TextBody
Huy chương 2

Khai giảng khóa học về ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát đường bờ vùng ven biển và cửa sông

15/09/2015

Ngày 14/9/2015, với sự tài trợ của JAXA và Cơ quan viễn thám của Nhật Bản, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức khai giảng khóa học về ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát đường bờ vùng ven biển và cửa sông. Khóa học được tổ chức trong 3 ngày (14/9-16/9/2015) tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong đã đến dự và phát biểu tại Khóa học.

Tham dự khóa học có 19 học viên là các nhà khoa học, nghiên cứu viên thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa và Ban Kế hoạch Tổng hợp

Phát biểu khai mạc tại Khóa học, Phó Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh: Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều loại hình thiên tai, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, các tai biến do thiên tai gây ra như hiện tượng xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông, biến đổi lòng dẫn, nước dâng, ngập lụt... dẫn đến biến động các hệ sinh thái ở ven biển. Trong các loại hình thiên tai hiện nay, bão chiếm khoảng 80%, trung bình mỗi năm, Việt Nam hứng chịu từ 6-10 cơn bão, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản, thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 1,8% GDP.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tích cực chủ động cho công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, chuyển từ hướng tiếp cận theo cách phòng chống thiên tai sang quản lý rủi ro thiên tai. Do vậy những vấn đề ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm hết sức cần thiết, trong đó công nghệ không gian là công nghệ rất quan trọng và đắc lực trong công tác quản lý rủi ro thiên tai của Việt Nam trong thời gian tới như quan trắc mặt đất, ứng dụng thời gian thực, cảm biến không gian..., PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết thêm.

PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong đánh giá cao khóa đào tạo và mong muốn qua khóa đào tạo, các học viên sẽ tiếp thu, học hỏi được nhiều kinh nghiệm và nhanh chóng ứng dụng vào trong nghiên cứu khoa học và sản xuất. Đồng thời, thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Phó Giám đốc gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học TOKYO, Viện Công nghệ Châu Á AIT, Cơ quan JAXA và Tổ chức SAFE đã hỗ trợ cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin kinh nghiệm giám sát đường bờ và hy vọng qua những hoạt động đào tạo này sẽ mở ra sự hợp tác lâu dài trong tương lai.

Mục tiêu của khóa đào tạo: (1) Nâng cao năng lực về sử dụng công nghệ viễn thám phục vụ cho công tác dự báo diễn biến và giảm sát đường bờ vùng ven biển và cửa sông; (2) Tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và trao đổi thông tin giữa cán bộ khoa học của Viện và cán bộ khoa học, giảng viên của Trường Đại học TOKYO - Nhật Bản; (3) Qua lớp đào tạo dần dần nâng cao năng lực nghiên cứu của các học viên cũng như là nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ, tiếp cận công nghệ.

Khóa đào tạo được 2 giáo sư đến từ Đại học Tokyo - Nhật Bản giảng dạy và hỗ trợ kỹ thuật.

Ý kiến góp ý: