Lễ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Lê Văn Tuấn
24/04/2017Ngày 22/4/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án Tiến kỹ kỹ thuật (cấp Viện) cho nghiên cứu sinh Lê Văn Tuấn với đề tài “Nghiên cơ chế tác động để chỉnh trị đoạn sông cong gấp trong vùng chịu ảnh hưởng của thủy triều”.
Luận án thuộc chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã số 62 - 58 - 02 - 0. Luận án do 2 giảng viên hướng dẫn chính là PGS.TS. Hoàng Văn Huân và GS.TS Lương Phương Hậu.
Hội đồng Đánh giá luận án chính thức (cấp Viện) được thành lập theo Quyết định số 13/QĐ-VKHTLVN ngày 02/02/2017 của Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam gồm 7 thành viên do GS.TS Lê Mạnh Hùng (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) làm Chủ tịch Hội đồng; 3 Ủy viên phản biện là PGS.TS Nguyễn Bá Quỳ (Đại học Thủy lợi); PGS.TS Nguyễn Thống (Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh), PGS.TS. Phạm Thị Hương Lan ((Đại học Thủy lợi).
Tham dự Lễ bảo vệ luận án có hơn 30 đại biểu. Ngoài các thành viên Hội đồng chấm luận án, còn có PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện và lãnh đạo các Ban chức năng; TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và các thành viên Ban Giám đốc Viện; các cán bộ chủ chốt, cán bộ khoa học, các nghiên cứu sinh của Viện, lãnh đạo và cán bộ Viện Kỹ thuật Biển; bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của nghiên cứu sinh, các nhà khoa học lĩnh vực thủy lợi, môi trường như GS.TS Nguyễn Tất Đắc, PGS.TS Dương Văn Viện…
Một số kết quả khoa học chính của luận án:
1.Luận án đã nghiên cứu đặc trưng hình thái của các hệ thống sông vùng Đồng bằng Nam bộ (ĐBNB), chia các đoạn cong gấp ra 2 loại chính: Loại có hình chữ V và loại có hình chữ Ω. Các đoạn cong gấp tập trung nhiều ở vùng III (vùng Đông Nam Bộ) và vùng II (vùng hạ châu thổ sông Cửu Long), trên các sông vừa và nhỏ.
2. Luận án đã nghiên cứu xác lập các giá trị quan hệ hình thái mặt cắt ngang B /h của các kênh đào cắt sông và kênh đào nối sông trong 3 vùng nghiên cứu có mức độ ảnh hưởng thủy triều khác nhau ở ĐBNB. Kết quả này dùng để phục vụ cho thiết kế và tính toán biến hình kênh dẫn trong công trình chỉnh trị đoạn sông cong gấp theo hình thức cắt sông.
3. Luận án đề xuất biểu thức “lưu lượng khởi động” Qkđ bằng tích số giữa diện tích mặt cắt ngang lòng dẫn ngang mặt bãi với vận tốc khởi động của hạt bùn cát lòng dẫn d50. Đây là loại lưu lượng dùng trong thiết kế kênh đào cắt sông, nó có quan hệ hàm số với các kích thước B, h và V của kênh.
4.Luận án đề xuất chương trình tính toán thủy lực CASO-2015 dùng trong thiết kế và ước tính hiệu quả kỹ thuật của kênh đào cắt sông theo cơ chế kênh tắt và cơ chế kênh mồi. Chương trình phần mềm CASO- 2015 đơn giản, dễ ứng dụng, thích hợp cho giai đoạn lập quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi cho các dự án chỉnh trị đoạn sông cong gấp theo hướng cắt sông vùng ảnh hưởng triều vùng ĐBNB.
5. Luận án đã ứng dụng thành công chương trình phần mềm CASO- 2015 cho bài toán cắt sông bằng kênh mồi giả định cho đoạn sông Thanh Đa trên sông Sài Gòn.
Với 7/7 phiếu đánh giá tán thành, Hội đồng Đánh giá luận án đã nhất trí đề nghị Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm thủ tục công nhận học vị tiến sỹ kỹ thuật cho Nghiên cứu sinh Lê Văn Tuấn theo quy chế đào tạo tiến sỹ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(Xem thêm phần tóm tắt Luận án của NCS. Lê Văn Tuấn tại địa chỉ www.siwrr.org.vn, mục Đào tạo)
Theo siwrr.org.vn
Ý kiến góp ý: