Kết quả nghiệm thu Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu Đa dạng sinh học và An toàn sinh học tỉnh Thanh Hóa”
07/04/2014Thực hiện Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 13/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Hội đồng thẩm định Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu Đa dạng sinh học (ĐDSH) và An toàn sinh học tỉnh Thanh Hóa”, ngày 07 tháng 3 năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả Dự án.
Tham dự buổi thẩm định có ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa là Chủ tịch Hội đồng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Văn phòng UBND tỉnh; đơn vị tư vấn thực hiện - Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình và đơn vị tư vấn giám sát - Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Tại cuộc họp, chủ nhiệm dự án ThS. Ngô Xuân Nam trình bày tóm tắt kết quả thực hiện dự án.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh thay mặt đơn vị tư vấn giám sát trình bày báo cáo giám sát quá trình thực hiện sự án.
Các thành viên trong hội đồng thẩm định đã thảo luận và đánh giá cao kết quả đạt được của Dự án, bao gồm:
1. Kết quả nghiên cứu từ năm 2011 đến năm 2013 đã xác định tại tỉnh Thanh Hóa có 4.005 loài động, thực vật thuộc 599 họ, trong đó có1.292 loài động vật và 2.713 loài thực vật. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá mức độ ĐDSH của từng nhóm sinh vật theo các chỉ số ĐDSH tùy theo từng nhóm chuyên môn.
2. Về mức độ quý hiếm, đối với thực vật theo DLĐVN 2007 có 99 loài quý hiếm, theo IUCN 2012 có 146 loài quý hiếm và theo NĐ 32/2006/NĐ-CP có 38 loài quý hiếm; đối với động vật theo DLĐVN 2007 có 77 loài quý hiếm, theo IUCN 2012 có 162 loài quý hiếm và theo NĐ 32/2006/NĐ-CP có 54 loài quý hiếm.
3. Đãxác định được 15 loài ngoại lai xâm hại, trong đó có 1 loài thực vật thủy sinh, 8 loài thực vật ở cạn, 2 loài động vật không xương sống và 4 loài cá.
4. Đã xây dựng 03 bản đồ chuyên đề: Bản đồ thảm thực vật, bản đồ động, thực vật quý hiếm và bản đồ sinh vật ngoại lai xâm hại, tỷ lệ 1/250.000.
5. Đã xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ĐDSH và cập nhật dữ liệu của 1.292 loài động vật và 2.713 loài thực vật.
6. Đã xác định được 06 nguyên nhân gây tổn thất ĐDSH và suy giảm ĐDSHở một số hệ sinh thái điển hình của tỉnhThanh Hóa.
7. Đã đề xuất 03 nhóm giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy, Thanh Hóa đã có công trình thống kê chính thức đầu tiên về hiện trạng ĐDSH trên quy mô toàn tỉnh. Kết quả của dự án là cơ sở khoa học để triển khai thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý các sinh vật ngoại lai xâm hại phục vụ xây dựng, quy hoạch, sử dụng và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, từng bước ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần giải quyết những vấn đề lớn, trọng tâm, cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, đời sống và xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Theo vienbaovecongtrinh.vn
Ý kiến góp ý: