Lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Đỗ Ngọc Ánh
15/12/2017Sáng ngày 30/11/2017, Cơ sở Đào tạo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Đỗ Ngọc Ánh với đề tài “Nghiên cứu một số đặc trưng thủy lực ở đập tràn có tường ngực biên cong”. Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Mã sô: 62.58.02.02.
Tham dự buổi lễ bảo vệ có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Trưởng Cơ sở Đào tạo của Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, các chuyên gia, nhà khoa học, các GS, PGS, TS thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy và các bạn bè, người thân của NCS…
TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phát biểu tại buổi lễ
PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Trưởng Cơ sở Đào tạo của Viện phát biểu tại buổi lễ
Theo NCS. Đỗ Ngọc Ánh cho biết, đập tràn có vai trò quan trọng hàng đầu trong đầu mối công trình thủy lợi, thủy điện, và liên tục được nghiên cứu, phát triển hoàn thiện cùng với trình độ phát triển của khoa học công nghệ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn sử dụng. Đập tràn thực dụng hình cong được sử dụng phổ biến nhất ở các công trình thuỷ lợi, thủy điện vừa và lớn với hai dạng mặt cắt thông dụng là mặt cắt Creager – Ophixerop và dạng WES.
Đập tràn thực dụng có tường ngực biên cong đã được ứng dụng trên thế giới , nó có những ưu điểm nổi bật như cho phép làm việc ở mức nước hồ lớn hơn, tăng dung tích phòng lũ, tháo lũ hồ chứa ở mức nước thấp, tối ưu hóa kích thước cửa van và thiết bị cơ khí, giảm giá thành xây dựng và có phạm vi ứng dụng rộng rãi với tất cả các loại đập tràn xây dựng mới, sửa chữa nâng cao an toàn và các hồ chứa có yêu cầu phòng lũ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu còn hạn chế nếu có cũng chỉ đề cập đến kích thước hình học, tính khả năng tháo hoặc giới thiệu một công trình cụ thể, NCS. Đỗ Ngọc Ánh nói thêm.
NCS cho rằng với hơn 7000 hồ đập ở Việt Nam với dung tích trên 37 tỷ m3 (có 675 đập lớn), có nhiều công trình cần sửa chữa nâng cấp và tương lai xây dựng những công trình phòng lũ có thể ứng dụng đập tràn có tường ngực biên cong nhưng chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về chế độ thuỷ lực cho loại đập tràn này.
Do vậy, nghiên cứu chế độ thuỷ lực đập tràn thực dụng có tường ngực biên cong, xác định các đặc trưng thuỷ lực của chúng để có thể đề xuất áp dụng thực tế theo NCS là vấn đề cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần xem xét đầy đủ và phong phú hơn về lĩnh vực thuỷ lực công trình tháo lũ.
Mục tiêu nghiên cứu của luận án nhằm làm rõ được đặc trưng về thủy lực của dòng chảy ở đập tràn thực dụng có tường ngực biên cong; Đề xuất được phương pháp, công thức, đồ thị xác định lưu lượng, vận tốc và áp suất dòng chảy ở đập tràn thực dụng có tường ngực biên cong.
Một số đóng góp mới của luận án có thể kể đến đó là xây dựng và đề xuất mới công thức và đồ thị tính hệ số lưu lượng cho đập tràn thực dụng có tường ngực biên cong; phạm vi cột nước làm việc H/D=1,6÷3,0; Xác định được hệ số lưu tốc để tính độ sâu mực nước trong trường hợp chảy có áp. Xây dựng và kiến nghị ứng dụng bảng tọa độ không thứ nguyên để tính đường mặt nước và vận tốc trên mặt tràn; Đề xuất phương pháp xác định hệ số giảm áp Cpmax để xác định áp suất nhỏ nhất ở phần chảy có áp trên đập tràn. Xây dựng các biểu đồ không thứ nguyên để tính áp suất trên mặt tràn ở đoạn chảy tự do. .
Ngoài ra, NCS. Đỗ Ngọc Ánh còn đưa ra một số kiến nghị và các hướng nghiên cứu tiếp theo như tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tính toán một số đặc trưng thủy lực với phạm vi cột nước làm việc lớn hơn, các vấn đề về mạch động vận tốc, áp suất, phễu xoáy và xâm thực, các loại đường cong mặt tràn khác; Nghiên cứu, xem xét điều kiện làm việc với bài toán không gian để xét đến các ảnh hưởng về hình dạng, kích thước; Nghiên cứu mô hình toán để ứng dụng nhằm tối ưu hóa các phương án thiết kế; giảm khối lượng, chi phí cho công tác nghiên cứu mô hình thực nghiệm.
Phát biểu tại buổi lễ bảo vệ, thay mặt Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa đã đọc Quyết nghị của Luận án. Theo Quyết nghị, ý nghĩa khoa học, kết quả nghiên cứu của luận án đã làm rõ hơn các đặc trưng thủy lực về khả năng tháo, đường mực nước, phân bổ áp suất của đập tràn có tường ngực biên cong cho 2 loại phổ biến nhất hiện nay Creager - Ophixerop và WES; kết quả nghiên cứu của luận án có thể phục vụ cho công tác thiết kế xây dựng các CTTL thủy điện mới, đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi, thủy điện đã xây dựng; các cơ quan quản lý, đầu tư xây dựng, các đơn vị tư vấn thiết kế… có thể tham khảo, sử dụng kết quả nghiên cứu của Luận án về xác định hệ số lưu lượng, hệ số lưu tốc và hệ số giảm áp trong quá trình phê duyệt, thẩm định, tính toán, lựa chọn hình dạng kích thước dạng Creager – Ophixerop và WES với các điều kiện áp dụng phù hợp.
Cũng theo Quyết nghị của Hội đồng chấm luận án, luận án dựa trên các phương pháp nghiên cứu phù hợp, các kết quả nghiên cứu, những luận điểm, kết luận và các đóng góp mới của luận án đưa ra được dựa trên các phương pháp có cơ sở khoa học, độ tin cậy, phù hợp với đối tượng và phạm vi nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu mới của NCS không có sự trùng lặp với các nghiên cứu khác đã công bố trước đây.
Về việc chỉnh sửa lại luận án trước khi nộp cho Thư viện Quốc gia, Hội đồng yêu cầu NCS cần chỉnh sửa lỗi chính tả, in ấn, đơn vị đo, tài liệu tham khảo, trích dẫn, hình vẽ; giải thích và bổ sung đầy đủ các ký hiệu trong hình vẽ; làm rõ hơn phạm vi điều kiện áp dụng của các kết quả nghiên cứu cũng như những tồn tại của luận án; chỉnh sửa kết luận của các Chương, kết luận và kiến nghị của luận án để làm nổi bật các kết quả nghiên cứu cũng như các đóng góp mới của luận án…
Vố số phiếu tán thành 7/7 phiếu đồng ý thông qua Luận án TSKT, Hội đồng kiến nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công nhận tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã sô: 62.58.02.02 và cấp bằng Tiến sỹ kỹ thuật cho NCS. Đỗ Ngọc Ánh.
Ý kiến góp ý: