Khởi công cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè
15/12/2010Ngày 9/12/2010, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập úng TP Hồ Chí Minh đã tiến hành làm Lễ khởi công công trình Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc- Thị Nghè.
Tới dự Lễ khởi công có các đồng chí: Nguyễn Thành Tài Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, đồng chí Hoàng Văn Thắng Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, các đồng chí lãnh đạo quản lý đại diện sở, ban ngành và các cấp chính quyền TP. Hồ Chí Minh, đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, cùng đông đảo quý vị đại biểu và bà con nhân dân thuộc khu vực dự án
Trong bài phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Ngọc Công – Phó GĐ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập úng TP Hồ Chí Minh kiêm trưởng Ban quản lý dự án 1547, đã nêu bật tính cấp bách, tầm quan trọng và tác động sâu rộng của công trình đối với dân sinh và sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực dự án. Công trình kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè là công trình được khởi công đầu tiên trong tổng số 13 cống thuộc dự án chống ngập úng cho TP. Hồ Chí Minh. Công trình thi công theo hình thức tổng thầu EPC do liên danh 4 đơn vị: viện Thủy công, công ty Xây dựng và chuyển giao công nghệ Thủy lợi, công ty CP xây dựng Thủy lợi 1 Nghệ An, công ty cổ phần xây dựng và PTNT 2 thuộc Bộ NN&PTNT. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành trong 24 tháng với kinh phí khoảng 240 tỷ đồng. Bên cạnh các ý nghĩa về kinh tế, xã hội sau khi hoàn thành sẽ đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các công trình thhuộc dự án nói riêng và các công trình thủy lợi khác trên địa bàn TP nói chung.
Viện Thủy công với tư cách là đơn vị đứng đầu liên danh đã tổ chức đoàn cán bộ do đồng chí viện trưởng Nguyễn Quốc Dũng làm trưởng đoàn đã tham dự lễ khởi công. Trong bài phát biểu tại buổi lễ đại diện cho liên danh đồng chí Trần Đình Hoà – Phó viện trưởng viện Thủy Công – Chủ nhiệm dự án đã trình bày kế hoạch thực hiện dự án, phương án bố trí, quy mô kết cấu và nhiệm vụ của công trình sau khi hoàn thành.
Cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè được thiết kế theo công nghệ Đập Trụ Đỡ, thi công ngay trên lòng sông để giảm thiểu đến mức tối đa việc giải phóng mặt bằng, ít ảnh hưởng nhất đến môi trường sinh thái, giao thông và đời sống của bà con nhân dân. Diện tích nền nhà dân phải đền bù phục vụ cho toàn bộ dự án chỉ khoảng hơn 700m2. Công trình gồm các hạng mục chính:
- Kết cấu trụ đỡ với 3 trụ chịu lực chính được ngàm chặt với cọc khoan nhồi đường kính trên 1,2m, chiều dài cọc 60m. Chống thấm công trình bằng cừ Lasen dài 12m dưới trụ pin và dầm đỡ van.
- Khẩu độ thoát nước gồm 4 khoang, 2 khoang ở giữa mỗi khoang rộng 22,5 m, khoang bên bố trí cửa van phẳng 2 lớp, mỗi khoang rộng 6,5 m. Các cửa van được vận hành đóng mở bằng hệ thống xilanh thủy lực. 2 khoang cửa bên được bố trí đồng thời cùng với trạm bơm tiêu nước với tổng lưu lượng bơm 48m3/s.
- Cầu giao thông có kết cấu liên hợp dầm thép với bề rộng 8m, chiều dài 90 m.
Trong mùa khô, nhằm đảm bảo cảnh quan và môi trưởng trong thành phố, công trình sẽ tự động điều tiết mực nước ở cao trình ~ +1,0 m. Về mùa mưa công trình có thể chủ động hạ thấp mực nước sông xuống dưới -0.1 m để tạo dung lượng đón mưa.
Quan trắc mực nước trong và ngoài sông, tình trạng kỹ thuật của hệ thống cửa van, trạm bơm … được quan trắc bằng các thiết bị điện tử và được truyền về trung tâm điều hành đặt trong nhà quản lý.
Khi hoàn thành, kết hợp với hệ thống đê bao cống sẽ kiểm soát được hoàn toàn nước triều và có khả năng tiêu thoát toàn bộ nước mưa (với tần suất thiết kế) trong khu vực dự án, giải quyết căn bản tình trạng ngập nước do triều của khoảng 500 ha vùng đất trũng trong tổng số gần 3.400ha tại các quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận, cải thiện cảnh quan môi trường xung quanh, sớm góp phần giải quyết dứt điểm nạn ngập úng của TP trong tương lai.
Theo Thùy Dương - thuycong.ac.vn
Ý kiến góp ý: