TextBody
Huy chương 2

Kết quả kiểm tra dự án Cống lắp ghép

12/08/2013

Ngày 04/8/2013, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng làm trưởng đoàn, cùng đi có đại diện của Vụ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức đi kiểm tra kết quả thực hiện dự án "Hoàn thiện công nghệ thiết kế, chế tạo và thi công cống lắp ghép bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực ở đồng bằng sông Cửu Long" do ThS. Doãn Văn Huế, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam làm chủ nhiệm.

Sau gần 2 năm thực hiện dự án đã triển khai 2 điểm xây dựng mô hình thử nghiệm cống lắp ghép. Đoàn kiểm tra đến thăm công trình thử nghiệm cống Kênh 12, cống Kênh 13 trên đê bao ngoài vùng đệm U Minh Thượng tại tỉnh Kiên Giang.

Tại hiện trường, Đoàn kiểm tra đã trực tiếp làm việc với Đội trưởng thi công xây dựng 2 công trình (anh Nguyễn Văn Dũng - Công ty Hoàn Mỹ), trao đổi với cán bộ kỹ thuật của chủ đầu tư (anh Lê Hoàng An), kiểm tra đánh giá hiệu quả của dự án.

Kết quả kiểm tra cho thấy đây là 2 công trình cống lắp ghép bằng cừ BTCT, cửa van phẳng khẩu độ B = 4÷5m lần đầu tiên được ứng dụng ở tỉnh Kiên Giang, với kết cấu công trình đơn giản, các bộ phận của cống như cọc, cừ, cửa van, cầu giao thông được chế tạo sẵn trong nhà xưởng trước rồi vận chuyển xuống công trình để thi công lắp ghép nên rút ngắn được thời gian thi công ở hiện trường, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết. Thiết bị đóng cọc cho 2 công trình được dùng chủ yếu là dàn solex cải tiến nên công tác lắp dựng và đóng cừ tương đối đơn giản, giảm được đáng kể chi phí vận chuyển những thiết bị đóng cọc nặng nề đến công trường.

Khi được hỏi về triển vọng áp dụng công nghệ cống lắp ghép, anh An cho biết với mức chi phí xây dựng của công trình cống Kênh 12, 13 chỉ bằng khoảng 60÷65% so với các cống truyền thống hiện đang triển khai ở Kiên Giang, phạm vi chiếm đất xây dựng nhỏ và thời gian thi công nhanh sẽ là cơ sở ưu tiên khi lựa chọn phương án kết cấu cống cho các dự án của tỉnh, hiện nay Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Kiên Giang đã cho phép tiếp tục ứng dụng ở 6 công trình thuộc dự án phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Vàm Răng - Ba Hòn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, đại diện Vụ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị cần nghiên cứu giảm kích thước chiều dày cừ bản BTCT để thuận tiện trong quá trình vận chuyển và thi công ở hiện trường vì thực tế các cừ bản chủ yếu làm nhiệm vụ chống thấm còn các cọc BTCT mới là kết cấu chịu lực chính của công trình.

PGS.TS. Đinh Vũ Thanh,  Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu cải tiến kết cấu cửa van, lựa chọn các vật liệu nhẹ như composite, bản nhựa,… để đơn giản, thuận tiện trong quản lý vận hành và cần quan tâm đến mỹ quan công trình.

 

Ý kiến góp ý: