Lễ Bảo vệ luận án tiến sỹ cấp Viện của NCS Hồ Việt Cường
03/02/2016Ngày 02/2/2016, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện cho NCS Hồ Việt Cường - Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển với đề tài “Nghiên cứu tác động của các hoạt động nạo vét khai thác cát đến sự biến đổi dòng chảy, bùn cát, lòng dẫn ở đoạn sông phân lạch trên sông Cửu Long”, chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã số: 62-58-02-02.
Theo NCS. Hồ Việt Cường, hiện nay trên các sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rất nhiều đoạn sông phân lạch, những biến đổi về dòng chảy và diễn biến hình thái của chúng đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới đời sống, môi trường của người dân trong vùng. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, biến động lòng dẫn và sự phát triển mạnh của lạch chính trên các đoạn sông này làm xói sâu lòng dẫn và thường xuyên gây sạt lở, nhiều nhà cửa, đường giao thông, công trình và cơ sở hạ tầng ven sông bị sụp đổ xuống sông và gây ra các thiệt hại. Ngược lại, trên các lạch phụ, hiện tượng bồi lấp và hình thành các cù lao, bãi nổi mới gây tắc nghẽn thoát lũ, cản trở giao thông thủy, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và về lâu dài có nguy cơ bị lấp lạch. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác cát trên sông ở Việt Nam nhất là khai thác cát ở các đoạn sông phân lạch đang diễn ra rất sôi động tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát tới chế độ thủy động lực dòng chảy, bùn cát để phục vụ cho việc chỉnh trị ổn định lâu dài đoạn sông phân lạch. Với yêu cầu của thực tiễn cần cần ổn định đoạn sông phân lạch, cũng như nhu cầu về khai thác cát để phục vụ các ngành kinh tế xã hội, NCS đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu tác động của các hoạt động nạo vét khai thác cát đến sự biến đổi dòng chảy, bùn cát, lòng dẫn ở đoạn sông phân lạch trên sông Cửu Long” với mục đích đóng góp một phần nào đó vào lĩnh vực chỉnh trị sông, cụ thể là khai thác cát kết hợp với nạo vét để chỉnh trị đoạn sông phân lạch ở vùng ĐBSCL. Mục đích nghiên cứu của luận án là nghiên cứu mối quan hệ giữa các đặc trưng dòng chảy, bùn cát và hình thái lòng dẫn của đoạn sông phân lạch đơn. Từ đó làm cơ sở khoa học cho việc định hướng các giải pháp chỉnh trị đoạn sông phân lạch đơn; Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động nạo vét khai thác cát đến chế độ thủy lực dòng chảy và diễn biến hình thái ở đoạn sông phân lạch đơn làm cơ sở đề xuất kỹ thuật nạo vét và khai thác cát hợp lý, hiệu quả và đảm bảo sự ổn định chung cho toàn đoạn sông. Luận án đã đạt được một số kết quả chính như: (1) Đã tổng hợp và phân tích tổng quan các kết quả nghiên cứu chính trong và ngoài nước về sông phân lạch và những nghiên cứu về ảnh hưởng tác động của các hoạt động khai thác cát đến chế độ dòng chảy và lòng dẫn của dòng sông. Làm rõ những hạn chế và tồn tại đối với các kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến đề tài luận án; (2). Đã tiến hành các phân tích lý luận và thiết lập được công thức tính tỷ lệ phân lưu dòng chảy cho đoạn sông phân lạch đơn phụ thuộc vào các yếu tố hình thái mặt cắt ngang, bán kính thủy lực và hệ số nhám của lòng dẫn 2 lạch. Đơn giản hóa và đề xuất các công thức xác định tỷ lệ phân lưu dòng chảy cho đoạn sông phân lạch đơn trên sông Cửu Long với độ chính xác tương đối, có thể sử dụng để tính toán sơ bộ tỷ lệ phân lưu hiện trạng hoặc xác định các thông số quy hoạch chỉnh trị, quy mô nạo vét và khai thác cát; (3). Đã xây dựng thành công một số quan hệ thực nghiệm giữa tỷ lệ phân lưu dòng chảy, tỷ lệ phân chia bùn cát với các yếu tố thủy lực, yếu tố hình thái lòng dẫn của đoạn sông phân lạch đơn trên sông Cửu Long trong điều kiện có xét đến ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát; (4). Đã phân tích và xác định được những tác động chính của việc nạo vét khai thác cát đến chế độ thủy lực dòng chảy và diễn biến lòng dẫn ở đoạn sông phân lạch và xây dựng được biểu đồ quan hệ đánh giá hiệu quả của việc nạo vét lòng dẫn để điều chỉnh tỷ lệ phân lưu dòng chảy vào lạch theo quy mô nạo vét khai thác cát; (5). Kết quả nghiên cứu của luận án đã được ứng dụng vào thực tế để tính toán các thông số chỉnh trị lòng dẫn và đề xuất giải pháp nạo vét kết hợp với khai thác cát hợp lý, đảm bảo duy trì sự ổn định lâu dài cho đoạn sông phân lạch đơn khu vực thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau khi nghe TS. Nguyễn Ngọc Nam - Thư ký Hội đồng đọc bản nhận xét của các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Cao Đẳng công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh; Các Cục, Vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... và nghe các ý kiến của các phản biện, thành viên trong Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công bố nghị quyết của Hội đồng chấm luận án tiễn sỹ cấp Viện của NCS. Hồ Việt Cường. Theo đó, Luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, có nhiều điểm mới; nội dung trình bày của luận án đáp ứng được yêu cầu đối với luận án tiến sỹ; nội dung của luận án có sự kế thừa, phát triển từ nhiều đề tài, dự án có liên quan có ý nghĩa góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc kết hợp, khai thác cát và nạo vét để chỉnh trị đoạn sông phân lạch ở đồng bằng sông Cửu Long; cấu trúc của luận án logic, hợp lý; các thông tin truyền tải trong luận án có giá trị và phong phú; sử dụng các phương pháp kế thừa và hiện đại hỗ trỡ cho kết quả tin cậy, bảo đảm; cách tiếp cận phù hợp với nội dung nghiên cứu; kết quả của luận án không trùng lặp với các công trình, luận văn, luận án đã công bố trong và ngoài nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghiên cứu sinh cần chỉnh sửa công trình công bố liên quan đến luận án, biểu đồ hình vẽ, trích dẫn, thuật ngữ chuyên môn, tài liệu tham khảo; làm rõ thêm tính khả thi của phương án khai thác kết hợp với nạo vét chỉnh trị đoạn sông; xem xét thêm điều kiện ảnh hưởng thủy triều ở khu vực nghiên cứu... Luận án đã đáp ứng được các tiêu chuẩn của một luận án tiến sỹ kỹ thuật. Hội đồng nhất trí với số phiếu tán thành 7/7 phiếu và đề nghị cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng Tiến sĩ kỹ thuật cho NCS Hồ Việt Cường.
Ý kiến góp ý: