Lễ bảo vệ luận án tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Nguyễn Đức Việt
12/09/2017Ngày 09/9/2017, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi lễ bảo vệ luận án Tiễn sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Nguyễn Đức Việt với đề tài “Nghiên cứu xây dựng phương pháp hỗ trợ phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho các tổ chức thủy lợi cơ sở tại vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp”. Mã số: 62 58 02 12
Tham dự lễ bảo vệ có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Trưởng Cơ sở Đào tạo của Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện , PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính, TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc chuyên ngành kỹ thuật tài nguyên nước và các bạn bè, người thân của NCS…
TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phát biểu và công bố quyết định thành lập Hội đồng
Theo báo cáo của NCS, hệ thống thủy lợi Quản Lộ-Phụng Hiệp hiện có hơn 350 lao động đang trực tiếp tham gia quản lý, khai thác các CTTL thủy lợi đầu mối, tính trung bình 01 nhân viên thủy lợi quản lý khoảng 65 km kênh mương các cấp; trong đó, kênh trục chính, kênh cấp 1 và cấp 2 lần lượt là 7; 22 và 36 km; thêm nữa, các CTTL thường nằm trên địa bàn rộng, trải từ tỉnh này sang tỉnh khác, huyện này sang huyện khác.
Quản Lộ-Phụng Hiệp là một trong 05 vùng có hệ thống thủy lợi (HTTL) lớn nhất ở ĐBSCL phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 280.000 ha và 430.000 người sử dụng nước và nguồn nước chủ yếu từ các nhánh sông của hạ lưu sông Mê Kông. Toàn hệ thống có hơn 100 km kênh trục chính, 426 km kênh cấp 1, 28 cống ngăn mặn-giữ ngọt và hàng nghìn trạm bơm (điện, dầu) các loại. |
Do không đủ nhân lực quản lý và thiếu sự tham gia của các tổ chức thủy lợi cơ sở dẫn đến nhiều CTTL tại vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp hiện không có chủ thể quản lý thực sự. Hậu quả, nhiều CTTL đang bị xuống cấp dẫn đến việc lãng phí, thất thoát nguồn nước tưới nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình BĐKH và nước biển dâng đang tác động ngày càng lớn đến vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp.
Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác CTTL hiện có, bên cạnh các giải pháp công trình thì một giải pháp phi công trình đã được nhiều chuyên gia tưới quốc tế khuyến nghị thực hiện tại HTTL Quản Lộ-Phụng Hiệp là cần thiết phải đẩy nhanh quá trình phân cấp quản lý, khai thác CTTL các tổ chức thủy lợi cơ sở, NCS. Nguyễn Đức Việt cho biết.
Tại HTTL Quản Lộ-Phụng Hiệp, đề xuất phân cấp quản lý, khai thác CTTL cho các tổ chức thủy lợi cơ sở được áp dụng chủ yếu theo Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT như diện tích (km2, hecta), loại hình công trình (kênh, cống, trạm bơm, v.v.) hoặc cấp công trình (cấp 1,2, 3 hoặc nội đồng). Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện IMT theo đề xuất phân cấp như chưa phù hợp với đặc thù CTTL của vùng; chưa tính đến các yếu tố thị trường; chưa thúc đẩy được xã hội hóa thủy lợi; chưa thực sự hiệu quả và bền vững.
Theo NCS, nguyên nhân đó là do những tiêu chí phân cấp còn khá cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt nên rất khó phù hợp để áp dụng cho những HTTL còn thiếu các tổ chức quản lý, khai thác thuỷ lợi như Quản Lộ-Phụng Hiệp.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, NCS cho rằng cần thiết phải nghiên cứu xây dựng một phương pháp hỗ trợ phân cấp quản lý, khai thác CTTL cho các tổ chức thủy lợi cơ sở tại HTTL Quản Lộ-Phụng Hiệp.
Theo hướng tiếp cận khác với những nghiên cứu đã có, luận án đề xuất 01 tiêu chí phân cấp là nhận thức về CTTL của nguời sử dụng nước làm nền tảng, kết hợp cùng các bộ chỉ số và thuật toán để xây dựng và hoàn chỉnh nên 01 phương pháp hỗ trợ phân cấp quản lý, khai thác CTTL cho các tổ chức thủy lợi cơ sở.
Mục đích nghiên cứu của luận án đó là Nghiên cứu đề xuất phương pháp hỗ trợ phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho các tổ chức thủy lợi cơ sở tại hệ thống thủy lợi liên tỉnh Quản Lộ-Phụng Hiệp.
Sau một thời gian triển khai, nghiên cứu đã hoàn thiện một phương pháp hỗ trợ phân cấp quản lý, khai thác CTTL cho các tổ chức thủy lợi cơ sở tại HTTL Quản Lộ-Phụng Hiệp đáp ứng theo yêu cầu của 01 phương pháp khoa học mới gồm các nội dung chính như: (1) Về phương pháp luận, tiêu chí nhận thức được lựa chọn để trở thành một tiêu chí mới để nghiên cứu thực hiện phân cấp bên cạnh những tiêu chí đã có như cấp CTTL, diện tích tưới, tiêu, địa giới hành chính, số điểm lấy nước… ; (2) Về phương pháp tiếp cận, căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nghiên cứu đã lựa chọn hướng tiếp cận từ dưới-lên để thực hiện đề xuất phân cấp tại HTTL Quản Lộ-Phụng Hiệp, theo đó, một quy trình tổng thể tổ hợp các phương pháp bộ chỉ số và thuật toán được để xuất.; (3) Về phương pháp cụ thể: Ứng dụng thuật toán lý thuyết thoả dụng tập mờ chuyển 6 hàm mục tiêu đơn lẻ trên thành 01 hàm đa mục tiêu (đa biến) với một số điều kiện ràng buộc theo các đặc trưng của HTTL Quản Lộ-Phụng Hiệp. áp dụng thuật toán đơn hình được tích hợp sẵn trong phần mềm MATLAB R2015a và phần mềm giải toán theo lý thuyết thoả dụng tập mờ MULTIOPT 2.0 đưa ra 03 kịch bản tối ưu làm cơ sở thực hiện đề xuất phân cấp.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích khám phá theo phương pháp hỗ trợ phân cấp cũng trả lời 02 giả thuyết nghiên cứu đó là (1) Hiệu quả khai thác CTTL phụ thuộc vào nhận thức về CTTL của người sử dụng nước, thể hiện qua chỉ số Pearson (r) từ 0,65-0,7, nghĩa là có khoảng 65-70% sự biến động của một chỉ số hiệu quả khai thác CTTL được giải thích bằng các chỉ số nhận thức về CTTL của người sử dụng nước; (2) Giá trị hiệu quả khai thác CTTL (Xi) tỉ lệ thuận với nhận thức về CTTL của NSDN (Y), khi các giá trị Xi tăng thì giá trị tổng fval (Y) cũng tăng lên và ngược lại.
Sau khi nghe nhận xét và nghe các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng, các chuyên gia, các nhà khoa học có mặt tại buổi lễ bảo vệ, Hội đồng đã bỏ phiếu kín.
Thay mặt Hội đồng chấm luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Đức Việt, PGS.TS. Nguyễn Thế Quảng - Chủ tịch Hội đồng đã đọc Nghị quyết luận án. Theo đó, luận án đã đóng góp thêm phương pháp luận khoa học trong việc hỗ trợ phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi, ứng dụng phương pháp trên vào hệ thống thủy lợi hiện có; đã xây dựng được phương pháp luận nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi; hoàn thiện bộ chỉ số của người sử dụng nước về công trình thủy lợi và hiệu quả quản lý hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp với hệ số Pearson có độ tin cậy; phương pháp tiếp cận của luận án phù hợp với nội dung và đối tượng nghiên cứu là quản trị hệ thống thủy lợi và các định hướng nghiên cứu; việc phân tích thiết lập bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi là hợp lý và logic, đảm bảo tính hệ thống.
Luận án được trình bày với kết cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu của một luận án Tiến sỹ theo quy chế đào tạo sau đại học hiện hành, bản tóm tắt phản ánh trung thực nội dung của luận án.
Bên cạnh đó, NCS cần khắc phục một số sai sót liên quan đến diễn giải công thức tính toán thống kê; hoàn thiện nghiên cứu tổng quan của luận án trên cơ sở tập trung lý giải cho vấn đề nghiên cứu của luận án; xem xét chỉnh sửa tiêu đề các Chương cho phù hợp với nội dung của luận án; chỉnh sửa lỗi chính tả, tài liệu tham khảo; tiếp thu và giải trình các ý kiến khác nhau của thành viên Hội đồng để chỉnh sửa luận án.
Hội đồng đã tiến hành đánh giá luận án thông qua bỏ phiếu kín. Kết quả đánh giá 7/7 phiếu tán thành trong đó có 2 phiếu xuất sắc
Hội đồng chấm luận án thống nhất đánh giá NCS. Nguyễn Đức Việt đáp ứng đủ yêu cầu và trình độ của một tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành kỹ thuật tài nguyên nước. Hội đồng đề nghị Viện công nhận và cấp bằng tiến sỹ cấp Viện cho NCS Nguyễn Đức Việt.
Hội đồng nhất trí 100% thông qua nghị quyết.
Phát biểu tại lễ bảo vệ, thay mặt cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trưởng cơ sở đào tạo PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng đã làm việc rất công minh và chính xác, đóng góp những ý kiến sâu sắc đánh giá luận án TS của nghiên cứu sinh Nguyễn Đức Việt.
Trưởng cơ sở đào tạo Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt cũng gửi lời chúc mừng đến NCS đã có được sự đánh giá tốt của Hội đồng trong đó có 02 phiếu xuất sắc, đến 02 thầy hướng dẫn đã hướng dẫn nghiên cứu sinh có bản luận án có hàm lượng khoa học và tính thực tiễn cao, đếnTổng cục Thủy lợi (đơn vị quản lý và sử dụng NCS) có thêm 01 Tiến sỹ vừa là nhà quản lý, vừa là nhà khoa học và gửi lời chúc mừng đến gia đình của NCS. Nguyễn Đức Việt.
“Về phía Viện rất tự hào vì đã đào tạo những nghiên cứu sinh nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bộ, ngành và đất nước và đây chính là một trong chức năng nhiệm vụ chính của Viện”.
Ý kiến góp ý: