Khắc phục hạn chế trong quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam
07/05/2013Hàng năm, Việt Nam chịu thiệt hại về kinh tế tương đương với khoảng 1,2 - 1,5 GDP do bão tố, lũ lụt... gây ra. 70% người dân Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở các khu vực nông thôn thường xuyên có thiên tai xảy ra phải đối mặt với diễn biến tiêu cực của thời tiết. Những con số "biết nói" này đã đặt ra câu hỏi lớn cho ngành khí tượng thủy văn: Quản lý rủi ro thiên tai như thế nào để hạn chế những tổn thương cho cộng đồng.
Tăng cường cảnh báo sớm
Ông Neefjes Koos (cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam) cho rằng, “Việt Nam có lịch sử ứng phó với thiên tai rất dài”. Tuy nhiên, khâu dự báo, cảnh báo và ứng phó với thiên tai của các cơ quan chức năng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Như các trận mưa đá trên diện rộng vừa qua, cơ quan khí tượng thủy văn đã không dự báo kịp thời. Chỉ sau vài cơn mưa đá đầu tiên, cơ quan chức năng mới hướng dẫn người dân cách nhận biết để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Điều này xuất phát từ thực tế, hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, giám sát khí hậu còn thiếu; khả năng dự báo, cảnh báo còn hạn chế, thời gian dự báo còn ngắn hạn, độ chính xác chưa cao. Công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai mới tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà ít chú trọng đến chủ động phòng tránh.
Do đó, để quản lý rủi ro thiên tai một cách hiệu quả, theo ông Neefjes Koos, là phải tạo ra cấu trúc cộng đồng để cảnh báo dân chúng sớm hơn, khôi phục cuộc sống sau thảm họa nhanh hơn. Tức là phải tư duy về những rủi ro, nghiên cứu phương án sinh kế phù hợp để đưa ra lời khuyên thích hợp cho người dân; sử dụng khoản vốn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài hợp lý hơn. Dùng hỗ trợ tài chính quốc tế cho việc áp dụng công nghệ mới, qua đó tăng cường năng lực chuyên môn, triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu thiết thực hơn.
Lập kế hoạch đầu tư công và bảo trợ xã hội để quản lý rủi ro
Hiện có các cách tiếp cận về giảm thiểu rủi ro thiên tai một cách sáng tạo đang nổi lên trên thế giới, có thể áp dụng tại Việt Nam: Đó là một mô hình quản trị rủi ro thông qua việc lập kế hoạch đầu tư công và bảo trợ xã hội.
Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu 2011 – GAR11 về giảm nhẹ thiên tai, ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam, đầu tư công khoảng 3-15% GDP. Quy mô đầu tư công cộng hiện nay của các nước nghèo khiến cho cả đầu tư vào quản lý rủi ro thảm họa và thích ứng biến đổi khí hậu không “thấm” vào đâu.
Ông Barnaby Jones - Phó Giám đốc UNDP cho rằng, Chính phủ cần tăng ngân sách đầu tư cho công tác quản lý rủi ro thiên tai cũng như cần thiết lập các cơ chế bảo đảm tài chính cho các rủi ro thiên tai một cách linh hoạt. Đông thời, Chính phủ cần bảo đảm một cơ chế tài chính dự phòng và cơ chế bảo hiểm cần thiết để bù đắp thiệt hại về tài sản công cũng như hỗ trợ phục hồi cho các hộ dân và cộng đồng có thu nhập thấp sau mỗi đợt thiên tai.
Để giải quyết một cách căn cơ những thách thức lớn nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa đối với hầu hết các vùng đất, các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nước ta cần đưa ra một hệ thống khuôn khổ pháp lý toàn diện hơn, củng cố hơn nữa năng lực thể chế về quản lý rủi ro thiên tai để giải quyết những dạng thiên tai thảm họa do thiên nhiên gây ra và những rủi ro tiềm ẩn khác.
Theo monre.gov.vn
Ý kiến góp ý: