TextBody
Huy chương 2

Khuyến khích DN đầu tư KHCN vào nông nghiệp: Phải có hành động cụ thể

03/07/2015

“Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vai trò của DN ngày càng quan trọng...”-Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
* Sẽ thành lập 1 bộ phận chuyên tiếp, trả lời DN
* Các viện, trường tạo điều kiện cho DN sử dụng nguồn gen
* 1 DN sẵn sàng trả thù lao 50-100 triệu/tháng cho nhà khoa học

Một trong những trọng tâm chính sách được đề ra và thực hiện quyết liệt trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) trong nông nghiệp với sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương, trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, nông dân là chủ thể và DN giữ vai trò nòng cốt.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh như vậy tại hội thảo chính sách khuyến khích DN đầu tư và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp, được tổ chức sáng qua (2/7), tại Hà Nội, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và nhiều DN.

Theo ông Doanh, trong thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp. Hệ thống nghiên cứu được tăng cường, nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao vào thực tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Cơ chế hoạt động KHCN cũng có sự đổi mới theo hướng xã hội hóa, đã huy động được sự tham gia của các hình thức kinh tế, nhiều DN đã chủ động đầu tư vào thành lập các trung tâm nghiên cứu KHCN, chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu, liên kết hợp tác với viện, trường trong công tác chuyển giao.

“Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng. Đó là tình trạng trình độ KHCN nông nghiệp trong nhiều lĩnh vực nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển KT-XH.

Thành tựu mới chỉ đạt được đối với một số sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su và một số cây trồng khác. Còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Chưa làm chủ được công nghệ tạo giống, vacxin, chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh…”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Doanh, ông Cao Văn Hằng, GĐ Trung tâm KHCN của Cty CP Tiến Nông Thanh Hóa cho rằng, DN vẫn phải tự bỏ tiền ra nghiên cứu KHCN chứ hầu như chưa được sự hỗ trợ nhiều từ phía Nhà nước.

“Rõ ràng, bên cạnh việc tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức, thì phải tạo điều kiện khuyến khích DN tham gia mạnh mẽ hơn và phát huy hiệu quả hơn sự kết hợp giữa Nhà nước và DN; phải giành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu KHCN. Yêu cầu Vụ KHCN thành lập 1 bộ phận chuyên tiếp DN và phải trả lời khi DN có yêu cầu. Đầu tiên phải tập hợp lại các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan. Phải rà soát lại việc tổ chức thực hiện ở Bộ NN-PTNT. Những chính sách phải phản ánh nguyện vọng của các DN và địa phương. Thứ hai, muốn xây dựng chính sách gì cũng phải từ nhu cầu của DN chứ không phải trên lý thuyết. Các đơn vị thuộc Bộ rà soát lại chính sách để tạo thuận lợi cho DN. Các viện trường tạo điều kiện cho DN sử dụng các nguồn gen. Ngành cũng mong muốn lắng nghe những băn khoăn vướng mắc của DN để giải quyết dứt điểm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Như vậy, DN khó có thể bứt phá về KHCN nếu không liên kết với bên ngoài để nghiên cứu. Ông Hằng cho hay, mỗi năm Cty Tiến Nông phải bỏ ra khoảng 10 tỷ để nghiên cứu KHCN. Đây là số tiền không phải nhỏ đối với 1 DN như Tiến Nông. Ngoài ra, là DN KHCN, được miễn thuế, nhưng khi thực hiện các thủ tục ưu đãi này, DN vẫn phải “có động thái” với cán bộ thuế, chứ không thì khó có thể được miễn thuế như quy định.

Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Hữu Vũ, Tổng GĐ Cty Dược và vật tư thú y (HANVET) cho rằng, Cty đã có hàng chục đề tài tự bỏ tiền ra nghiên cứu: vacxin Gumboro, vacxin Lasota, Newcastle, Tụ huyết trùng gia cầm, Tụ huyết trùng lợn, Dịch tả lợn... Trong đó, đáng kể nhất là vacxin Tai xanh được HANVET bắt đầu nghiên cứu từ năm 2007 khi dịch Tai xanh xuất hiện và bùng phát. Đến năm 2014, sản phẩm mới được hoàn thiện và đánh giá xong với các chỉ tiêu kỹ thuật: vô trùng, an toàn, hiệu lực đều đạt chuẩn.

Tuy nhiên, khi sản phẩm được bán thương mại thì chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng. “Chính phủ đã có chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên chúng tôi chỉ mong chủ trương đó được các cấp quản lý trong ngành nông nghiệp thông suốt và thực hiện tốt. Đặc biệt trong các dự án, các chương trình đấu thầu Quốc gia nên có cơ chế ưu tiên cho sử dụng hàng Việt”, ông Vũ nói.

Ngoài ra, Nhà nước cũng nên chú ý chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho các DN. “HANVET là DN mạnh về nghiên cứu KHCN nhưng không có một TS thú y, sinh học nào được đào tạo từ các nước như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Tại sao có trình trạng như vậy? Vì các TS được đào tạo không đầy đủ, kiến thức kém, sợ về DN không làm được việc. Phía Cty chúng tôi không ngại thù lao 50-100 triệu/tháng cho người có đủ năng lực nhưng vẫn chưa tuyển được”, ông Vũ than thở.

Còn ông Lê Quang Thành, Tổng GĐ Cty CP TĂCN Thái Dương, cho rằng, để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi đầu tư một lượng tiền rất lớn. DN nông nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn, lãi suất thấp. Chính vì vậy DN nông nghiệp bị yếu thế do công nghệ thấp, khó cạnh tranh, chi phí cao dẫn đến lợi nhuận thấp, không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu công nghệ mới hơn.

Ngoài ra, tiêu chuẩn nước thải trong chăn nuôi lại quá cao dẫn đến các DN đầu tư vào chăn nuôi và nông nghiệp còn rụt rè. Chưa có việc liên kết giữa trồng trọt và chăn nuôi nên chưa tận dụng được nguồn thải của chăn nuôi cho trồng trọt. Đây là cái cớ mà cán bộ các địa phương nhũng nhiễu, làm khó DN và vòi vĩnh, nếu không được thì tổ chức nhiều chiêu bài trả thù DN.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thực tế cho thấy ngành nông nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để rút dần khoảng cách với khu vực và thế giới. Để làm được điều này không có con đường nào ngắn hơn là tăng cường nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp, đẩy nhanh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào SX. Trong quá trình này cần xác định được vai trò quan trọng của các DN.

 “Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vai trò của DN ngày càng quan trọng. Đặc biệt, khi Luật KH&CN sửa đổi được thực hiện thì các DN có điều kiện phát huy vai trò của mình thông qua hình thức quỹ phát triển KHCN, quỹ đầu tư mạo hiểm…”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn đối với nông dân, nhà khoa học và các nhà quản lý. Bộ trưởng cho biết, nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nên những người nông dân vẫn vất vả, một nắng hai sương trên cánh đồng mà kết quả lao động thấp. Chính vì nghèo mà người làm khoa học cũng không thu được thành quả tương xứng với công lao động của mình bỏ ra. Còn người làm quản lý dù có sáng kiến đổi mới tiến bộ thì cũng khó đi vào được cuộc sống vì còn vô số những vướng mắc trong hệ thống.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, phải có những hành động cụ thể để thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp, tránh hô khẩu hiệu chung chung, mất thời gian. “Người làm khoa học dù ở Viện, trường hay DN cũng cần chung tay tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa KHCN vào SXKD, tạo ra sản phẩm góp phần phát triển KT-XH để Việt Nam không mãi mãi là một nước thu nhập trung bình hoặc thu nhập trung bình thấp, để những Nghị quyết của Đảng về KHCN trở thành hiện thực trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

 Theo nongnghiep.vn

Ý kiến góp ý: