TextBody
Huy chương 2

Kết quả nghiên cứu thời điểm đánh bả hợp lý diệt mối hại trong vườn cà phê ở Tây Nguyên

04/08/2014

Trong thời gian gần đây, biện pháp xử lý diệt mối hại vườn cà phê kinh doanh bằng bả BDM08 tỏ rõ có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả tốt. Việc lựa chọn thời điểm thích hợp đánh bả diệt mối gây hại trong vườn cà phê kinh doanh sẽ tiết kiệm công sức, nguyên vật liệu, chi phí và cho kết quả cao nhất. Kết quả nghiên cứu ở vườn cà phê Tây Nguyên trong năm 2010 đã xác định đánh bả vào trong ống tre ở thời điểm ngày thứ 8-12 sau khi đặt trạm nhử mối cho hiệu quả diệt mối hại vườn cà phê cao nhất.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Mối được coi là đối tượng gây hại đối với nhiều cây trồng. Theo Nguyễn Văn Quảng và nnk. (2007), mối (Isoptera) là một trong những sinh vật gây hại nghiêm trọng đối với cây cà phê [1]. Mối đi ngầm dưới đất, cắn đứt rễ cây cà phê non hoặc đắp đường mui xung quanh thân cây, ăn lớp bần, gây tổn thương lớp vỏ bảo vệ cây cà phê ở độ tuổi khai thác. Đánh giá của Nguyễn Tân Vương và nnk. (2007) cho rằng mức độ gây hại của mối đối với cây cà phê có thể làm giảm tới 20% năng suất quả khi thu hoạch [2].

Kết quả nghiên cứu năm 2008 tại Tây Nguyên bằng việc sử dụng trạm nhử mối rồi đánh bả BDM08 bước đầu cho kết quả diệt mối rõ rệt. Trạm nhử mối có chiều dài 20cm, gồm 2 thanh gỗ cao su, đường kính 2,5 – 3 cm và 1 ống tre, đường kính 1,5 – 2,5cm. Các trạm nhử mối được đặt ở điểm giao cắt giữa 2 đường chéo của 4 cây xung quanh. Mật độ trạm nhử mối được bố trí 1.100 trạm/ ha có hiệu quả diệt mối cao. Việc đánh bả chỉ đạt hiệu quả cao khi bả cho vào ống tre lúc mối đã đắp kín miệng ống tre bằng đất. Do vậy, sau những kết quả ban đầu, cần tiếp tục nghiên cứu xác định thời điểm đánh bả phù hợp nhất sau khi mối đắp kín ống tre. Đây là một phần trong nội dung nghiên cứu của dự án “Hoàn thiện công nghệ phòng trừ mối bảo vệ cây cà phê kinh doanh vùng Tây Nguyên nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê”.


Chi tiết bài báo xem tại đây: Kết quả nghiên cứu thời điểm đánh bả hợp lý diệt mối hại trong vườn cà phê ở Tây Nguyên

Tác giả: TS. Nguyễn Tân Vương, ThS. Nguyễn Thị My, TS. Nguyễn Quốc Huy, CN. Trần Văn Thành
Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình

Tạp chí KH&CN Thủy lợi

Ý kiến góp ý: