Kết quả nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy lưu vực sông Ba
27/10/2014 Bài báo này trình bày các kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy trên lưu vực sông Ba. Tính toán được thực hiện theo 3 kịch bản phát thải là: cao A2, trung bình B2 và thấp B1. Kết quả tính toán cho thấy dòng chảy ở thượng lưu sông Ba ít biến đổi hơn so với hạ lưu. Dòng chảy năm và dòng chảy mùa cạn có xu thế giảm, trong khi đó dòng chảy mùa lũ có xu thế tăng. Tuy nhiên, mức tăng dòng chảy lũ chỉ xảy ra trong các tháng giữa mùa lũ (X, XI). Trong các tháng còn lại, dòng chảy đều có xu thế giảm. Tháng XI có lưu lượng nước tăng nhiều nhất (13.89%) và tháng VI ó lưu lượng nước giảm nhiều nhất (41.96%) I. MỞ ĐẦU Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài nguyên nước (TNN) trên phạm vi toàn cầu. Các phân tích gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy sự nóng lên toàn cầu đã gây ra các tác động tiêu cực đến TNN, bao gồm: - Làm thay đổi về thời gian mưa và lượng mưa. Những khu vực vĩ độ cao có lượng mưa gia tăng và dòng chảy mặt được sinh ra nhiều hơn. Ngược lại, một số lưu vực ở vĩ độ thấp dòng chảy bị giảm và thiếu nước do sự kết hợp của sự gia tăng bốc hơi và giảm lượng mưa; - Những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa có thể dẫn đến thay đổi lớn tỷ lệ dòng chảy, tăng khả năng và mức độ nghiêm trọng của hạn hán và lũ lụt; - Chất lượng nước có thể bị suy giảm, nơi dòng chảy suy giảm sẽ gia tăng nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn tự nhiên và con người. Các nghiên cứu đã cho thấy những thay đổi tương đối nhỏ về nhiệt độ và lượng mưa cũng có thể gây tác động lớn đối với dòng chảy. Với lượng mưa không đổi, dòng chảy giảm khoảng 3 -12% nếu nhiệt độ tăng 2oC; và 7-21% khi nhiệt độ tăng 4oC. Các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với dòng chảy các sông ở Việt Nam cho thấy với sự tăng nhiệt độ và bốc hơi, dòng chảy tăng vào mùa lũ - gây lũ lụt nghiêm trọng thêm và giảm vào mùa cạn gây hạn hán khốc liệt hơn. [1] Lưu vực sông Ba là một trong những lưu vực được đánh giá có TNN vào loại không phong phú. Dòng chảy trên lưu vực sông Ba không lớn, mô đun dòng chảy năm đạt khoảng 25,72 l/s.km2. Trong đó, lượng dòng chảy lại tập trung chủ yếu vào 3-4 tháng mùa lũ và chiếm khoảng 70-75% lượng dòng chảy năm. [2] Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng của tỉnh Gia Lai khoảng 7,1 triệu m3/ngày (chiếm 39% tổng trữ lượng khai thác tiềm năng trên lưu vực); Đăk Lăk khoảng 10 triệu m3/ngày (54%) và tỉnh Phú Yên khoảng 1,2 triệu m3/ngày (7%), trong đó: (i) Trữ lượng cấp A khoảng 7,23 nghìn m3/ngày; (ii) Tổng trữ lượng cấp B khoảng 19,6 nghìn m3/ngày; (iii) Tổng trữ lượng cấp C1 khoảng 94,5 nghìn m3/ngày; (iv) Tổng trữ lượng cấp C2 trong vùng được đánh giá khoảng 1,6 triệu m3/ngày. Để có thể đề xuất được các giải pháp ứng phó với BĐKH đối với lưu vực sông Ba nhằm giảm thiểu các thiệt hại do BĐKH gây ra, cần thiết phải đánh giá được tác động của những thay đổi về khí hậu đến TNN của lưu vực sông. Chi tiết bài báo xem tại đây: Kết quả nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy lưu vực sông Ba Tác giả: TS. Huỳnh Thị Lan Hương Tạp chí KH&CN Thủy lợi
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường
Ý kiến góp ý: