Lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS Nguyễn Thành Lệ
16/08/2017Ngày 15/8/2017, Cơ sở Đào tạo của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Nguyễn Thành Lệ với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết đến một số tính chất cơ lý của bê tông đầm lăn sử dụng cho đập trọng lực“. Chuyên nghành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Mã Số: 62 58 02 02
Tham dự buổi lễ bảo vệ có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Trưởng Cơ sở Đào tạo của Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính, TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy và các bạn bè, người thân của NCS… Ngoài ra còn có Ông Vũ Xuân Thủy - Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Hội đồng đánh giá luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Thành Lệ do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện làm Chủ tịch Hội đồng. TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phát biểu và công bố quyết định thành lập Hội đồng PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Trưởng Cơ sở Đào tạo của Viện - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại buổi lễ Báo cáo kết quả của luận án trước Hội đồng, NCS. Nguyễn Thành Lệ cho biết sự ra đời và phát triển bê tông đầm lăn (BTĐL) thi công đập trọng lực là bước phát triển đột phá do sử dụng ít xi măng nên tỏa nhiệt trong khối bê tông thấp, tốc độ thi công nhanh, sử dụng phế thải và vật liệu địa phương... Đến nay, Việt Nam đã thi công xong và tích nước khoảng17 đập BTĐL và có nhiều đập đang và chuẩn bị thi công. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quốc về phân loại và lựa chọn sử dụng phụ gia hóa học hóa dẻo chậm đông kết (HK), một thành phần quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng BTĐL trong thi công. Việc sử dụng phụ gia HK cho phép duy trì tính công tác, kéo thời gian đông kết BTĐL để thi công liên tục giúp giảm thiểu các khe lạnh, tăng tốc độ thi công, nâng cao chất lượng và khả năngchống thấm đập BTĐL. Xuất phát từ vấn đề trên, đề tài luận án giải quyết là“Nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết đến một số tính chất cơ lý của bê tông đầm lăn sử dụng cho đập trọng lực”. Mục đích nghiên cứu của đề tài luận án nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia HK đến một số tính chất cơ lý của BTĐL sử dụng cho đập BTĐL trọng lực. Từ đó đưa ra khuyến cáo sử dụng từng loại phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết đối với từng yêu cầu cụ thể. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài luận án là một số tính chất BTĐL dùng cho xây dựng đập khi có mặt phụ gia HK trong thành phần cấp phối và nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia HK (TM25 của hãng Sika, Rheoplus 26 RCC của hãng BASF, ADVA 181 của hãng GRACE) đến một số tính chất cơ lý của BTĐL dùng cho xây dựng đập. Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, NCS. Nguyễn Thành Lệ cho biết: luận án đã xác định được ảnh hưởng của ba loại phụ gia đại diện cho ba thế hệ phụ gia hoá dẻo kéo dài thời gian đông kết đến các tính chất cơ lý cơ bản của BTĐL gồm tính công tác, thời gian bắt đầu và kết thúc đông kết, cường độ kháng kéo, nén, tính chống thấm của BTĐL; cung cấp cơ sở khoa học cho việc lựa chọn loại và lượng phụ gia hoá dẻo kéo dài thời gian đông kết phù hợp với từng yêu cầu cụ thể về chất lượng và tốc độ lên đập; đã lựa chọn được các loại và lượng dung thích hợp phụ gia HK cho BTĐL đập, phân loại theo mức độ. Lượng dùng hợp lý của phụ gia TM25 là 2,0 của Rheoplus 26 RCC (A1) là 1,2, của ADVA 181 là 0,8 lít/100 cho 100kg CKD; chỉ ra được phụ gia HK ảnh hưởng tới thời gian thi công đầm nén lớp trên để BTĐL lớp dưới không bị giảm cường độ nén và đưa ra được thời điểm thi công đầm nén phù hợp cho thi công đập cho 03 loại phụ giaddos là phụ gia TM25, Rheoplus 26 RCC (A1) và phụ gia ADVA181; Phụ gia HK trong thành phần cấp phối BTĐL làm giảm lượng dung xi măng, từ đó làm giảm nhiệt trong BTĐL: phụ gia TM 25 giảm được 0,9 oC; phụ gia Rheoplus 26 RCC (A1) giảm được 2,3 oC; phụ gia TM 25 giảm được 4,7oC; Thí nghiệm tại hiện trường 70 m3 BTĐL M20B6R90 sử dụng Rheoplus 26 RCC.Chọn được thời điểm đầm nén thích hợp:Đầm nén BTĐL trước kết thúc đông kết không làm ảnh hưởng đến các tính chất cơ lý của bê tông đầm lăn;sau khi kết thúc đông kết đến khi BTĐL đạt cường độ nén đạt khoảng 3 MPa làm ảnh hưởng xấu đến các tính chất cơ lý của bê tông đầm lăn;sau khi BTĐL đạt cường độ nén đạt 3 MPa không làm ảnh hưởng đến cường độ nén và khả năng chống thấm nước của BTĐL. Sau khi nghe nhận xét và nghe các ý kiến của các thành viên phản biện, các thành viên trong Hội đồng, các chuyên gia, các nhà khoa học có mặt tại buổi lễ bảo vệ, Hội đồng đã bỏ phiếu kín. Thay mặt Hội đồng, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện đã đọc Quyết nghị luận án. Theo đó, luận án đã góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại trong việc sử dụng phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết của bê tông đầm lăn, góp phần bổ sung cho lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng; kết quả nghiên cứu giải quyết được những vấn đề rất cần thiết trong ngành thủy lợi, ứng dụng thực tế cho các công trhìn xây dựng đập bê tông đầm lăn, làm căn cứ để xây dựng các quy trình thi công bê tông đầm lăn có sử dụng phụ gia hóa dẻo; luận án có 2 đóng góp mới đã làm rõ quy luật ảnh hưởng của các loại phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết đến một số tính chất cơ lý của bê tông đầm lăn làm cơ sở cho việc xác định sử dụng hợp lý từng loại phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết của bê tông đầm lăn; kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng để lựa chọn công nghệ thích hợp thi công bê tông đầm lăn cho đập trọng lực; đã sử dụng phương pháp nghiên cứu hợp lý, ngoài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm; ứng dụng thi công thử nghiệm tại hiện trường tại Quảng Ngãi để kiểm chứng tính khả thi của kết quả nghiên cứu; những luận điểm và kết luận của luận án có cơ sở khoa học và đảm bảo độ tin cậy. Cũng theo Quyết Nghị, Luận án cần phải chỉnh sửa phần tổng quan,phân tích kết quả nghiên cứu sử dụng phụ gia hóa dẻo bê tôgn đầm lăn, cần so sánh kết quả nghiên cứu của luận án với các kết quả nghiên cứu tương tự của các tác giả nghiên cứu khác, phân tích rõ trong điều kiện nào sử dụng phụ gia hóa dẻo thế hệ 1, 2, 3 để phục vụ cho việc ứng dụng phụ gia hóa dẻo rộng rãi hơn, một số thí nghiệm cần được mô tả phân tích rõ hơn, cần chỉnh sửa phần kết luận để làm nổi bật các kết quả nghiên cứu của luận án, hình vẽ, bảng biểu, tài liệu tham khảo… Hội đồng nhất trí Luận án đã thực hiện khối lượng nghiên cứu đạt yêu cầu, nội dung phong phú, phương pháp nghiên cứu phù hợp, có độ tin cậy, kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Hội đồng đánh giá luận án đáp ứng yêu cầu của luận án tiến sỹ kỹ thuật. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu NCS cần bổ sung và hoàn thiện luận án theo ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng trước khi nộp cho Thư viện Quốc gia. Kết quả cuối cùng với 7/7 phiếu tán thành trong đó có 1 phiếu xuất sắc, Hội đồng kết luận luận án đáp ứng được yêu cầu cơ bản về nội dung, hình thức của một luận án TS kỹ thuật chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy và đề nghị Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công nhận học vị Tiến sỹ kỹ thuật cho NCS. Nguyễn Thành Lệ.
Ý kiến góp ý: