TextBody
Huy chương 2

Khai thác nguồn lực đưa khoa học và công nghệ về làng, bản

01/07/2013

Chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) về nông thôn, miền núi đã được thực hiện hơn 20 năm nay nhằm rút ngắn khoảng cách về kinh tế -  xã hội giữa thành thị, nông thôn và miền núi. Nhưng con đường đưa KH và CN về làng còn lắm gian nan

Thành công bước đầu

Ðể chuyển giao  tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi, từ nhiều năm nay, Ðảng, Nhà nước, Chính phủ  và các bộ, ngành, nhất là các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Ủy ban Dân tộc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất.

Bước đầu, chương trình chuyển giao tiến bộ KH và CN đã giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sử dụng các giống cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng thu nhập cho người dân trên một đơn vị đất canh tác. Ðơn cử như  Dự án khuyến nông xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất chè" được Trạm Khuyến nông huyện Ðịnh Hóa triển khai trên địa bàn xã Sơn Phú của tỉnh Thái Nguyên. "Giờ đây, cả một đồi chè rộng hàng nghìn ha được hái, đốn và phun thuốc trừ sâu chỉ trong một ngày, vì thế nương chè lên búp đều chằn chặn, chỉ sau hơn một năm, kể từ khi áp dụng cơ giới tổng hợp vào sản xuất, các nương chè của xã đã thay hình đổi dạng. Chè nguyên liệu của Sơn Phú làm ra đến đâu được đặt mua hết đến đó. So với làm lúa thì người dân bảy xóm làm chè đều có kinh tế khá giả hơn hẳn so với 21 xóm còn lại của xã. Nhờ  tạo ra quy trình chuẩn trong sản xuất chè nguyên liệu, tuân thủ quy trình về thiết kế, kỹ thuật trồng, chăm sóc... sao cho đến khi thu hoạch phải tạo được sự đồng đều búp trên tán chè của cả nương chè, đã tạo điều kiện tốt nhất để máy cơ giới vào làm việc, góp phần  giải phóng sức lao động, tăng thu nhập cho nông dân". Ðó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú Hà Quang Chì.

Tại tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc Mường, Thái ở huyện Mộc Châu đã làm chủ được kỹ thuật trồng hoa ly, hoa tu-líp và lan hồ điệp do Công ty Hoa nhiệt đới tỉnh Sơn La chuyển giao, được thị trường đánh giá có chất lượng tương đương với vùng hoa Ðà Lạt. Nói về thành công của dự án, Giám đốc Công ty Hoa nhiệt đới Phạm Ngọc Tuấn khẳng định, từ diện tích sản xuất ban đầu 5,5 ha, doanh thu chưa đến 6,6 tỷ đồng, đến nay công ty đã mở rộng diện tích sản xuất lên 20 ha, doanh thu hơn 105 tỷ đồng, trả lương cho công nhân 4 triệu đồng/ tháng.

Vướng mắc

Hiệu quả chuyển giao tiến bộ KH và CN về nông thôn, miền núi là điều không thể phủ nhận, nhưng vẫn còn nhiều dự án không thành công, hoặc đạt kết quả chưa như mong muốn do nội dung nghèo nàn, hàm lượng khoa học thấp, hoặc bị ảnh hưởng do các yếu tố khách quan như môi trường, thiên tai, dịch bệnh...

Thí dụ như Dự án nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh của Công ty Nuôi trồng thủy sản Việt -  Mỹ do Việt kiều đầu tư, có diện tích 2.000 ha, vốn đầu tư 50 triệu USD. Dự án được xem là lớn nhất Ðông - Nam Á, nhưng chỉ  hai năm triển khai đã rơi vào bế tắc và thua lỗ. Tiếp đến là dự án trồng cây Jatropha (cây dầu mè) tại xã Hữu Kiên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn do Công ty TNHH Núi Ðầu thực hiện, chỉ sau năm năm công ty phá sản. Chủ tịch UBND xã Chiêu Vũ (huyện Bắc Sơn) Dương Hữu Ðảng cho rằng, ngoài lý do chất lượng giống, phải kể đến quá trình trồng đã không thực hiện cải tạo đất, không xử lý thực bì. Trồng "cây công nghiệp" mà cách làm như người dân canh tác lúa nương vậy, cứ cuốc một nhát rồi cho hạt Jatropha xuống hốc đó thì làm sao nó sống và phát triển được".  Không chỉ người dân tại Lạng Sơn chịu cảnh thua lỗ do dự án bị phá sản, mà người dân tại Ðiện Biên, Lai Châu cũng nhiều năm liền điêu đứng với dự án trồng gấc và ớt, do phá vỡ quy hoạch sản xuất,  bị doanh nghiệp bỏ rơi, không thu mua sản phẩm.

Theo Bộ KH và CN, nhu cầu đưa tiến bộ kỹ thuật ứng dụng về nông thôn rất lớn, số lượng dự án đề nghị được thực hiện rất nhiều (bình quân mỗi địa phương đề nghị từ ba đến năm dự án/năm) trong khi lượng dự án được phê duyệt chính thức cho cả hai hình thức T.Ư và địa phương là 1,4 dự án cho mỗi tỉnh. Do đó, việc phê duyệt các dự án có nội dung và quy mô đầu tư lớn đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình để hỗ trợ địa phương còn hạn chế. Ðiều này đã khiến nhiều địa phương chọn giải pháp thay thế bằng các dự án liên quan đến tổ chức sản xuất ra sản phẩm hàng hóa công nghệ cao, như Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội. Song các tỉnh này đều  gặp khó do không tự chủ được nguồn giống, chi phí lớn  trong khi  giá bán không cao, chưa kể nhiều thiết bị, công nghệ nhập khẩu không phù hợp điều kiện ở nước ta. Và, do chưa xác định được định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng loại cây trồng trong từng thời vụ cụ thể, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có vùng chuyên canh, cung cấp khối lượng nông sản lớn, chưa tìm được thị trường tiêu thụ,  nguồn nhân lực vận hành sản xuất chưa lành nghề dẫn đến hiệu quả các dự án vẫn còn ở mức thấp.

Tạo bước đột phá

Ðể nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đặc biệt có sự cân đối giữa các vùng miền, giữa nông thôn, miền núi và thành thị cần phải đẩy nhanh tốc độ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Các nhà khoa học cho rằng, để quá trình chuyển giao công nghệ có hiệu quả thì trách nhiệm lớn nhất trong chỉ đạo thực hiện dự án tại địa phương chính là lãnh đạo các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp các nguồn lực để thực hiện dự án, tránh tình trạng khoán trắng cho hệ thống các cơ quan quản lý KH và CN như đã từng tồn tại nhiều năm qua. Ðồng thời xác định địa bàn, thế mạnh của từng địa phương để xây dựng dự án trọng điểm, từ đó lồng ghép chương trình khuyến nông, khuyến ngư và các chương trình khác nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân địa phương.

Ðể đẩy nhanh tiến độ đưa KH-CN về làng, gần đây nhất, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1831về hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế. Từ năm 2011 đến nay, Bộ KH và CN phê duyệt thêm 278 dự án chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 60 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách là 586 tỷ, còn lại 713 tỷ huy động từ người dân, doanh nghiệp và vốn  địa phương. Dự kiến, đến hết năm 2015, chương trình sẽ huy động 600 lượt cán bộ khoa học từ 86 tổ chức khoa học của T.Ư và địa phương về phục vụ địa bàn nông thôn, miền núi; xây dựng 870 mô hình và đào tạo 2.650 kỹ thuật viên, tập huấn cho 61.500 lượt nông dân...

Tuy nhiên, để tạo sự đột phá, TS Bùi Mạnh Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH và CN, nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo chương trình nông thôn, miền núi  giai đoạn 1998 - 2002 và 2004 - 2010 khẳng định: Việc tận dụng mọi nguồn lực xã hội hết sức quan trọng và cần theo cơ chế Nhà nước 40 - 45%, doanh nghiệp và nhân dân từ 50 đến 60% để tạo bước đột phá trong thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao tiến bộ KH-CN. Còn GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Cần có sự chuyển biến trong tư duy, cách làm bởi theo ông, tư duy, cách làm của chúng ta, đặc biệt là của các nhà quản lý, những người hướng dẫn cụ thể cho người dân làm theo đặc biệt quan trọng. Nếu đặt trách nhiệm lên vai người nông dân hay một nhóm, một tổ chức xã hội nào đó với yêu cầu hướng dẫn cho toàn dân quy định gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói, quảng bá, phân phối... thì quả quá sức. Người dân nói chung và đồng bào các dân tộc miền núi nói riêng sẽ còn lâu mới được hưởng lợi trọn vẹn từ những thành quả do tiến bộ KH và CN mang lại.

Theo nhandan

Ý kiến góp ý: