TextBody
Huy chương 2

Khí hậu và Nước: Mối quan tâm chung của nhân loại

25/03/2020

Năm nay, Ngày Nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3) cùng chia sẻ chủ đề: Khí hậu và Nước. Tài nguyên nước và khí hậu luôn có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Chế độ khí tượng thủy văn dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm...

Vì vậy, Liên hợp quốc chọn chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 là “Nước và Biến đổi khí hậu” và chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2020 cũng là "Khí hậu và Nước" với khẩu hiệu "Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước".

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, hiện có khoảng gần 1/3 dân số thế giới không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn. Truyền đi thông điệp về Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực; kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường. Chính vì vậy, các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng. Công tác quản lý tài nguyên nước cần tập trung vào các vấn đề:

- Xây dựng và triển khai quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông làm cơ sở triển khai các giải pháp phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước.

- Tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước. Vận hành các hồ chứa tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đảm bảo các nhu cầu sử dụng nước thiết yếu và giảm thiểu các tác hại do lũ lụt, hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm trên các lưu vực sông; tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của các hoạt động xả nước thải; thu gom xử lý ô nhiễm từ nguồn; khuyến khích đầu tư vào công nghiệp xử lý nước thải. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ công bằng và hợp lý các nguồn nước liên quốc gia.

Việt Nam là một đất nước có rất nhiều bão, lũ hàng năm; đặc biệt có nhiều dòng sông xuyên biên giới. Song song với nỗ lực quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho việc thu thập và chia sẻ dữ liệu về mưa, về nước là cơ sở cho các hoạt động giám sát và dự báo thủy văn, cũng như cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán. Tuy nhiên, công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn luôn là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra và tác động đến các điều kiện tự nhiên làm cho các loại thiên tai ngày càng “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ, nhất là các thiên tai liên quan đến mưa, nước.

Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước cần sự chung tay của tất cả các ban, ngành trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học. Các ngành sử dụng nước như nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủy điện, giao thông thủy… cần có các giải pháp chiến lược, căn cơ để ứng phó với diễn biến bất thường của tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, cùng với các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Mỗi người dân sử dụng nước tiết kiệm hàng ngày, tăng cường ý thức bảo vệ nguồn nước là những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo vjst.vn

 

Ý kiến góp ý: