Kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức dùng nước ở tỉnh Cao Bằng
03/03/2014Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Quản lý tưới có sự tham gia của (PIM) là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công trong công tác quản lý công trình thủy lợi. Tuy nhiên, PIM là một khái niệm dễ hiểu nhưng khó thực hiện, sự tham gia của người dùng nước cần được thể hiện thông qua các tổ chức phù hợp. Bài viết này phân tích kết quả nghiên cứu xây dựng các tổ chức dùng nước ở tỉnh Cao Bằng. Kinh nghiệm xây dựng các tổ chức dùng nước từ tỉnh Cao Bằng là bài học thực tiễn có giá trị cho việc phát triển chương trình PIM cho các địa phương miền núi nước ta.
I. GIỚI THIỆU
Trong những thập kỷ gần đây, nhiều nước nhận thấy rằng duy trì quản lý tập trung các hệ thống thủy lợi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả tưới thấp. Do vậy, hệ thống quản lý tưới cần được cải cách để nâng cao hiệu quả tưới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đến đầu năm 1990, chương trình quản lý tưới có sự tham gia (PIM) ở nhiều nước đã chứng minh rằng người dùng nước đóng vai trò quan trọng để vận hành và quản lý hệ thống thuỷ lợi hiệu quả. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra “PIM” là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của quản lý tưới do thực hiện PIM sẽ giải quyết nhiều vấn đề trong quản lý công trình thủy lợi.
Thuật ngữ Quản lý tưới có sự tham gia (Participatory irrigation management- PIM) dùng để chỉ sự tham gia quản lý các công trình thủy lợi của người dùng nước. Một yếu tố quan trọng trong các sáng kiến về PIM là chuyển giao quyền ra quyết định cho người dùng nước. Cẩm nang hướng dẫn về PIM của Ngân hàng thế giới (World Bank ) định nghĩa PIM là sự tham gia của người sử dụng vào tất cả các khía cạnh trong quản lý tưới và ở tất cả các cấp độ [1]. Các khía cạnh trong quản lý tưới bao gồm: quy hoạch, thiết kế, xây dựng, giám sát tài chính, vận hành, bảo dưỡng công trình thủy lợi. Các cấp độ tham gia ở đây là người dùng nước có thể tham gia vào quản lý hệ thống kênh nội đồng, kênh chính, đầu mối và toàn bộ hệ thống.
Ở nước ta hiện nay, các tổ chức quản lý thủy nông ở địa phương đã tạo nên một hệ thống tổ chức quản lý tưới theo hướng PIM rất đa dạng [2]. Đây là tiền đề và cơ hội tốt cho sự phát triển PIM ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những năm tới. Những năm gần đây, các Tổ chức dùng nước được thành lập ở nhiều địa phương chủ yếu là được sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng phát triển các tổ chức dùng nước. Nguyên nhân chủ yếu là các tỉnh còn thiếu các chính sách quy định phát triển PIM, lúng túng trong việc tìm ra các mô hình tổ chức dùng nước phù hợp.
II. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Cao Bằng là một tỉnh miền núi có các công trình thuỷ lợi thuộc loại vừa và nhỏ. Trong đó loại vừa có: 4 hồ chứa dung tích trên 1 triệu m3 và 9 hồ chứa nước dung tích dưới 1 triệu m3, còn lại là hàng trăm công trình thuỷ lợi quy mô nhỏ. Các công trình thủy lợi ở tỉnh Cao Bằng được quản lý dưới 2 hình thức: Công ty TNHH quản lý thủy nông và các tổ chức quản lý thủy nông ở địa phương. Công ty quản lý một số công trình thủy lợi có quy mô vừa, phạm vi liên xã. Các công trình thuỷ lợi nhỏ do các tổ chức quản lý thuỷ nông ở địa phương quản lý, chiếm 98%, phụ trách tưới cho 55,5% diện tích tưới của tỉnh. Các tổ chức quản lý thủy nông ở địa phương hầu hết là các tổ thủy nông ở các thôn, bản, không có loại hình Hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ có một số Hội dùng nước được thành lập thí điểm để quản lý các công trình thủy lợi nhỏ ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Hòa An do các tổ chức quốc tế tài trợ.
Các vấn đề tồn tại chủ yếu trong quản lý công trình thủy lợi nhỏ của tỉnh Cao Bằng là:
- Hầu hết các tổ chức quản lý thuỷ nông ở địa phương chưa phải là các Tổ chức dùng nước hoàn chỉnh, do không có tư cách pháp nhân (quyết định, con dấu, tài khoản), không có quy chế hoạt động được các cấp chính quyền phê chuẩn và chưa phát huy được vai trò của người dùng nước vào quản lý vận hành công trình. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả quản lý các công trình thủy lợi còn thấp.
- Các công trình thủy lợi chưa có chủ quản lý thực sự, hầu hết các tổ thủy nông không thu được phí dịch vụ thủy lợi nội đồng, thiếu kinh phí cho duy tu bảo dưỡng, công trình bị xuống cấp, hư hỏng nhiều, chỉ phục vụ tưới được khoảng 50% diện tích so với thiết kế.
- Việc thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phí theo Nghị định 115 của Chính phủ gặp khó khăn. Các tổ chức thuỷ nông ở địa phương không đáp ứng được các quy định cấp bù thủy lợi phí dẫn đến tình trạng không được cấp bù.
III. ĐỀ XUẤT CÁC MÔ HÌNH TỔ CHỨC DÙNG NƯỚC PHÙ HỢP CHO TỈNH CAO BẰNG
+ Một số đặc điểm xây dựng tổ chức dùng nước ở tỉnh Cao Bằng
Tổ chức dùng nước là hình thức hợp tác của những người cùng hưởng lợi từ công trình thuỷ lợi, làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình, phục vụ sản xuất, dân sinh trên một địa bàn nhất định. Tuy nhiên, hình thức tổ chức và hoạt động của các Tổ chức dùng nước là tương đối đa dạng, phụ thuộc vào đặc điểm công trình thủy lợi, điều kiện kinh tế xã hội và trình độ quản lý của mỗi địa phương. Theo đó, loại hình Hợp tác xã nông nghiệp rất phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Trung lại không phù hợp với các tỉnh miền núi. Mô hình Ban quản lý công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả ở tỉnh Tuyên Quang nhiều năm nay cũng không được nhân rộng cho các tỉnh khác ở miền núi phía Bắc.
Do vậy, việc xây dựng các Tổ chức dùng nước phù
hợp với tỉnh Cao Bằng không chỉ theo Thông tư 75 của Bộ NN&PTNT mà còn cần quan tâm đến các đặc điểm công trình thủy lợi, điều kiện kinh tế xã hội, tổ chức và trình độ quản lý ở địa phương:
- Các công trình thủy lợi nhỏ, phân tán, có quy mô thôn và liên thôn là chủ yếu, địa hình đồi núi phức tạp, khu tưới là ruộng bậc thang, manh mún;
- Trình độ dân trí và khả năng quản lý thấp do người dùng nước chủ yếu là dân tộc thiểu số (Tày, Nùng);
- Các tổ chức quản lý thủy nông ở địa phương hầu hết là các tổ thủy nông ở các thôn, bản, không có tư cách pháp nhân, không có quy chế hoạt động, hầu hết không thu được phí thủy lợi nội đồng;
- Các tổ chức dùng nước cần quản lý, điều hành theo hệ thống công trình thủy lợi trên toàn xã, không phụ thuộc địa giới hành chính thôn bản;
- Đối với điều kiện nông thôn, dân tộc miền núi rất khó để thành lập Tổ chức dùng nước có đủ tư cách pháp nhân dưới các hình thức Hợp tác xã nông nghiệp hay Hợp tác xã dùng nước có con dấu, tài khoản để hoạt động mà cần xây dựng mô hình tổ chức quản lý của cộng đồng nhưng sử dụng con dấu và tài khoản của xã;
- Các Tổ chức dùng nước cần có Quy chế hoạt động, thông qua Đại hội người dùng nước, có quyết định phê chuẩn của UBND xã.
+ Các mô hình tổ chức dùng nước phù hợp
Trên cơ sở điều tra đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi, thực trạng tổ chức hoạt động của các tổ chức quản lý thủy nông và điều kiện kinh tế xã hội, trình độ quản lý ở địa phương, nhóm nghiên cứu đã tổ chức các cuộc họp với các ban, ngành của Sở NN&PTNT (Chi cục thủy lợi và Công ty thủy nông), đặc biệt là các cuộc họp với lãnh đạo huyện, xã và đại diện người dân ở 9 xã điều tra để thảo luận thống nhất lựa chọn mô hình Tổ chức dùng nước phù hợp cho tỉnh Cao Bằng. Kết quả thống nhất cao từ Sở NN&PTNT, lãnh đạo huyện, xã và cộng đồng là xây dựng mô hình Tổ chức dùng nước dưới hình thức Ban quản lý thủy nông xã là phù hợp ở tỉnh Cao Bằng. Mô hình này vừa đáp ứng được các yêu cầu về tư cách pháp lý lại vừa đáp ứng được các tiêu chí về sự tham gia của người dùng nước. Ban quản lý thủy nông xã quản lý công trình thủy lợi nhỏ độc lập hoặc hệ thống kênh nội đồng do công ty quản lý. Do vậy, trên cơ sở phân tích, đề xuất của đề tài, mô hình Ban quản lý thủy nông xã đã được Sở NN&PTNT hướng dẫn các địa phương triển khai trên toàn tỉnh từ năm 2010-2011 có một số đặc điểm sau:
- Tư cách pháp nhân: Sử dụng con dấu, tài khoản
của xã để giao dịch, nhận khoản cấp bù thủy lợi phí của nhà nước
- Cơ cấu tổ chức bao gồm: Phó chủ tịch xã làm trưởng ban kiêm nhiệm, các thành viên và các tổ thủy nông
- Ban quản lý thủy nông do xã đề nghị, UBND huyện ra quyết định thành lập, các tổ thủy nông theo công trình thủy lợi hoặc ở từng thôn do dân bầu và được UBND xã ra quyết định
- Ban quản lý thủy nông xã phụ trách điều hành chung công tác quản lý các công trình thủy lợi trong xã, các tổ thủy nông quản lý các công trình thủy lợi nhỏ, hoặc hệ thống kênh nội đồng thuộc công trình do công ty quản lý
- Ban quản lý thủy nông xã xây dựng Quy chế hoạt động được UBND huyện phê duyệt và các Tổ thủy nông xây dựng Quy chế hoạt động thủy nông được thông qua Hội nghị người dùng nước và do UBND xã phê duyệt.
IV. KẾT QUẢ XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH TỔ CHỨC DÙNG NƯỚC
Theo đặc điểm các công trình thủy lợi ở tỉnh Cao Bằng, đề tài đã xây dựng 2 mô hình thí điểm vào cuối năm 2010: Ban quản lý thủy nông xã Bình Long, huyện Hòa An quản lý hệ thống kênh nội đồng thuộc công trình do công ty quản lý; Ban quản lý thủy nông xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh quản lý công trình thủy lợi nhỏ độc lập. Các mô hình Tổ chức dùng nước này được thành lập cuối năm 2010.
+ Phương pháp xây dựng các Tổ chức dùng nước
Phương pháp thành lập là yếu tố quan trọng đảm bảo hoạt động hiệu quả và bền vững của các tổ chức dùng nước. Theo đó, các tổ chức dùng nước thí điểm được thành lập một cách bài bản, phát huy sự tham gia của cộng đồng, gồm các bước sau:
- Thống nhất chủ trương với lãnh đạo chính quyền huyện, xã;
- Khảo sát đánh giá hiện trạng công trình và thực trạng tổ chức quản lý công trình thuỷ lợi ở địa phương;
- Tổ chức các cuộc họp dân để thảo luận về lựa chọn mô hình tổ chức dùng nước phù hợp, bầu Ban trù bị để soạn thảo quy chế hoạt động;
- Tư vấn cho Ban trù bị soạn thảo quy chế hoạt động;
- Họp dân ở các thôn để lấy ý kiến về các điều khoản của dự thảo quy chế hoạt động;
- Tổ chức Đại hội người dùng nước để thông qua quy chế hoạt động;
- Phê chuẩn của các cấp chính quyền, trong đó Quy chế hoạt động của Ban quản lý thủy nông xã được sự phê chuẩn của UBND huyện và Quy chế quản lý thủy nông của các Tổ thủy nông được sự phê duyệt của UBND xã.
+ Mô hình Ban quản lý thủy nông xã Bình Long
- Công trình thủy lợi: Các công trình thủy lợi ở xã Bình Long chủ yếu là hệ thống kênh nội đồng của 2 trạm bơm Nà Đoom và Bá Kéo do công ty quản lý, có diện tích khu tưới là 352 ha của 680 hộ ở 13 xóm.
- Cơ cấu tổ chức bao gồm: Ban quản lý thủy nông xã và Tổ quản lý thủy nông trực thuộc (Bảng 1).
Bảng 1. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý thủy nông xã Bình Long Ban quản lý thủy nông xã (4 người) Tổ quản lý thủy nông (6 người) Phó Chủ tịch UBND xã Trưởng ban Cán bộ giao thông thủy lợi xã Tổ trưởng Cán bộ nông lâm – Giao thông xã Phó trưởng ban Trưởng xóm Pác Cam Tổ phó Cán bộ tài chính xã Kế toán Trưởng xóm Cốc Lại Tổ viên Phó chủ tịch HĐND xã Thủ quỹ Trưởng xóm Bản Séng Tổ viên Trưởng xóm Ảng Giàng Tổ viên Trưởng xóm Pác Kéo Tổ viên · Nhiệm vụ của Ban quản lý thủy nông xã: - Quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn xã; - Lập kế hoạch, nhu cầu tu sửa, duy tu bảo dưỡng, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy lợi, kế hoạch hợp đồng, thanh lý hợp đồng cung cấp nước; - Làm chủ đầu tư trong sửa chữa và nâng cấp công trình thủy lợi được quản lý; - Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ và từ nguồn khác cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn theo quy định của Nhà nước. · Nhiệm vụ của Tổ quản lý thủy nông - Quản lý, vận hành hệ thống kênh nội đồng của trạm bơm Nà Đoom và trạm bơm Bá Kéo; - Kết hợp với trạm thủy lợi của công ty thủy nông để lập kế hoạch tưới cho khu tưới của trạm bơm; - Quản lý vận hành, dẫn nước tới các xứ đồng và nghiệm thu diện tích sau khi tưới trong toàn xã, đảm bảo đầy đủ nước cho nhân dân sản xuất nông nghiệp; - Điều tiết phân phối nước đúng lúc, công bằng giữa các hộ dùng nước; - Tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa các công trình trong hệ thống kênh tưới để duy trì hoạt động theo đúng thiết kế; - Thu và quản lý thuỷ lợi phí nội đồng để phục vụ cho quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống kênh trong phạm vi của xã quản lý. · Khả nămg tự chủ tài chính: - Tổ quản lý thủy nông thu phí thủy lợi nội đồng để chi cho các hoạt động quản lý vận hành và bảo dưỡng hệ thống kênh nội đồng. Đây là yếu tố quan trọng cho sự hoạt động hiệu quả và bền vững của Ban quản lý thủy nông. - Mức thu phí thủy lợi nội đồng: Tưới lúa: 150.000 đ/ha/vụ, và tưới màu 60.000 đ/ha/vụ (tính bằng 40% tưới lúa). - Chi phí cho các khoản sau: Chi cho Ban quản lý thủy nông xã 20.000 đ/ha, chi cho các trưởng xóm 20.000đ/ha và chi cho Tổ quản lý thủy nông 110.000 đ/ha. Như vậy chủ yếu khoản thu từ phí thủy lợi nội đồng (73%) là để chi cho hoạt động của Tổ thủy nông. + Mô hình Ban quản lý thủy nông xã Ngọc Khê · Công trình thủy lợi: Các công trình thủy lợi của xã Ngọc Khê gồm có 25 công trình thủy lợi nhỏ độc lập, tổng diện tích tưới 75.4 ha của 700 hộ thuộc 7 xóm trong xã, trong đó có 5 công trình tưới tự chảy (30.46ha) và 20 công trình tưới bằng động lực guồng cọn (44.94 ha). - Cơ cấu tổ chức: Như trình bày ở Bảng 2. Bảng 2. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý thủy nông xã Ngọc Khê Ban quản lý thủy nông xã (6 người) Tổ quản lý thủy nông (7 tổ) Phó Chủ tịch UBND xã Trưởng ban Tổ thủy nông xóm Ta Nay - Tổ trưởng: Trưởng xóm - 3 tổ viên Cán bộ nông lâm – giao thông xã Phó trưởng ban Tổ thủy nông xóm Pác Phiao Tổ trưởng: Trưởng xóm - 2 tổ viên Cán bộ tài chính xã Kế toán Tổ thủy nông xóm Đỏng Dọa - Tổ trưởng: Trưởng xóm - 4 tổ viên Chủ tịch HĐND xã Thủ quỹ Tổ thủy nông xóm Lũng Hoài - Tổ trưởng: Trưởng xóm - 3 tổ viên Cán bộ địa chính xã Thành viên Tổ thủy nông xóm Nà Bai - Tổ trưởng: Trưởng xóm - 2 tổ viên Cán bộ khuyến nông – khuyến lâm Thành viên Tổ thủy nông xóm Bản Nhom - Tổ trưởng: Trưởng xóm - 3 tổ viên Tổ thủy nông xóm Đỏng Ỏi - Tổ trưởng: Trưởng xóm - 2 tổ viên · Nhiệm vụ của Ban quản lý thủy nông xã - Quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn xã; - Tổng hợp và xây dựng kế hoạch phân phối nước các công trình trong xã; - Tổ chức thực hiện kế hoạch tu sửa thường xuyên và bảo dưỡng các công trình; - Phân công các tổ thủy nông thực hiện phân phối và điều tiết nước hợp lý; - Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Nhà nước; - Tiếp nhận thông tin từ các tổ thủy nông và người hưởng lợi, kiểm tra thực tế và giải quyết vướng mắc giữa các tổ. · Trách nhiệm của các tổ thủy nông: - Xây dựng kế hoạch và lịch phân phối nước của công trình phụ trách; - Điều hòa và phân phối nước từ đầu kênh đến các khu ruộng theo hợp đồng tưới của các hộ sử dụng nước; - Thực hiện kế hoạch tu sửa thường xuyên và bảo dưỡng các công trình hàng năm; - Thường xuyên kiểm tra công trình, chủ động xử lý các tình huống như bồi lắng và sạt lở nhằm đảm bảo cung cấp nước tưới theo số diện tích mà các hộ đã hợp đồng. · Khả năng tự chủ tài chính: - Do đặc điểm Ban quản lý thủy nông xã Ngọc Khê quản lý các công trình thủy lợi nhỏ độc lập nên được hưởng tiền cấp bù thủy lợi phí theo Nghị định 115 của Chính phủ. Ngoài ra, các Tổ thủy nông còn huy động lao động của người dân để nạo vét kênh mương trước các vụ sản xuất. - Nguồn thu từ thủy lợi phí cấp bù do tỉnh cấp là 566.000 đ/ha/vụ - Các khoản chi và mức chi cân đối so với nguồn thu từ thủy lợi phí cấp bù: 1. Chi cho Ban quản lý thủy nông xã: 10% 2. Chi trả công quản lý, khai thác, bảo vệ và phân dẫn nước cho các tổ thủy nông: 20% 3. Chi hội nghị, khen thưởng và văn phòng phẩm: 15% 4. Chi nạo vét, tu sửa thường xuyên và nâng cấp công trình: 55% + Hiệu quả hoạt động của các mô hình Tổ chức dùng nước Sau khi các mô hình Ban quản lý thủy nông xã được thành lập và đi vào hoạt động được 2 vụ sản xuất năm 2011, một số kết quả đánh giá ban đầu về hiệu quả hoạt động của các mô hình thí điểm như sau: - Mô hình Ban quản lý thủy nông xã đáp ứng được các yêu cầu về tư cách pháp lý đối với tổ chức dùng nước nên đã được cấp bù thủy lợi phí để quản lý các công trình thủy lợi nhỏ; - Ban quản lý thủy nông xã và tổ thủy nông có quy chế hoạt động được xây dựng dân chủ, các tổ thủy nông là do dân bầu, quản lý tài chính công khai nên đã phát huy sự tham gia của người dân nhiều hơn vào công tác quản lý công trình thủy lợi; - Kế hoạch phân phối nước được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo phân phối nước công bằng giữa các hộ dùng nước, không còn tranh chấp về nước như trước đây; - Một tiêu chí quan trọng quyết định đến tính bền vững của các tổ chức dùng nước là sự đảm bảo tự chủ về tài chính do có nguồn thu từ cộng đồng cho quản lý hệ thống kênh nội đồng và nguồn thu từ thủy lợi phí cấp bù cho quản lý công trình thủy lợi nhỏ; - Thực hiện duy tu bảo vệ công trình tốt hơn do có kinh phí cho hoạt động tu sửa bảo dưỡng công trình và mọi hội viên dùng nước chấp hành nghiêm chỉnh quy chế hoạt động của các tổ chức dùng nước; - Hiệu quả sử dụng nước tăng lên do việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Người dân có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, không còn tình trạng các hộ ở đầu kênh tự đục lỗ thành kênh để lấy nước, việc dọn cắt cỏ trên kênh được thực hiện thường xuyên và không còn tình trạng người dân vứt rác gây cản trở dòng chảy của kênh. V. KẾT LUẬN PIM là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của quản lý tưới, tuy nhiên mục đích của việc xây dựng các mô hình quản lý tưới không phải là phát huy tối đa sự tham gia, mà là cách tham gia thích hợp để nâng cao hiệu quả quản lý thuỷ nông. Mô hình quản lý tốt nhất và mức độ tham gia của người dân phù hợp nhất cần được xác định dựa trên đặc điểm cụ thể của từng địa phương. Mô hình Ban quản lý thủy nông xã là phù hợp với đặc điểm công trình thủy lợi, điều kiện kinh tế xã hội và trình độ quản lý của cộng đồng vừa đáp ứng được các yêu cầu về tư cách pháp lý lại vừa đáp ứng được các tiêu chí về sự tham gia của người dùng nước ở vùng miền núi tỉnh Cao Bằng. Ban quản lý thủy nông xã quản lý công trình thủy lợi nhỏ độc lập hoặc quản lý hệ thống kênh nội đồng do công ty quản lý. Kết quả thành lập và đánh giá hiệu quả hoạt động ở 2 mô hình Ban quản lý thủy nông xã thí điểm cho thấy sự phù hợp, tính hiệu quả và bền vững của các mô hình này. Kết quả xây dựng các tổ chức dùng nước ở tỉnh Cao Bằng là bài học thực tiễn có giá trị cho việc phát triển chương trình PIM cho các vùng miền núi ở nước ta. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. World Bank (WB), 1998. Electronic Learning Guidebook for Participatory Irrigation Management. World Bank Institute.
[2]. Trần Chí Trung. Phát triển mô hình quản lý tưới có sự tham gia của người dân. Đặc san Khoa học Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, số tháng 5/2007.
[3]. Báo cáo tổng kết đề tài KHCN tỉnh Cao Bằng “Nghiên cứu phát triển các tổ chức dùng nước quản lý công trình thủy lợi tỉnh Cao Bằng”, Trung tâm tư vấn PIM thực hiện, 2010-2011.
Tác giả: PGS.TS. Trần Chí Trung
Trung tâm Tư vấn Quản lý Thủy nông có sự tham gia của người dân
Tạp chí KH&CN Thủy lợi
Ý kiến góp ý: