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm nước sông góp phần từng bước cải thiện chất lượng nước của con sông quan trọng nhất cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sông Cái Nha Trang (SCNT) là một trong ba con sông lớn của tỉnh Khánh Hòa đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt phục vụ cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, do tốc độ phát triển dân số, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ ngày càng gia tăng dọc hai bên bờ của các con sông đã thải vào dòng sông một lượng lớn chất thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, đặc biệt là những đoạn chảy qua các thị trấn, thị tứ, thành phố lớn như thành phố Nha Trang, thị trấn Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa), thị trấn Diên Khánh.

Tổng hợp từ kết quả nghiên cứu, khảo sát đề tài “Đánh giá hiện trạng môi trường sông Cái (Nha Trang) và sông Dinh (Ninh Hòa), phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường” do Viện Kỹ thuật Biển thực hiện chúng tôi đã phân tích đánh giá được hiện trạng chất lượng nước trên sông Cái Nha Trang và đề xuất giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực nhằm từng bước cải thiện chất lượng, môi trường nước của con sông có tầm quan trọng chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa. 

2. KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ NGUỒN NƯỚC SÔNG CÁI NHA TRANG

2.1. Diễn biến chế độ thủy văn trong sông

Kết quả đo đạc chế độ thủy văn tại trạm đo TV1 (tại xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang cạnh cầu Đường Sắt phía hạ du sông) bao gồm mực nước và tính toán lưu lượng dòng chảy trong 2 đợt đo vào tháng 11/2010 và tháng 4/2011 được thể hiện trong Hình 1 và 2.

Kết quả cho thấy mực nước sông tại trạm đo bị ảnh hưởng mạnh của thủy triều và độ chênh lệch mực nước đỉnh và chân triều vào thời kỳ mùa mưa và mùa khô là khá lớn (trung bình khoảng 1,0m). Lưu lượng nước tính toán tại mặt cắt đo (Hình 2) cho thấy trong mùa khô, lưu lượng nước sông thay đổi không nhiều (đạt giá trị Max là 187,5 m3/s và Min là 73,54 m3/s) và đạt trị số trung bình là 120,34 m3/s. Trong mùa mưa, lưu lượng tại mặt cắt đo biến động rất lớn, đạt giá trị Max là 1.272,91 m3/s và giá trị Min là 201,72 m3/s. Biên độ dao động mực nước và lưu lượng trong sông lớn có tác động mạnh đến biến đổi chất lượng nước. Vấn đề này cần phải được xét tới trong phần đánh giá hiện trạng chất lượng nước sông.

2.2. Hiện trạng chất lượng nước

Để tiến hành nghiên cứu đánh giá chất lượng nước trên sông Cái Nha Trang chúng tôi đã tiến hành lập 8 vị trí lấy mẫu trải dài từ phía thượng lưu (khu vực xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, M8) về hạ lưu đổ ra Vịnh Nha Trang (M1) trên dòng sông chính.

Kết quả trị số pH tại các trạm đo trên sông vào các thời kỳ mùa mưa và mùa khô được thể hiện trong Hình 3 với trị số dao động không nhiều giữa các điểm đo (trong khoảng 6,0 ÷ 7,6) nằm trong giới hạn cho phép cột A theo tiêu chuẩn QCVN 08: 2008/BTNMT.

Như vậy có thể thấy chất lượng nguồn nước trên sông Cái Nha Trang không bị ảnh hưởng chua trong cả thời kỳ mùa khô và mùa mưa và có thể đáp ứng tốt cho các mục đích sử dụng nước tưới trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và xử lý ‎để cấp nước cho sinh hoạt các khu dân cư và đô thị.

Hàm lượng cặn lơ lửng (TSS) trong nước:

Biến đổi về hàm lượng cặn lơ lửng tại các trạm đo
trên sông vào thời kỳ mùa mưa và mùa khô được thể hiện trong Hình 4.

Kết quả đo hàm lượng cặn trong nước trên sông Cái Nha Trang vào 2 thời điểm mùa khô và mùa mưa (Hình 2) cho thấy rằng giá trị TSS trong nước chênh lệch rất lớn giữa mùa khô và mùa mưa (đạt giá trị Max vào mùa mưa là 273,5 mg/l và giá trị Min vào mùa khô là 8,36 mg/l). Điều này cho thấy khả năng gây bồi phía hạ du (cửa sông và vùng bãi biển) của sông Cái là rất lớn.

Như vậy, trong giai đoạn mùa mưa nguồn nước sông Cái sẽ có độ đục cao gây ảnh hưởng tới chất lượng nước cũng như khả năng gây bồi lắng về phía hạ du và đặc biệt là các bãi biển của thành phố Nha Trang.

Hàm lượng FeTS trong nước:

Hàm lượng sắt tổng trong nước sông tại các điểm lấy mẫu dao động trong khoảng 0,25 mg/l tới 1,48 mg/l (Hình 5).

Chỉ có 3 trạm đo có giá trị hàm lượng FeTS cao hơn tiêu chuẩn cho phép là M2, M3 và M4 (vượt từ 20 ÷ 48% giá trị cho phép) còn lại các trạm khác đều có giá trị sắt tổng đo được nhỏ hơn giá trị cho phép. Điều này cho thấy rằng  hàm lượng sắt trong nguồn nước sông Cái hầu hết vẫn chưa gây ô nhiễm. Một số điểm có nguồn sắt tổng cao cần xem xét hạn chế khả năng hình thành sắt từ các nguồn phát sinh.

Hàm lượng BOD5 trong nước:

Giá trị BOD5 đo được trong các mẫu nước của sông Cái được thể hiện trong Hình 6.

Kết quả đo cho thấy rằng hàm lượng BOD5 trong mẫu nước sông Cái vào thời điểm mùa khô và mùa mưa là khá thấp, dao động trong khoảng từ 1,75 mg/l tới 4,27 mg/l và đều nằm trong giới hạn cho phép của cột A  theo QCVN 08: 2008/BTNMT. Kết quả khảo sát này cho thấy nguồn nước trong sông cái cũng như các nhánh đổ vào sông chưa bị ô nhiễm chất hữu cơ.

Hàm lượng vi sinh vật trong nước sông:

Hàm lượng tổng Coliform kiểm định tại các điểm lấy mẫu trong sông (Hình 7) dao động trong khoảng từ 1,1x103 ÷ 59x103 MPN/100ml. Kết quả phân tích cho thấy vào thời kỳ mùa mưa hầu hết các trạm phía thượng nguồn (M3, M4, M5, M6, M7 và M8) đều có giá trị tổng Coliform đo được nằm trong giới hạn cho phép của cột A QCVN08:2008/BTNMT 

Hình 7: Hàm lượng tổng Coliform trong nước sông

Trong thời kỳ mùa khô chỉ có 2 trạm trên thượng nguồn (M7 và M8) vẫn có giá trị tổng Coliform nằm trong giới hạn cho phép của cột A. Tuy nhiên, tất cả các trạm khác còn lại đều có giá trị tổng Coliform đo được vượt tiêu chuẩn cột A (M1 và M2) và cột B (7,5x103 ≤ B ≤ 10x103 MPN/100ml). Giá trị tổng Coliform tại các trạm M3, M4, M5 và M6 đều vượt tiêu chuẩn cho phép của cột B, do vậy nguồn nước của các khu vực này bị ô nhiễm vi sinh khá nặng với các nguồn chủ yếu là chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư tập trung, chất thải trong nông nghiệp và một số nhà máy ven sông thải trực tiếp vào nguồn nước.

Nhận xét chung về hiện trạng chất lượng nước sông Cái Nha Trang:

Qua kết quả khảo sát và phân tích cho thấy rằng nguồn nước của sông Cái Nha Trang hiện nay đã có nhiều biểu hiện bị ô nhiễm cục bộ từng khu vực và vào từng thời điểm trong năm.

-  Vào thời kỳ mùa lũ (từ tháng 9 ÷ 11) thì toàn bộ nguồn nước trong sông đều bị đục và hàm lượng cặn tăng cao ảnh hưởng tới chất lượng nước cấp sinh hoạt và nuôi thủy sản;

-  Vào giai đoạn mùa kiệt chỉ có một số đoạn sông bị ô nhiễm do chịu tác động của chất thải, nước thải từ các nguồn thải sinh hoạt, canh tác nông nghiệp, chất thải từ các nhà máy thải trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm, đó là tại các vị trí lấy mẫu M2, M3, M4, M5;

-  Ô nhiễm do hàm lượng FeTS cao trong nước chỉ xảy ra đối với doạn sông có các trạm đo: M2, M3 và M4. Đây là các điểm đo nằm ở phía hạ du chịu tác động của các nguồn thải các khu dân cư cũng như chất thải từ canh tác nông nghiệp trong vùng thải ra. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm không quá cao mà chỉ nằm trong giới hạn cột B (1,0 ≤ B ≤ 2,0 mg/l) theo quy chuẩn QCVN 08: 2008/BTNMT. Các nhánh sông từ giao điểm M4 trở về thượng nguồn là chưa bị ảnh hưởng do ô nhiễm FeTS trong nguồn nước;

-  Ô nhiễm do vi sinh được thể hiện rõ tại các vị trí lấy mẫu M3, M4, M5 và M6 và đặc biệt cao tại vị trí M6 với giá trị đo được vượt cao gấp gần 6 lần so với tiêu chuẩn cho phép của cột B theo quy chuẩn QCVN 08: 2008/BTNMT sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới việc sử dụng cấp nước cho sinh hoạt của người dân cũng như cho nuôi thủy sản. Những khu vực ô nhiễm vi sinh đều tập trung tại những vùng có dân cư tập trung đông, những vùng có kinh tế phát triển kinh tế cao của tỉnh Khánh Hòa. Do vậy, trong những năm tới cần phải có chế độ kiểm tra, giám sát tốt hơn cho những vị trí này và mở rộng thêm các điểm giám sát để xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp giảm thiểu ô nhiễm vi sinh cho những khu vực bị ô nhiễm cao.

3. Đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Cái Nha Trang

Từ các kết quả khảo sát, phân tích đánh giá nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp giảm thiểu những tác động tới ô nhiễm nguồn nước sông Cái Nha Trang như sau:

- Cần nạo vét, khơi thông dòng chảy đối với một số nhánh sông thuộc khu vực nội ô như nhánh sông Kim Bòng, hạn chế tình trạng ứ đọng rác thải, nước thải trong một thời gian dài;

 - Các đập dâng mới xây dựng trên sông cần có thiết kế phù hợp, có hạng mục công trình xả đáy và vận hành thường xuyên nhằm giảm lượng trầm tích bùn đáy ô nhiễm tích tụ trong thời gian dài gây ô nhiễm nguồn nước, đồng thời gây thiếu hụt lượng cát cho vùng cửa sông và khu vực bãi tắm của vịnh Nha Trang;

- Giải quyết dứt điểm các khu vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư, khu vực cửa sông Cái, đẩy nhanh việc thực hiện dự án đường và bờ kè sông Cái Nha Trang;

- Cần quản lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra ở nhiều địa phương nhất là khai thác cát trên các sông, khai thác đất san lấp, khai thác nước ngầm, đặc biệt gần đây xảy ra các vụ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh với mức hủy hoại và gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng;

- Giải quyết các khu vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư, khu vực cửa sông Cái, đẩy nhanh việc thực hiện dự án đường và bờ kè sông Cái Nha Trang;

- Quy hoạch các khu giết mổ gia súc, gia cầm

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bản cam kết bảo vệ môi trường cần phải được thường xuyên giám sát thực hiện.

- Giáo dục nhằm tăng cường ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh

- Bổ sung chế tài và lực lượng để xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở mức độ nhỏ lẻ;

- Tăng cường quan trắc, dự báo diễn biến chất lượng môi trường, xác định kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách của tỉnh. Phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm tiêu chuẩn môi trường;

- Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý về môi trường cho cán bộ công chức làm công tác bảo vệ môi trường.

- Sớm xây dựng khung chương trình hành động đối với công tác bảo vệ môi trường cho từng giai đoạn phát triển, trong đó có sự lồng ghép các chương trình hành động quốc gia, phải phù hợp với định hướng quy hoạch, phát triển chung tỉnh. Bên cạnh đó thì các định hướng, quy hoạch về mặt môi trường sẽ làm cơ sở cho các định hướng pháp triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Từ kết quả phân tích đánh giá cho thấy: hiện nay nguồn nước sông Cái Nha Trang bắt đầu bị ô nhiễm cục bộ trên những vùng chịu nhiều tác động của các nguồn thải ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng. Các tác giả đã phân tích, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm từ đó đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình khả thi nhằm giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm để từng bước cải tạo chất lượng nước và bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo được yêu cầu cải thiện được chất lượng nước sông Cái và bảo vệ môi trường, chúng tôi kiến nghị cần thực hiện những nhiệm vụ sau trong những năm gần đây: 

-  Rà soát, đánh giá rủi ro môi trường của việc phát triển công nghiệp trên toàn tỉnh Khánh Hòa;

-  Đánh giá hiện trạng môi trường và tính toán khả năng chịu tải của các sông, suối chính trên toàn tỉnh Khánh Hòa;

-  Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các khu vực xung yếu của tỉnh Khánh Hòa;

-  Rà soát, đánh giá và đề xuất các mô hình sản xuất hiệu quả thân thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, 2011. Báo cáo lập bản đồ ngập lụt khu vực sông Dinh Ninh hòa và sông Cái Nha Trang.

[2]. Lương Văn Thanh và cs, 2012. Đánh giá hiện trạng môi trường lưu vực sông Cái (Nha Trang) và sông Dinh (Ninh Hòa), phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp bảo vệ và cải thiện môi trường. Báo cáo tổng kết KHCN đề tài khoa học cấp Tỉnh.  

[3]. Niên giám thống kê tỉnh Khánh Hòa năm 2010;

[4]. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, 2008. Báo cáo quy hoạch chung hệ thống cấp nước thành phố Nha Trang và khu vực phụ cận thuộc huyện Diên Khánh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

[5]. Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, 2010. Báo cáo kết quả quan trắc môi trường quý I, II, III và IV năm 2010, 2011.‎


Tác giả: PGS.TS. Lương Văn Thanh, KS. Đoàn Thanh Vũ, ThS. Lương Văn Khanh
Viện Kỹ thuật Biển-Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tạp chí KH&CN Thủy lợi Viện KHTLVN

Ý kiến góp ý: