Khoa học & Công nghệ với sự đổi thay diện mạo nền kinh tế
21/06/2012Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nền kinh tế, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành khoa học và công nghệ. Trước thực tế đó, Đề án "Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế" đang được sử dụng
Trong những năm qua, hàng nghìn các kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng rộng rãi, đã có những đóng góp rất tích cực vào đời sống, sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhiều đơn vị đã phát triển mạnh nhờ đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Trình độ công nghệ trong các ngành công nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc, điển hình như trong cơ khí chế tạo máy, đã làm chủ được các công nghệ trong thiết kế chế tạo các loại máy công cụ như máy phay CNC, máy tiện… đa chức năng tiêu thụ trong nước và bước đầu xuất khẩu với giá trị gần 1.000 tỉ đồng; ngành đóng tàu sau 15 năm đã rút ngắn khoảng cách lạc hậu so với thế giới từ 70 – 80 năm còn 20 – 30 năm, hiện được đánh giá xếp thứ 5 thế giới về năng lực đóng mới; việc hoàn toàn làm chủ được thiết kế và công nghệ chế tạo cơ khí thủy công áp dụng trong ngành thủy lợi, công nghiệp và an ninh, quốc phòng đã đem lại doanh thu hàng ngàn tỉ đồng; ngành điện lực đã có khả năng thiết kế và chế tạo máy biến áp công suất đến 220 kV – 250MVA đạt tiêu chuẩn châu Âu…
Trong nông nghiệp, KH&CN đóng vai trò lớn về lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, cao su. Đến nay, hơn 170 giống lúa được công nhận… Nhờ đó, trên 80% diện tích lúa đã được trồng bằng các giống mới, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới.
Đối với ngành thuỷ sản, KH&CN đóng góp lớn nhất là công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thuỷ sản chiếm bình quân từ 57% – 58% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Các mặt hàng thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo yêu cầu về chất lượng thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ.
Có thể khẳng định, nếu đầu tư cho KH&CN, biết thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN và trân trọng các nhà khoa học đang công tác và đã nghỉ hưu, các đơn vị nhất định sẽ thành công.
Trong dự thảo, Đề án tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Về quan điểm phát triển KH&CN, là tập trung, nâng dần đầu tư của Nhà nước cho KH&CN song song với huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao năng lực và xây dựng tiềm lực KH&CN. Phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực KH&CN. Coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ. Nội lực là yếu tố quyết định, hợp tác và hội nhập quốc tế là nguồn ngoại lực quan trọng không thể thiếu trong phát triển KH&CN…
Có 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với sự phát triển KH&CN; Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Tăng cường tiềm lực KH&CN; Phát triển thị trường KH&CN; Chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế về KH&CN; Phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế tài chính, cơ chế quản lý KH&CN và chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài KH&CN… là những “nút thắt” trong hoạt động KH&CN cần tháo gỡ. Tiếp tục thu thập thông tin phản hồi, lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về những hạn chế, khó khăn trong hoạt động KH&CN, trên cơ sở đó đề án sẽ được hoàn thiện.
Theo nhandaovadoisong
Ý kiến góp ý: