TextBody
Huy chương 2

Khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung: Nhiều nơi vẫn bị chia cắt

21/10/2010

Mưa đã dứt ở miền Trung nhưng tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra nghiêm trọng. Hàng triệu tấm lòng trong cả nước đang hướng về khúc ruột miền Trung, mong đồng bào sớm đi qua hoạn nạn, ổn định cuộc sống.

Vỡ đê ở Hà Tĩnh

Sáng 20-10, đoàn công tác của huyện Đức Thọ đã có mặt tại vị trí đê Rú Trí bị vỡ lúc 23h ngày 19-10, cuốn phăng gần 1km đường sắt, gây ngập nặng các xã Đức Lạng, Đức Đồng, Đức Lạc, Đức Hòa... Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ Lê Văn Hiệp cho biết, nguyên nhân vỡ đê do nước lũ thượng nguồn sông Ngàn Sâu dâng cao đổ về khiến đoạn đê dài 30m bị vỡ. Do lũ quá lớn gây chia cắt hầu hết các tuyến đường nên công tác ứng cứu đê gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc đưa dân chạy lũ, huyện Đức Thọ đã tập trung lực lượng, phương tiện để nước rút đến đâu khắc phục đến đó. Theo Phó Bí thư Huyện ủy Đức Thọ Trần Văn Kỳ, sự cố vỡ đê Rú Trí càng khiến ngành đường sắt thiệt hại nặng nề. Để gia cố hơn 1km đường sắt bị cuốn trôi ít nhất phải mất 4-5 ngày.

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, bão lũ đã làm 50 người chết; 6 người mất tích (chưa kể người mất tích trong vụ lật xe khách) và 49 người bị thương. Nhiều hécta lúa và hoa màu bị ngập; 40 nghìn tấn lương thực bị nước lũ cuốn trôi; nhiều công trình hạ tầng bị sạt lở, hư hỏng…

Dồn sức cứu trợ đồng bào

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, đến hôm qua (20-10) dù mưa đã dứt nhưng nhiều khu vực vẫn chìm sâu trong nước, nhiều điểm bị cô lập. Theo thống kê, ở Hà Tĩnh vẫn còn 183 xã/115.378 hộ bị ngập; Nghệ An 120 xã/38.029 hộ; Quảng Bình 27 xã/57.320 hộ; Thanh Hóa 532 hộ. Quyết tâm không để đồng bào vùng cô lập bị đói, rét, máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng chở gần 300 thùng mỳ tôm cứu trợ bà con vùng ngập sâu của 5 huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê và Can Lộc (Hà Tĩnh). Ở những địa phương này, nước vẫn đang ngập từ 1,5 đến 2m và chia cắt hoàn toàn với bên ngoài, các phương tiện như ca nô, thuyền rất khó tiếp cận. Trong cơn hoạn nạn đã xuất hiện nhiều tấm gương quên mình cứu người. Tại huyện Can Lộc, chỉ với chiếc xuồng gỗ, anh Nguyễn Văn Vượng ở xóm Tân Hương, xã Tùng Lộc đã chuyển hơn 100 gia đình bị ngập lũ đến nơi an toàn. Đến hôm qua, cùng với hàng trăm phương tiện cứu hộ của các xã, thị trấn, huyện Can Lộc đã huy động thêm 5 ca nô, 4 xuồng máy, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang vận chuyển, phân phát hơn 30 tấn mì tôm, 12.000 lít nước uống và hàng trăm cơ số thuốc cấp phát đến tận tay bà con vùng lũ. Tại huyện Vũ Quang, tình hình cứu trợ đang được tiến hành khẩn trương nhờ sự trợ giúp của lực lượng quân đội, cảnh sát đường thủy. Thay vì đưa hàng vào xã, UBND huyện chỉ đạo đưa hàng cứu trợ về thôn để xóm trưởng phát trực tiếp cho người dân. Quân khu 4 đã đặt Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo công tác khắc phục lụt bão cho tỉnh Hà Tĩnh ở huyện Vũ Quang. Trong những ngày qua, Quân khu đã huy động gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang cùng gần 100 phương tiện cứu hộ để tập trung cứu trợ cho miền Tây Hà Tĩnh.

Theo Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, những ngày qua, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã điều động hơn 19.000 bộ đội, công an, dân quân tự vệ cùng hơn 300 xuồng máy, ca nô, một máy bay trực thăng tham gia công tác cứu trợ, cứu nạn. Bộ Quốc phòng đã điều động vào Nghệ An và Hà Tĩnh 80 xuồng, 20 máy đẩy, 7 bộ máy phát điện, 5 tấn mỳ ăn liền và lương khô giao cho Quân khu 4, phân bổ, hỗ trợ các tỉnh.

Để cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 15.000 tấn gạo; 2.800 tỷ đồng; hơn 1.300 tấn lúa và ngô giống... Trong đó, Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ nhiều nhất, 5.000 tấn gạo và 2.000 tỷ đồng; Nghệ An 5.000 tấn gạo và 500 tỷ đồng; Quảng Bình 300 tỷ đồng và 5.000 tấn gạo.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ NN&PTNT xuất cấp (không thu tiền) 2.800 tấn hạt giống lúa, 200 tấn hạt giống ngô, 110 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ 15 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La và Gia Lai khắc phục hậu quả thiên tai.

Dự kiến ngày 23-10 mới thông tuyến đường sắt Bắc-Nam

Trưởng ban Kinh doanh Vận tải (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, do nước lũ gây thiệt hại quá lớn nên dự kiến phải đến ngày 23-10, mới có thể thông toàn tuyến đường sắt. Vẫn theo ông Tuyên, hiện mỗi ngày, ngành cho chạy 2 chuyến tàu Thống Nhất từ ga Hà Nội và 3 chuyến từ ga Sài Gòn. Các chuyến tàu này sẽ dừng tại ga Hương Phố và Yên Trung (đều thuộc Hà Tĩnh) để chuyển tải bằng đường bộ tiếp tục hành trình. Quãng đường chuyển tải chỉ khoảng 30km. Về đường bộ, QL 1, 8, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vẫn bị ngập, ách tắc.

Bão Megi vẫn ảnh hưởng đến Việt Nam

Đến tối qua (20-10), siêu bão Megi đã đi vòng lên phía Bắc, hướng về phía Hồng Kông (Trung Quốc) và duy trì sức gió mạnh cấp 15. Dự báo bão có thể không đổ bộ vào nước ta nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng. Để có thể tránh và giảm những thiệt hại có thể xảy ra, các địa phương ven biển tiếp tục thông báo, hướng dẫn tàu thuyền trú tránh bão.

Nguồn: hanoimoi

Ý kiến góp ý: