Lần đầu tiên 13 Giám đốc Sở NN-PTNT cùng ngồi hiến kế phát triển vùng ĐBSCL
19/02/2021Ngày 18/2, tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL về định hướng nông nghiệp ĐBSCL.
Lập nhóm Zalo 13 Giám đốc Sở NN-PTNT khu vực ĐBSCL
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu ngắn gọn trước cuộc họp: “Bộ NN-PTNT rất cần nghe Giám đốc Sở NN-PTNT hiến kế”.
Đáp lại lời mời gọi của Thứ trưởng Lê Minh Hoan, lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL đều có sự chuẩn bị ý kiến từ trước cho cuộc họp này.
Đa số nêu lên những thành tựu của ngành nông nghiệp địa phương trong năm qua và những khó khăn trong thời gian tới.
Một số lãnh Sở NN-PTNT đề xuất các hiến kế cho vùng và ngành nông nghiệp cả nước như vấn đề HTX, liên kết vùng, xây dựng thương hiệu nông sản Việt…
Sau khi lắng nghe báo cáo, đề xuất và hiến kế từ Giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, Thứ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Chúng ta chuẩn bị tâm thế gì trong thời gian tới? Ngành nông nghiệp của ĐBSCL phải có chiến lược phát triển đồng bộ. Mục tiêu nông nghiệp là vừa chuẩn bị cho ngắn nhưng phải có tầm nhìn. Sứ mạng của chúng ta rất lớn. Phải có tầm nhìn chứ không bị cuốn vào những vụ việc sạt lở, khô hạn, giá cả…
13 Giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL ngồi đây cần phải có sự hợp tác, gắn kết. Chúng ta cần suy nghĩ lớn hơn chứ không quanh quẩn. Nông nghiệp 4.0 kéo theo nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số. Nhiệm vụ của chúng ta là giải mã và hiện thực hóa hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại…
Nói đến liên kết vùng, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Liên kết vùng quan trọng nhất là liên kết không gian kinh tế. Không gian kinh tế nông nghiệp của 13 tỉnh thành ĐBSCL là có những nông sản tương đồng.
Các đồng chí Giám đốc Sở NN-PTNT chính là những người bao quát không gian này. Hướng tới cần có bản tin đồng bằng về nông nghiệp ĐBSCL. Lập nhóm Zalo lãnh đạo Sở NN-PTNT 13 tỉnh ĐBSCL để chia sẻ thông tin.
Riêng đối với HTX dù còn khó khăn nhưng không còn con đường nào khác, phải phát triển kinh tế hợp tác. Phải kích hoạt đầu ra bằng cách giảm chi phí, bán giá trị chứ không phải bán giá cả.
"Ngồi lại với nhau như thế này là rất ý nghĩa"
Ngành nông nghiệp hàng năm họp liên tục từng mảng vấn đề. Tuy nhiên, các Giám đốc Sở NN-PTNT khu vực ĐBSCL ngồi lại với nhau như thế này là rất ý nghĩa và cần duy trì việc này. Chúng ta cần ngồi lại bàn những gì để làm được tốt hơn trong thời gian tới. Chúng ta suy nghĩ cái gì cho thời gian tới?
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Sau khi nghe Cục Trồng trọt báo cáo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam vui mừng cho biết: Giá lúa năm nay rất cao, vụ lúa đông xuân này khả năng tiêu thụ rất tốt.
Tuy nhiên, cơ cấu giống lúa cần phải suy nghĩ cho phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đối với trái cây, vùng ĐBSCL là chủ lực, nhưng thế mạnh đó đang bị ảnh hưởng bởi chất lượng và hạn mặn. Chúng ta cần suy nghĩ để sơ chế, chế biến sâu hơn các sản phẩm từ trái cây.
Lần đầu tiên có đầy đủ 13 Giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL
Lần đầu tiên có đầy đủ 13 Giám đốc Sở NN-PTNT đến tham dự nhân dịp đầu năm mới. Rất nhiều vấn đề đặt ra trong buổi trao đổi này như an ninh nguồn nước, phát triển HTX, OCOP, tái cơ cấu nông nghiệp.
Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đồng ý ĐBSCL nông nghiệp là thế mạnh, nhưng còn nhiều vấn đề trăn trở. ĐBSCL dựa vào nông nghiệp và cây lúa quá lâu làm cho thành quả còn hạn chế. Xu thế ngày nay vận động rất nhanh nên việc chuyển đổi phải tốc độ, nông nghiệp làm hạn chế. Cái bất lợi, hạn chế của nông nghiệp chúng ta cần cân nhắc để phát triển. Đầu tư vào nông nghiệp cần bám vào Nghị quyết 120, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình HTX hiện nay là cứu cánh
Mô hình HTX hiện nay là cứu cánh để giải quyết khó khăn. Muốn thành công thì phải HTX đa mục tiêu, HTX phải làm được nhóm dịch vụ nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các HTX thành công phải hài hòa được lợi ích. ĐBSCL chiếm 13% số lượng HTX trong cả nước, bình quân 69 người/HTX.
TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT II. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đồng Tháp có nhiều Nghị quyết để phát triển HTX nên địa phương phát triển rất mạnh. Mô hình Hội quán ở Đồng Tháp là một điển hình.
ĐBSCL cần đầu tư xây dựng các hồ nhân tạo để trữ nước
ĐBSCL hiện nay đang có 14 hệ thống thủy lợi được xây dựng. Lượng nước về ĐBSCL đang giảm rất rõ rệt nên phải thay đổi lại cơ cấu cây trồng và mùa vụ. Lượng phù sa thay đổi rất lớn và tình hình sạt lở phức tạp. ĐBSCL chủ yếu có hai nguồn nước đổ về là từ sông Mekong và biển hồ nhưng hiện nay rất ít. Chính vì vậy tình hình xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL ngày càng sâu hơn.
PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Định hướng để bảo vệ nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần đầu tư xây dựng các hồ nhân tạo để trữ nước. Quy hoạch sản xuất để giảm khai thác sử dụng nguồn nước ngọt quá mức. ĐBSCL với nhiều lợi thế so với các vùng khác nhưng đang bị tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, cần phải có tầm nhìn chiến lược để khai thác tối ưu lợi thế tự nhiên cho vùng đất này.
Thời gian tới cần khởi động lại nhóm lúa xuất khẩu
Vụ lúa đông xuân 2020-2021, đến giờ này cơ bản đã vượt qua được hạn mặn. Năng suất lúa bình quân khoảng 7 tấn/ha, có thể nói một năm năng suất đạt cao nhất. Hiện nay có 3 nhóm giống, nhóm dành cho chế biến, nhóm chất lượng cao và nhóm đặc sản. Theo dự báo, tình hình xuất khẩu gạo đang rất rộng nên không lo ngại giá lúa giảm.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Định hướng thời gian tới cần khởi động lại nhóm lúa xuất khẩu. Riêng về cây ăn trái có 5 loại phục vụ cho xuất khẩu. Định hướng, khi tổ chức sản xuất cần dự tính dự báo, phải có bản đồ số hóa. Mục đích cuối cùng phải gia tăng được giá trị sản phẩm.
Ý kiến góp ý: