Lễ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Bạch Vũ Hoàng Lan
25/07/2017 Luận án do 2 giảng viên hướng dẫn chính là PGS.TS. Tô Văn Lận và GS. Nguyễn Công Mẫn. Hội đồng Đánh giá luận án được thành lập theo Quyết định số 336/QĐ-VKHTLVN ngày 12/5/2017 của Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam gồm 7 thành viên do GS.TS Trần Thị Thanh (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) làm Chủ tịch Hội đồng; 3 Ủy viên phản biện là GS.TS Trịnh Minh Thụ (Đại học Thủy lợi); PGS.TS Nguyễn Minh Tâm (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM), PGS.TS. Lê Văn Nam (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM). Các thành viên Hội đồng khác là PGS.TS Nguyễn Thành Đạt (Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM); PGS.TS Võ Ngọc Hà (Đại học Tiền Giang); PGS.TS. Tô Văn Thanh (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam). Tham dự Lễ bảo vệ luận án có khoảng 40 đại biểu. Ngoài các thành viên Hội đồng chấm luận án, các thầy hướng dẫn luận án, còn có GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; TS. Phạm Hồng Cường, Phó trưởng Ban Tổ chức Hành chính; TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; các cán bộ chủ chốt, cán bộ khoa học, các nghiên cứu sinh của Viện; TS. Hoàng Bắc An, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và các cán bộ Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM (nơi công tác của nghiên cứu sinh), PGS.TS Võ Phán, Khoa Xây dựng Đại học Bách khoa TP.HCM; bạn bè, đồng nghiệp của nghiên cứu sinh, các nhà khoa học lĩnh vực Thủy lợi, Nền móng Địa kỹ thuật và các giảng viên sau đại học đang tham gia giảng dạy tại Viện. Một số kết quả khoa học chính của luận án: 1. Xây dựng các mô hình vật lý tỷ lệ nhỏ sử dụng trong thí nghiệm nén tĩnh cọc ở phòng và tại hiện trường; 2. Phân tích ảnh hưởng của hiệu ứng nhóm cọc từ thí nghiệm, thông qua: Hệ số nhóm; Tỷ số độ lún; Sự phân phối lực cho cọc trong nhóm; Cường độ sức kháng thành và kháng mũi giữa cọc và đất; 3. Ứng dụng lý thuyết hệ số tương tác trong phân tích hiệu ứng nhóm cọc; 4. Sử dụng phương pháp số mô phỏng số các bài toán nén tĩnh cọc bằng phần mềm Plaxis-3D để kiểm chứng các thí nghiệm. Xây dựng tương quan về tỷ số độ lún theo số cọc trong nhóm, bằng hàm mũ dạng R=anw Những đóng góp mới của Luận án: + Kết quả nghiên cứu luận án đã cho thấy trong nhóm cọc đài cứng, ảnh hưởng của hiệu ứng nhóm làm cho lực phân bố vào từng cọc không đồng đều: Tỷ lệ lực phân chia cho các cọc ở giữa nhóm là bé nhất và tăng dần ra với các cọc ở phía ngoài, kết quả này là do sự suy giảm cường độ sức kháng bên và sức kháng mũi của cọc trong nhóm so với giá trị tương ứng của cọc đơn. Giá trị cực đại của thành phần ma sát đơn vị và sức chống mũi đơn vị của các cọc trong nhóm không phải là hằng số, mà thay đổi phụ thuộc vào tác dụng tương hỗ giữa hệ cọc - đất; + Đề xuất công thức tính số mũ w trong công thức thực nghiệm để xác định tỷ số độ lún (Rs) của Fleming và cộng sự; + Đề xuất trình tự tính toán thay đổi chiều dài cọc trong nhóm, nhằm cải thiện khả năng làm việc của nhóm cọc thẳng đứng, có đài cứng, chịu lực nén dọc trục. Các báo cáo phản biện và ý kiến tổng hợp của các thành viên Hội đồng đánh giá luận án và các ý kiến chuyên gia đã ghi nhận tính cần thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của vấn đề nghiên cứu, ghi nhận một số kết quả mới của luận án, đồng thời cũng góp ý cụ thể về một số thiếu sót, hạn chế tồn tại của luận án cần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Với 6/6 phiếu đánh giá tán thành, Hội đồng Đánh giá luận án đã đánh giá cao kết quả luận án và dồng ý kiến nghị Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm thủ tục công nhận học vị tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành Địa kỹ thuật xây dựng cho nghiên cứu sinh Bạch Vũ Hoàng Lan theo quy chế đào tạo tiến sỹ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ luận án: Theo www.siwrr.org.vn
Ý kiến góp ý: