Kiểm tra, xử lý công trình thủy lợi trước mùa mưa bão
04/06/2012Hiện nay, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi trên các hệ thống công trình thủy lợi Hà Nội đang ở mức báo động, gây bức xúc.
Trước mùa mưa bão đang đến gần, thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các sự cố hư hỏng công trình thủy lợi.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, nhằm chủ động bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2012, thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội, Mê Linh, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng công trình thủy lợi thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương, đơn vị, bảo đảm công trình vận hành an toàn phục vụ công tác phòng chống lụt, bão.
Song song đó, thực hiện giải tỏa đăng, chặn bèo và các vật cản khác trên các sông, trục, kênh mương bảo đảm thông thoáng lòng dẫn, phục vụ tiêu thoát nước chống úng ngập; chỉ đạo, tổ chức thực hiện xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
Thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi tổ chức thực hiện, đồng thời tổng hợp tình hình báo cáo thành phố; tham mưu, trình thành phố ban hành quy định phạm vi vùng phụ cận đối với từng loại hình công trình thủy lợi trên địa bàn Thủ đô. Công việc này phải hoàn thành trước ngày 30/9/2012.
Hiện nay, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi trên các hệ thống công trình thủy lợi Hà Nội đang ở mức báo động, gây bức xúc dư luận.
Toàn thành phố có hàng ngàn vụ vi phạm mới, cũ, trong đó nhà cấp ba, cấp bốn xâm hại 360.000 m2 hệ thống công trình thủy lợi.
Những vi phạm tập trung ở địa bàn các quận, huyện như Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Hà Đông, Phúc Thọ, Thạch Thất và quận Long Biên...
Trong khi đó, việc xử lý vi phạm lại chưa thực sự quyết liệt và mang tính răn đe. Nhất là đối với việc xử lý giải tỏa vi phạm, nhiều địa phương còn nặng về hình thức, ra quân theo phong trào và thiếu các biện pháp xử lý mang tính răn đe khiến người vi phạm “nhờn” luật.
Theo TTXVN
Ý kiến góp ý: