Kỳ tích Sơn La - thỏa ước mơ chinh phục Sông Đà!
03/01/2013Sông Đà là phụ lưu lớn nhất thuộc hệ thống sông Hồng, còn được gọi là sông Bờ, hay Đà Giang dài khoảng 980km, bắt nguồn từ vùng núi Ngụy Sơn, Vân Nam, Trung Quốc đổ vào nước ta tại địa phận Nậm Tè, Lai Châu, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua 4 tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và kết thúc tại ngã ba Trung Hà, Hà Nội.
Sông Đà nổi tiếng với sự hung hãn và dữ dằn mỗi mùa mưa lũ, giờ đây đang khuất phục dưới bàn tay con người. Với 3 bậc thang thủy điện lớn được thiết kế, bao gồm: Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình: 1.920 MW; NMTĐ Sơn La: 2.400 MW; NMTĐ Lai Châu: 1.200 MW. Theo kế hoạch, sông Đà sẽ trở thành nguồn cung cấp thủy điện lớn nhất cả nước, lên tới khoảng 6.000 MW điện vào năm 2015 (kể cả MNTĐ Huội Quảng: 520 MW và NMTĐ Bản Chát: 180 MW). Với một nguồn năng lượng là nước cho giá điện rẻ thì có thể nói, sông Đà thực sự là một kho vàng trắng khổng lồ có khả năng tái tạo!
Từ Thủy điện Hòa Bình, đến Thủy điện Sơn La - Những công trình của những thế kỷ
Sau gần 10 năm thiết kế, 15 năm xây dựng, với sự đóng góp của hơn 40.000 công nhân lao động, chủ yếu là thế hệ trẻ, thanh niên xung phong và gần 1.000 chuyên gia người Nga giúp đỡ tận tình, ngày 20.12.1994, công trình Thủy điện Hòa Bình với 8 tổ máy, tổng công suất 1.920 MW được xây dựng ở bậc thang cuối cùng trên lưu vực sông Đà đã bắt đầu cung cấp điện. Khi đó, có lẽ lời ca tụng ví von đẹp đẽ nhất dành cho sông Đà đọng vào tâm trí tôi đó là “dòng sông ánh sáng”! Không thể khác được, khi mà nó được xây dựng và hoàn thành vào giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ chuyển đổi cơ chế, đất nước đang vô cùng cần điện cho phát triển kinh tế và đời sống; và khi mà Đà Giang ấy không chỉ là khởi nguồn để tạo ra một công trình điện lớn nhất của thế kỷ XX. Bởi, từ kinh nghiệm xây dựng Hòa Bình, một ngành thủy điện ở Việt Nam đã bứt dậy, nhanh chóng trưởng thành, chinh phục các dòng sông cho khả năng thủy điện lớn như Đồng Nai, Sêrêpốc, Sêsan… và làm nên những kỳ tích Yaly, Trị An, Hàm Thuận - Đami… đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có nguồn thủy điện lớn của khu vực châu Á.
Tuy nhiên, ít người biết rằng đây là dự án có thời gian khảo sát thiết kế lâu nhất, kéo dài tới 25 năm. Thiết kế được lựa chọn để thi công và hoàn thành ngày hôm nay là thiết kế thuộc “phương án Sơn La thấp” có mức nước dâng 215m. Còn một “phương án Sơn La cao” cho khả năng tích nước lớn hơn (mực nước 265m) và hệ số phát điện nhiều hơn đã được loại trừ, bởi mục tiêu bảo đảm an toàn cho hạ du trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp xấu nhất, nghĩa là nếu rủi ro vỡ đập Thủy điện Sơn La thì hồ Hòa Bình vẫn có thể điều tiết được. Không thể đánh đổi thêm những giọt nước và những dòng điện với sự an toàn của cả đồng bằng Bắc bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội - đó là nguyên tắc trong chỉ đạo xuyên suốt cả quá trình nghiên cứu, thiết kế đến thi công và nay là vận hành công trình Thủy điện Sơn La, cũng là cam kết trị thủy sông Đà!
Nấc thang cuối: Thủy điện Lai Châu
Giấc mơ trị thủy sông Đà đang dần hiển hiện, khi công trường Thủy điện Lai Châu với 3 tổ máy có tổng công suất 1.200 MW giờ đây cũng đang hừng hực khí thế thi đua, quyết tâm về đích đúng hẹn (khởi công ngày 5.1.2012, dự kiến phát điện tổ máy 1 năm 2016, hoàn thành công trình năm 2017). Ông Bùi Thức Khiết, tổ trưởng tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước các dự án thủy điện Sơn La và Lai Châu quả quyết, dù thi công ở Lai Châu khó khăn hơn ở Sơn La vì địa hình hiểm trở, mặt bằng thi công hẹp, nhưng Hòa Bình khi còn chưa có cơ giới hóa, sử dụng sức người để nổ mìn phá đá thành công được, đến Sơn La to rộng thế còn làm được thì Lai Châu với nhiều kinh nghiệm vừa làm được ở Sơn La không có cớ gì không về đích đúng hẹn được, nếu cũng có được một cơ chế chính sách đặc thù như của Sơn La.
Và những tự hào có thật
Mặc dù Đà Giang là một con sông hung hãn, nhưng câu chuyện vừa khởi công vừa ngăn dòng ở thủy điện Sơn La thì có thật, và người ta không chỉ ngợi ca về những con người dám nghĩ, dám làm, còn cả một cơ chế đặc thù chỉ riêng có ở Sơn La.
Sáng 2.12.2005, tại xã Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã chính thức phát lệnh khởi công công trình thủy điện Sơn La. Theo dự kiến khi đó, năm 2012 sẽ phát điện tổ máy số 1, năm 2015 hoàn thành toàn bộ công trình. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) đã mạnh dạn đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình theo kiểu “vừa khởi công vừa lấp dòng”, một công việc chưa có tiền lệ ở bất cứ công trình thủy điện nào. Cùng với rất nhiều những giải pháp táo bạo, mạo hiểm nhờ “cơ chế đặc thù” đã đẩy nhanh tiến độ phát điện tổ máy 1 vào năm 2010, hoàn thành công trình vào năm 2012, rút ngắn thời gian thi công 2 năm.
Theo tính toán, mỗi năm vượt tiến độ Nhà nước sẽ có thêm doanh thu 500 triệu USD và tiết kiệm hơn 50 triệu USD. 6 tổ máy với 2.400MW hoàn thành trước tiến độ không thể tính đơn giản bằng tiền. Điều trước tiên phải kể đến là việc bảo đảm cung cấp điện an toàn cho hệ thống; đồng thời, với tính cơ động cao của nhà máy thủy điện sẽ giúp cho việc điều độ hệ thống điện được tốt hơn. Và trong điều kiện các nguồn năng lượng sơ cấp không tái tạo đang ngày càng cạn kiệt, thì hồ chứa Sơn La không chỉ cho điện sạch, điện rẻ mà còn tiết kiệm được nước cho hạ du…
Nhưng có lẽ, trị thủy sông Đà, với thủy điện Sơn La, điều tự hào nhất là hầu như toàn bộ kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Tham gia xây dựng thủy điện Sơn La gồm 13 nhà thầu thành viên do Tổng công ty sông Đà làm tổng thầu; Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Trên công trường thường xuyên có 8.000 - 10.000 người làm việc, những lúc cao điểm có thể lên tới 15.000 người. Tổng cộng số lượt lao động trên công trình thế kỷ này khoảng 70.000 người, nhưng chuyên gia chỉ chưa đầy 100 người.
Theo daibieunhandan
Ý kiến góp ý: