Khoán chi trong nghiên cứu khoa học còn nhiều bất cập
23/06/2016Khoán chi trong nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH và CN) sử dụng ngân sách Nhà nước được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng KH và CN, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, thông thoáng hơn....
Để tạo động lực cho các nhà nghiên cứu khoa học đã có rất nhiều thông tư quy định về khoán chi trong nghiên cứu khoa học (NCKH) như các Thông tư liên tịch số 93, 44, 55 và gần đây nhất là Thông tư số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC (Thông tư số 27), ngày 30-12-2015. Theo đó, thay vì đầu tư dàn trải, Nhà nước đầu tư có mục đích thông qua việc khoán chi, tạo điều kiện cho các Viện nghiên cứu, trong đó, các nhà khoa học không phải “đau đầu” lo các thủ tục phức tạp như trước kia, mà chỉ cần nộp kết quả cuối cùng nếu đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài, và toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ sẽ không cần thiết nữa. Nhưng nếu chậm tiến độ sẽ phải hoàn trả lại ngân sách và chờ kế hoạch phân bổ mới. Việc siết chặt kết quả đầu ra sản phẩm sẽ tăng hiệu quả của nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho KH và CN. Đó là đứng trên góc độ quản lý nhà nước, còn trên thực tiễn nghiên cứu, Viện trưởng Di truyền nông nghiệp, GS Vũ Huy Hàm cho rằng: thông thường khoán tức là bỏ tiền ra thì nhận sản phẩm, sản phẩm được mô tả rất kỹ như hàng hóa… Nhưng sản phẩm khoa học lại không thể mô tả như thế được. Nghiên cứu khoa học không giống như xây dựng cơ bản, nó là một quá trình tìm kiếm, thử nghiệm, nếu sai thì tiếp tục thử mới, tìm ra lời giải hay phương án khác. Với đặc trưng công việc như vậy làm sao có thể khoán được? Việc khoán chỉ phù hợp với những công trình rất cận với ứng dụng, những công trình, đề tài đã qua giai đoạn nghiên cứu chỉ cần hoàn thiện để đưa sản phẩm vào sử dụng. Với phần thanh quyết toán, dự trù kinh phí nghiên cứu khoa học, GS Vũ Huy Hàm và nhiều nhà khoa học cho rằng, việc lập hồ sơ dự án xin kinh phí ngoài là nỗi kinh hoàng của các nhà khoa học, ngoài ra còn lãng phí nguồn nhân lực khi phải cần từ bốn đến năm cán bộ chỉ để làm việc đó, cộng với thủ tục hành chính quá rườm rà, kê khai quá chi tiết, nặng về tài chính đã khiến cho hồ sơ nghiên cứu đề tài thường dày gấp ba lần so với nội dung nghiên cứu. Chưa kể do diễn giải quá chi tiết phần dự trù, trong khi một công trình nghiên cứu có thể kéo dài nhiều năm, giá nguyên vật liệu, công lao động những năm sau có sự chênh lệch so với thời điểm lập dự toán. Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, phần về tài chính của họ chỉ có một đến hai trang. Việc giải trình từng phần trong đề tài nghiên cứu (cụ thể mức kinh phí) cho từng giai đoạn sẽ gây khó cho nhà khoa học bởi họ không phải là những nhà kinh doanh có thể tính toán chi tiết những khoản chi phí phải có trong công trình nghiên cứu khoa học của mình. Đồng thời còn phải cam kết hoàn thành đúng thời gian như đã đăng ký ban đầu là rất bất cập, bởi nghiên cứu khoa học hoàn toàn không phải là một công đoạn sản xuất, hay lắp ráp thuần túy. Còn theo ông Đặng Xuân Phong, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Nhà nước nên có những quy chế linh hoạt hơn kèm theo Thông tư số 27, vì đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện trong nhiều năm, tổ chức chủ trì có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo đơn vị quản lý kinh phí về số kinh phí thực nhận và thực chi trong năm để đơn vị quản lý kinh phí tổng hợp số kinh phí thực nhận, thực chi của nhiệm vụ vào quyết toán của đơn vị theo niên độ ngân sách. Cuối năm, số dư dự toán, số dư tạm ứng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện. Theo Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, GS, TS Nguyễn Văn Tuất, NCKH cần sự chủ động, sáng tạo. Do vậy các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế, quy định một cách đồng bộ, trên tinh thần lấy hiệu quả là thước đo chính, giảm bớt và đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt kế hoạch và dự toán, sao cho nhà khoa học được hoàn toàn chủ động trong tất cả các công đoạn để toàn tâm, toàn ý tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học cho ra sản phẩm cuối cùng. Theo nhandan.com.vn
Ý kiến góp ý: