Lễ bảo vệ luận án tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Nguyễn Tuấn Anh
26/11/2018Ngày 22/11/2018, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi lễ bảo vệ luận án Tiễn sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Nguyễn Tuấn Anh với đề tài “Nghiên cứu tác dụng giảm sóng của rừng cây ngập mặn ven biển Bắc Bộ phục vụ quy hoạch và thiết kế đê biển”. Mã số: 62 58 02 02.
Tham dự lễ bảo vệ có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy và bạn bè, người thân của NCS… Về phía khách mời có Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cán bộ thuộc Vụ nơi NCS. Nguyễn Tuấn Anh đang công tác. Ngoài ra còn có Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện cơ quan quản lý đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hội đồng đánh giá luận án do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện làm chủ tịch Hội đồng. Báo cáo Luận án trước Hội đồng, NCS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết Việt Nam với chiều dài hơn 3260km bờ biển thuộc 28 tỉnh, thành phố và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là nơi thường xuyên chịu tác động bất lợi từ thiên nhiên như sóng, gió, tố, lốc, nước biển dâng, sạt lở… Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm đa dạng các giải pháp giảm thiểu tác động của các yếu tố động lực đến bờ biển và công trình xây dựng ven bờ biển. Tuy vậy, trong một số trường hợp đối với các giải pháp công trình mang lại hiệu quả ngay sau khi xây dựng nhưng chưa thật sự bền vững thậm chí gây lãng phí. NCS. Nguyễn Tuấn Anh cho rằng giải pháp phi công trình tuy phạm vi áp dụng hẹp hơn, phát huy hiệu quả chậm hơn nhưng hiệu quả tổng hợp cao hơn, tính bền vững cao hơn. Do vậy, nghiên cứu về cơ chế giảm sóng và quá trình lan truyền sóng qua rừng ngập mặn làm cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp đồng bộ giảm thiểu tác động của sóng đến các công trình bảo vệ bờ biển có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi Việt Nam phải thường xuyên đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài Luận án nhằm nghiên cứu tương tác giữa sóng ven bờ biển và rừng ngập mặn nhằm đánh giá xu thế và xây dựng được quan hệ thực nghiệm xác định hệ số cản tổng hợp và công thức bán thực nghiệm xác định chiều cao sóng lan truyền trên bãi có rừng ngập mặn. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, NCS đã thực hiện triển khai tổng quan về các thành tựu trong nước và thế giới về rừng ngập mặn và tác dụng giảm sóng của rừng ngập mặn, phân tích các tồn tại và đặt vấn đề nghiên cứu cho Luận án; nghiên cứu cơ sở lý thuyết về rừng ngập mặn, các yếu tố động lực ven bờ và tác dụng giảm sóng của rừng ngập mặn, đánh giá các điều kiện tự nhiên đặc thù vùng bờ biển khu vực nghiên cứu; Sử dụng mô hình toán để đánh giá xu thế và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố chi phối đến hiệu quả giảm sóng của rừng ngập mặn; thiết kế, xây dựng mô hình, kịch bản và thực hiện các thí nghiệm trên mô hình vật lý máng sóng về mối tương tác qua lại giữa các yếu tố động lực ven bờ với các đặc điểm, cấu trúc của rừng ngập mặn; nghiên cứu xây dựng công thức thực nghiệm về tác dụng giảm sóng của rừng ngập mặn có gắn với điều kiện tự nhiên vùng bờ biển khu vực nghiên cứu; vận dụng kết quả nghiên cứu để đề xuất quy trình và phương pháp tính toán thiết kế rừng ngập mặn giảm sóng bảo vệ đê biển; áp dụng tính toán thiết kế rừng ngập mặn giảm sóng cho đoạn đê biển lựa chọn thuộc huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định. Một số đóng góp mới của Luận án có thể kể đến đó là đã lượng hóa được ảnh hưởng của các tham số chính chi phối đến hiệu quả giảm sóng của rừng ngập mặn đặc biệt các yếu tố về sóng, mực nước và cây ngập mặn mang tính đặc thù về điều kiện tự nhiên vùng bờ biển Thái Bình, Nam Định; Đề xuất được 02 phương án và quy trình tính toán, thiết kế đai trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển, giải quyết vấn đề vướng mắc trong thực tiễn bảo vệ đê biển, bờ biển ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Luận án có thể tham khảo khi thiết kế rừng ngập mặn giảm sóng. Sau khi nghe NCS. Nguyễn Tuấn Anh trình bày tóm tắt kết quả luận án và trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng cũng như các khách mời tham dự, Hội đồng chấm luận án đã họp và bỏ phiếu. Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện kết luận: Luận án có khối lượng lớn, nội dung đầy đủ, đảm bảo yêu cầu của một luận án tiến sĩ kỹ thuật; Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu hiện đại và tin cậy; Có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn; Các kết quả nghiên cứu của luận án là mới, chưa tìm thấy có sự trùng lặp với các nghiên cứu đã công bố trong, ngoài nước; Các kết quả NC góp phần hoàn thiện và phong phú hơn các nghiên cứu về giải pháp bảo vệ bờ biển, RNM, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác có liên quan; Cơ sở khoa học và các kết quả nghiên cứu của luận án là cơ sở để các cơ quan quản nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp làm tài liệu tham khảo trong quy hoạch và thiết kế RNM nói riêng và bảo vệ đê biển vùng Bắc Bộ nói chung; Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhà khoa học quan tâm có thể tham khảo về phương pháp luận, công cụ, số liệu và kết quả nghiên cứu của luận án cho công tác đào tạo và các nghiên cứu tiếp theo. Về những điểm bổ sung, sửa chữa trước khi nộp luận án cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện yêu cầu NCS. Nguyễn Tuấn Anh cần Tiếp thu, hoàn thiện về nội dung, hình thức luận án theo như những ý kiến nhận xét, những góp ý của thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, trong đó cần bổ sung, sửa chữa một số nội dung như: Làm rõ các các điều kiện biên, kết quả mô hình toán và giới hạn của thí nghiệm MHVL, phạm vi ứng dụng của các công thức mà luận án đã xây dựng; chính xác hóa các số liệu, công thức tính toán; Bổ sung làm rõ ứng dụng kết quả luận án vào công tác quy hoạch và thiết kế đê biển; sửa chữa các lỗi chính tả, thuật ngữ chuyên môn, trích dẫn tài liệu thao khảo, hình vẽ… Kết quả bỏ phiếu đánh giá luận án của Hội đồng với 7/7 phiếu tán thành. Hội đồng kiến nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam công nhận trình độ tiến sỹ kỹ thuật, chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã số 9 58 02 02 và cấp bằng tiến sỹ kỹ thuật cho NCS. Nguyễn Tuấn Anh.
Ý kiến góp ý: