Khai mạc Diễn đàn chuyên đề quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL
19/06/2019Trong khuôn khổ Hội nghị đánh giá kết quả 02 năm triển khai thực hiện nghị Quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH, sáng 18/6/2019, tại TP. HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn chuyên đề quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tham dự và chủ trì diễn đàn cùng Đại sứ Hà Lan Carel Richter; Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo TW về PCTT Trần Quang Hoài. Tham dự Hội nghị có ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP. HCM, các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế… Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện và GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện. Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đã trình bày về hiện trạng lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Tổng cục trưởng đã đánh giá tình hình lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở đang có diễn biến phức tạp, những thách thức đặt ra từ thượng nguồn, nội tại và bờ biển đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, đã thông tin về việc triển khai quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc triển khai trước và sau khi Nghị quyết 120/NQ-CP ban hành,bao gồm việc xây dựng cơ chế, chính sách, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý bờ sông bờ biển, ứng phó với lũ năm 2018 (không có thiệt hại về người) và kiến nghị, đề xuất các giải pháp xử lý. Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến nay có 4 năm xảy ra lũ lớn, 6 năm lũ vừa và 7 năm lũ nhỏ. Lũ có xu hướng đến muộn hơn so với trước đây, từ năm 2010 trở về trước, đỉnh lũ chính vụ hầu hết xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10; từ năm 2010 trở lại đây, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào giữa tháng 10 (chậm hơn so với giai đoạn trước khoảng 10 ngày). Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và lũ nhỏ (chiếm đến khoảng 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng. Về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, vào các tháng mùa khô, ĐBSCL chịu tác động mạnh bởi xâm nhập mặn, đây là đặc tính của vùng, mức độ xâm nhập những năm trước đây có tính quy luật tương đối rõ rệt. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do BĐKH và nguồn nước thượng lưu sông Mê Công về ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Cụ thể, thời gian xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn trước đây từ 1 đến 1,5 tháng. Giai đoạn trước năm 2012, mặn thường xâm nhập đáng kể từ tháng 2 đến tháng 4, đỉnh mặn xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4 (là tháng có dòng chảy kiệt nhất). Những năm gần đây thường xuyên xuất hiện dòng chảy thượng nguồn đầu mùa khô về thấp, xâm nhập mặn bắt đầu từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 2; hoặc đầu tháng 3 năm sau. Phạm vi xâm nhập mặn tăng so với trước đây, ranh mặn 4 g/l trước đây chỉ vào sâu nhất đến 60 km ở các cửa sông Cửu Long ở những năm bị xâm nhập cao, còn nay xảy ra thường xuyên hơn, điển hình đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016, chiều sâu xâm nhập mặn cao nhất lên tới 90 km. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, từ năm 2010 tới nay sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển và làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển. Trung bình hàng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển. Theo số liệu thống kê, hiện khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km, trong đó sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268km. Các nguyên nhân sạt lở được xác định gồm suy giảm bùn cát do tác động của hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát quá mức trên các triền sông; gia tải lên bờ sông, bờ biển do xây dựng và nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, trên sông và ven biển; tác động của BĐKH, nước biển dâng; suy giảm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và ngập mặn ven biển; gia tăng hoạt động của tàu, thuyền gây tác động lên bờ sông và nền địa chất yếu của ĐBSCL…. Tại Diễn đàn, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp mới như đào hồ chứa để trữ nước và lấy đất để san nền, giảm nhu cầu khai thác cát để hạn chế sạt lở bờ sông, cải tạo khí hậu, các giải pháp như sắp xếp lại dân cư, chuyển đổi sinh kế v.v…. Toàn cảnh diễn đàn Kết luận tại Diễn đàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đã đánh giá cao sự tham gia của các cơ quan quản lý trung ương, địa phương, các chuyên gia quốc tế và tổng hợp các thách thức và đề xuất giải pháp như đánh giá nguyên nhân, giải pháp cơ chế, chính sách, nền tảng quy hoạch, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu vùng ĐB, ứng dụng KHCN trong nước và quốc tế,huy động nguồn lực xã hội, cần có cơ chế đặc thù với các dự án cấp bách, nền tảng... Theo phongchongthientai.vn
Ý kiến góp ý: