TextBody
Huy chương 2

Kết quả nghiên cứu mô hình dự báo, xác định ngưỡng bồi lắng, khai thác bùn cát và xây dựng hướng dẫn lập quy trình khai thác cát đảm bảo an toàn hồ chứa quan trọng đặc biệt

10/10/2022

PGS.TS. Lê Xuân Quang - Chủ nhiệm Đề tài tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu

Hoạt động khai thác cát trong lòng hồ chứa quan trọng đặc biệt biệt có những tác động chưa thể lường hết, gây nguy cơ mất an toàn hồ chứa cũng như gây ô nhiễm nguồn nước. Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu giải pháp quản lý, khai thác bồi lắng của các hồ chứa quan trọng đặc biệt đảm bảo an toàn, hiệu quả”. Đề tài bắt đầu thực hiện từ năm 2020 - 2022. Để kết quả của đề tài được áp dụng thực tiễn, làm cơ sở để ban hành các sổ tay hướng dẫn lập quy trình khai thác cát trong lòng hồ chứa quan trọng đặc biệt, sáng ngày 07/10/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kết quả nghiên cứu mô hình dự báo, xác định ngưỡng bồi lắng, khai thác bùn cát và xây dựng hướng dẫn lập quy trình khai thác cát đảm bảo an toàn hồ chứa quan trọng đặc biệt”.

Tham dự Hội thảo về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; TS. Khổng Trung Duân - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ thuộc Tổng cục Thủy lợi.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện; Đại diện các Ban tham mưu; Lãnh đạo và chuyên viên Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường; Trung tâm PIM; Các cán bộ khoa học của Viện.

Ngoài ra còn có đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Miền Nam; Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Cửa Đạt; Ban QLĐT XD Thủy lợi 4, 5; Sở NN&PTNT Tây Ninh; Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam; Trường Đại học Thủy lợi; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Hội Tưới tiêu, Hội Thủy lợi; Hội đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam.

Báo cáo về việc xây dựng mô hình dự báo bồi lắng bùn cát hồ chứa dầu tiếng, TS. Lương Hữu Dũng - Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và TS. Nguyễn Xuân Lâm - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết trên cơ sở tổng kết và kế thừa các nghiên cứu trước và qua quá trình tìm hiểu, đánh giá các điều kiện thực tế, đề tài đã xây dựng thành công hệ thống mô phỏng thủy văn lưu vực, dòng chảy bùn cát và phân bổ bồi xói trong lòng hồ.

Hệ thống mô hình bao gồm mô hình SWAT mô phỏng thủy văn và dòng chảy bùn cát từ lưu vực và MIKE 21FM mô phỏng lòng hồ, đã tái phân tích lại quá trình 40 năm từ 1979 - 2020 làm số liệu đầu vào cho các phân tích tiếp theo.

Số liệu tính toán hàng năm cho thấy có sự dao động lớn dòng chảy bùn cát về hồ, những năm lũ lớn dòng chảy bùn cát có thể đến 25 triệu m3, trong khi những năm lũ nhỏ chỉ khoảng dưới 1 triệu m3.

Kết quả đánh giá cho thấy cần thiết phải có một công cụ theo dõi đánh giá lượng bùn cát đến hàng năm cũng như cần phải có các nghiên cứu tiếp theo để tính toán lượng cát có thể khai thác làm cơ sở cho công tác quản lý và vận hành hồ Dầu Tiếng.

Theo TS. Lương Hữu Dũng và TS. Nguyễn Xuân Lâm, cách tiếp cận mô hình và công cụ đề xuất trong nghiên cứu được đánh giá phù hợp để mở rộng áp dụng cho các hồ chứa đặc biệt khác.

Báo cáo về kết quả xây dựng tiêu chí và xác định ngưỡng bồi lắng bùn cát, ngưỡng khai thác bùn cát đảm bảo an toàn hồ chứa quan trọng đặc biệt (tính toán cụ thể cho hồ chứa Dầu Tiếng), ThS. Lê Thế Hiếu - Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn cho biết bộ công cụ được sử dụng để mô phỏng, đánh giá bao gồm SWAT, bộ mô hình MIKE 11, MIKE 21FM của DHI.

Ba kịch bản được nhóm nghiên cứu đưa ra để mô phỏng bùn cát và thủy lực hồ Dầu Tiếng tương ứng với 3 năm đó là năm cạn điển hình 2010, năm nước trung bình 2013 và năm lũ điển hình 2000. Các kịch bản này được lựa chọn và đưa ra dựa trên phương pháp thống kê và tính toán tần suất. Lượng bùn cát đổ vào hồ lớn nhất chủ yếu tập trung vào mùa lũ do lưu lượng và hồ vào thời điểm này lớn, tổng lượng bùn cát đến hồ trung bình hàng năm là 5,8 triệu m3.

Kết quả tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy lòng hồ Dầu Tiếng bị bồi lấp đáng kể, tập trung chủ yếu ở các khu vực bãi bồi giữa hồ và gần đập. Thể tích bùn cát bồi lắng tại hồ khoảng 222 triệu m3.

PGS.TS. Lê Xuân Quang - Chủ nhiệm Đề tài đã giới thiệu sổ tay hướng dẫn lập quy trình khai thác cát hồ chứa quan trọng đặc biệt. Sổ tay có phần mở đầu, 6 chương, các phụ lục và biểu mẫu kèm theo bao gồm những quy định chung; Quản lý cát, sỏi lòng hồ; Tập kết vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cát lòng hồ; Bảo vệ lòng, bờ, bãi hồ, đập; Thủ tục xin cấp phép khai thác cát trong lòng hồ chứa quan trọng đặc biệt; Tổ chức thực hiện.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng đây là đề tài rất quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vì có liên quan đến 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt. GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng hướng tiếp cận của Đề tài hợp lý. Vẫn cho phép khai thác nhưng vấn đề kiểm tra, kiểm soát phải được đảm bảo, lượng bùn cát về đến đâu cho phép khai thác dưới mức đó. Nếu cho phép khai thác nhưng không có kiểm tra, kiểm soát sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng như có caster, chất gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt thậm chí dẫn đến thủng hồ...

Ban Chủ nhiệm Đề tài cần bám theo một số quy định của Nhà nước, Luật Thủy lợi, Luật khoáng sản; thường xuyên phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Vụ An toàn đập - Tổng cục Thủy lợi về các vấn đề chuyên môn.

Thay mặt Tổng cục Thủy lợi, GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi gửi lời cảm ơn Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các đề tài do Viện chủ trì đã hỗ trợ rất tốt cho cơ quan quản lý Nhà nước và mong muốn Đề tài sẽ nghiệm thu đúng tiến độ để sớm đưa vào ứng dụng thực tiễn.

Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu có mặt tại Hội thảo và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn nữa bằng nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý bằng văn bản… để giúp Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện (Ban chủ nhiệm Đề tài) hoàn thiện đề tài một cách tốt nhất.

GS.TS. Trần Đình Hòa đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài cần cập nhật lại các số liệu về pháp lý, số liệu thực tế, số liệu liên quan đến quan hệ lưu lượng đến; Làm việc với Ban Quản lý các hồ để nắm bắt sát thực tế; Lưu ý đến biên ở phía dưới; vấn đề giữa tổng lượng bùn cát đến hồ.

Về vấn đề xác định ngưỡng cần lưu ý không chỉ về khối lượng mà còn cần lưu ý về chất lượng để không ảnh hưởng đến vấn đề khai thác và sử dụng nguồn nước; tính toán cân bằng bùn cát phải chính xác; lưu ý vấn đề an toàn công trình và vấn đề môi trường.

Trong kết quả nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần phân tích, đánh giá mối quan hệ 04 hồ chứa quan trọng đặc biệt; xem xét lại nội dung, nội hàm của Sổ tay hướng dẫn.

Cuối cùng, GS.TS. Trần Đình Hòa đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu có mặt tại Hội thảo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thiện và kết thúc đề tài đúng hạn.

Ý kiến góp ý: