TextBody
Huy chương 2

Khu vực Nam Bộ: Dòng chảy thoát lũ, tiêu ngập đang ngày càng bị “bóp nghẹt”

21/12/2011

Hậu quả của úng ngập do lũ và triều cường gây ra tại thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mức độ ngày càng cao. Các nhà nghiên cứu nhận định do dòng chảy thoát lũ, úng ngập đang có "vấn đề", thậm chí ở một số địa phương đã có dấu hiệu bị thu hẹp 

Tại sao dòng chảy bị thu hẹp?

8 năm liên tiếp ĐBSCL không có lũ lớn, tuy nhiên năm 2011 khu vực này bất ngờ chứng kiến các đợt lũ đồn dập và cao kỷ lục so với nhiều năm trước đó đã đặt ra nhiều vấn đề phải lý giải về nguyên nhân dẫn tới lũ. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, lũ lên cao tại ĐBSCL do lượng mưa lớn kéo dài từ tháng 6 – 9, ngoài ra nhiều khảo sát cho thấy dòng chảy thoát lũ đang bị thu hẹp dần tại nhiều tỉnh trong khu vực.

Ông Nguyễn Minh Giám – Phó GĐ Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ đánh giá, cơ chế truyền lũ tại ĐBSCL đã có thay đổi lớn trong năm 2011 mà nguyên nhân chủ yếu là do địa hình châu thổ đang thay đổi cấu trúc. Biểu hiện rõ nhất là các công trình giao thông, hạ tầng tại các đô thị, nhà ở dân cư, cùng với hệ thống đê bao bảo vệ lúa đang ngày càng khép kín từ thành thị tới nông thôn. Quá trình này đã tạo ra các cản trở rất lớn đối với dòng chảy thoát lũ từ các sông ra biển. Theo ông Giám, hệ thống đê bao khép kín bảo vệ lúa thu đông và hè thu, cùng với hệ thống lộ có cao trình vượt lũ lớn dọc sông Tiền, sông Hậu và dọc theo các trục kênh lớn ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên... đã tác động khiến đợt lũ năm 2011 dâng cao nhất so với nhiều năm trước đó.

Ngoài ra, các khảo sát cũng kết luận đỉnh lũ năm 2011 tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long vượt mức báo động 3 và tương đương đỉnh lũ lịch sử vào các năm 1978 và 2002. Đỉnh lũ lớn, trong khi dòng chảy thoát lũ bị thu hẹp đã khiến úng ngâp trên diện rộng tại hơn 10 tỉnh đồng bằng kéo dài gần 1 tháng.

Đáng lưu ý, hiện đa phần các đê bao tại ĐBSCL chỉ chịu được lũ trong vài tuần đầu lũ lên cao, tuy nhiên lại khó chịu đựng được úng ngập kéo dài, do đó nguy cơ vỡ đê là khó tránh khỏi. Hậu quả rõ nhất trong thời gian qua, khi đối diện với đỉnh lũ cao kéo dài trong gần một tháng đã khiến cho hàng trăm ngàn hécta lúa từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, đến Kiên Giang... ngập chìm trong lũ. Không chỉ diện tích lúa bị thiệt hại, hàng ngàn ha cây ăn trái vụ 3 vừa qua của Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp,..cũng bị thiệt hại nặng.

Vùng hạ lưu sẽ "lãnh đủ”

Ngoài các biến dạng về dòng chảy thoát lũ, việc xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện trên sông Đồng Nai được dự báo sẽ gây ra ngập úng cho toàn vùng hạ lưu, trong đó có TP. Hồ Chí Minh nếu xảy ra sự cố.

Theo quy hoạch khai thác thủy điện hệ thống sông Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt (năm 2002), lưu vực sông Đồng Nai, bao gồm 4 hệ thống sông gồm Đồng Nai, La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn đi qua 11 tỉnh thành. Hiện lưu vực này có tới 20 công trình thủy điện đang vận hành (một số đang triển khai) đã tạo ra những nguy cơ ngập tiềm ẩn cho TP. Hồ Chí Minh – địa phương nằm trong vùng hạ lưu sông. Trong đó, chỉ tính riêng dòng chính sông Đồng Nai đã có 9 công trình thủy điện, trong đó có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang tranh cãi và vấp phải các ý kiến trái chiều.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công từng cảnh báo những thách thức đối với môi trường sinh thái, xáo trộn cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu sẽ gia tăng các mối đe dọa đối với các tỉnh/thành cuối hạ lưu như: xuất hiện lũ lớn vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô.

Ngoài mối lo về thủy điện, Dự án đê biển Gò Công – Lòng Tàu cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều về tác động tới úng ngập cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh và toàn vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu của dự án là chống biến đổi khí hậu, chống lũ, ngăn chặn thủy triều dâng cao, chống xâm nhập mặn lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ là những nơi có liên quan tới một khu vực rộng trên 1 triệu ha. Tuy nhiên, các cảnh báo cho rằng hiểm họa "tác động ngược” do ô nhiễm môi trường và xáo trộn hệ sinh thái sông Lòng Tàu, cũng như ảnh hưởng tới một số công trình kinh tế hiện hữu của các tỉnh trong khu vực dự án.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục Quản lý xây dựng công trình, khó có thể tiên liệu được những hậu quả có thể xảy ra khi dự án đê biển Gò Công - Vũng Tàu hoàn thành. Theo ông Tuấn, môi trường của sông Lòng Tàu sẽ bị tàn phá khi tuyến đê biển chắn lại trong tương lai, và tác động chung tới các khu dân cư hiện hữu là khó có thể đoán biết trước được. Cũng theo Tiến sĩ Thái Văn Nam – Đại học Khoa học - Công nghệ, dự án đê biển Gò Công – Vũng Tàu hoàn thành sẽ bít sông Lòng Tàu. Không đường thoát nước ra biển, các khu vực xung quanh sông này chắc chắn sẽ bị ngập úng, ngoài ra hệ sinh thái cũng sẽ bị đảo lộn. Ngoài ra, không những TP. Hồ Chí Minh mà Long An, Tiền Giang cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi dự án Gò Công – Vũng Tàu hoàn thành, đặc biệt là tình hình xâm thực mặn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp và nhu cầu nước sạch của người dân. Trong đó, cảng Tân Lập của Long An cũng sẽ có nguy cơ phải đóng cửa, một khi tuyến đê biển này chắn ngang trước cảng.

Giải pháp phải đồng bộ

Ứng phó với diễn biến lũ ngày càng phức tạp tại ĐBSCL ngoài các dự án do Bộ NN-PTNT đã và đang triển khai thì từng địa phương trong khu vực cũng xây dựng giải pháp thích ứng phù hợp cả về mặt sản xuất, đời sống, sinh kế và bảo vệ môi trường thiên nhiên cho từng khu vực. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng cam kết sẽ tài trợ 288,2 triệu euro để khắc phục lũ lụt tại khu vực này, tập trung vào phát triển kinh tế bền vững và đào tạo nghề; chính sách môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát triển y tế. Tại TP. Hồ Chí Minh, với đặc thù ngập úng chủ yếu là do mưa lớn kết hợp triều cường, trong khi hạ tầng đô thị phát triển thiếu đồng bộ với xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống thoát nước đô thị. Do đó, chống ngập úng cho đô thị này là một bài toán nan giải. Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, việc khai thác nước ngầm quá mức cho phép, quá trình đô thị hóa nhanh khiến bề mặt địa hình sụp lún, cống tiêu, kênh thoát nước xây dựng từ nhiều năm chưa được thay thế, tu bổ đã xuống cấp và không đủ sức chịu đựng các đợt ngập úng ngày kéo dài và phức tạp hơn.

Ngoài ra, các kết quả khảo sát thời gian qua cho thấy 75% khu vực tại TP. Hồ Chí Minh ngập do khả năng thoát nước chậm của hầu hết các hệ thống thoát nước, chưa kể các tác động của mưa, kết hợp triều cường. Đặc biệt, hệ thống thoát nước của thành phố hiện cũng đã xuống cấp và khả năng vận hành thoát nước cho các vùng trũng là không thể. Đối với Dự án xây dựng cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè với năng lực dự kiến kiểm soát mực nước triều và nước mưa, giải quyết tình trạng ngập nước cho 500ha đất trũng trong tổng số 3.400ha tại các quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận nhưng cũng còn chờ khả năng thực tế khi hoàn thành toàn bộ công trình.

Chính vì những lý do nêu trên, giải pháp được đặt ra cho tới cuối năm 2012 đối với công tác chống ngập của TP. Hồ Chí Minh là thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát thủy triều (hiện có khoảng 300 van ngăn triều ở vùng ven); tăng cường nạo vét các kênh rạch để hạ thấp mực nước của toàn vùng kênh rạch thuộc bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè; đẩy nhanh các dự án tiêu thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn.

Theo Lê Anh - Đại đoàn kết

Ý kiến góp ý: