TextBody
Huy chương 2

Lễ bảo vệ luận án tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện của NCS. Nguyễn Chí Thanh

15/05/2017

Ngày 12/5/2017, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sỹ kỹ thuật (cấp Viện) cho NCS. Nguyễn Chí Thanh với đề tài “Nghiên cứu gia cường kết cấu bê tông cốt thép bằng tấm composite - ứng dụng cho công trình thủy lợi. Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Mã số: 62-58-02-02.

Tham dự lễ bảo vệ luận án có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng chấm luận án; TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính, TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; các cán bộ khoa học quan tâm, người thân và bạn bè của NCS.

TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phụ trách công tác đào tạo
tuyên bố lý do, công bố quyết định thành lập Hội đồng và giới thiệu đại biểu

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu

Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu

Theo NCS. Nguyễn Chí Thanh trong kết cấu công trình thủy lợi, sự xâm thực của môi trường đã làm cho nhiều công trình có kết cấu bằng bê tông cốt thép xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo tuổi thọ thiết kế. Ngoài ra, những thay đổi do yêu cầu sử dụng thường có xu hướng bất lợi đối với kết cấu công trình hiện hữu đòi hỏi việc thực hiện các giải pháp sửa chữa, nâng cấp hoặc thậm chí thay mới kết cấu công trình. Việc nghiên cứu các giải pháp công nghệ sửa chữa, gia cường để duy trì và phục hồi sự làm việc bình thường của kết cấu công trình thủy lợi bằng bê tông cốt thép là một yêu cầu cấp thiết.

Gần đây, ở nước ta bắt đầu tiếp cận một giải pháp gia cường kết cấu công trình bê tông cốt thép bằng tấm vật liệu composite sợi các bon, thủy tinh và aramid. Tuy nhiên, NCS cho rằng việc nghiên cứu về giải pháp gia cường phụ thuộc vào tình trạng chịu lực, tình trạng phá hủy của kết cấu.

Nghiên cứu về ứng xử của kết cấu sau khi gia cường vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là về các trạng thái phá hủy của kết cấu mới thường đột ngột nên việc kiểm soát ứng xử của kết cấu vẫn còn là một thách thức, NCS cho biết thêm.

Do vậy, NCS cho rằng việc xác định ứng xử của hệ thống kết cấu trước và sau khi gia cường dưới tác dụng của tải trọng cũng như sức chịu tải của nó là rất cần thiết, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn mức độ và phương án gia cường mà còn giúp việc quản lý khai thác được hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế

Mục đích nghiên cứu của luận án nhằm nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu bê tông cốt thép được gia cường bằng tấm composite ứng dụng cho công trình thủy lợi. Đề xuất cơ sở cho việc xây dựng quy trình và phương pháp tính toán thiết kế gia cường kết cấu bê tông cốt thép bằng tấm composite.

Luận án qua quá trình triển khai nghiên cứu đã có một số đóng góp mới như: (1) Xây dựng được quan hệ giữa khả năng chịu lực của kết cấu (chuyển vị và tải trọng giới hạn) với mức độ gia cường khác nhau, xây dựng quan hệ giữa khả năng chịu lực của kết cấu gia cường với các tham số ảnh hưởng như: cường độ bê tông, hàm lượng cốt thép và chiều dày lớp bê tông bảo vệ; (2) Đề xuất công thức tính toán sức kháng cắt có xét tới khoảng cách đoạn không gia cường cho kết cấu dạng tấm bản không cốt đai và công thức này cho phép quyết định phạm vi gia cường nhanh chóng và đơn giản hơn các công thức hiện có; (3) Ứng dụng kết quả nghiên cứu để gia cường kết cấu cho cống dưới đập hồ Liệt Sơn, thi công trong điều kiện ẩm ướt, cường độ của bê tông thấp. Luận án đã đề xuất các khuyến cáo kỹ thuật phục vụ cho việc xây dựng quy trình và phương pháp tính toán thiết kế gia cường kết cấu bê tông cốt thép bằng tấm composite ứng dụng cho công trình thủy lợi.

Sau khi nghe các phản biện đọc nhận xét; thư ký khoa học hội đồng đọc bản tổng hợp nhận xét của các thành viên Hội đồng, tập thể cá nhân; các ý kiến của các thành viên Hội đồng, NCS trả lời các câu hỏi của thành viên Hội đồng, đại diện thầy giáo hướng dẫn phát biểu, Hội đồng đã họp riêng thảo luận đánh giá bỏ phiếu.

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã công bố Quyết nghị của Hội đồng.

Theo Quyết nghị, kết quả nghiên cứu của luận án đã bổ sung, củng cố thêm cơ sở lý luận, cơ sở khoa học về phương pháp tính toán kết cấu, ứng xử của kết cấu bê tông cốt thép khi gia cường bằng vật liệu composite; kết quả nghiên cứu đã chứng minh được hiệu quả gia cường vật liệu composite đối với một số kết cấu bê tông cốt thép trong công trình thủy lợi với các đặc trưng trong điều kiện làm việc khác biệt, thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt làm cơ sở áp dụng vào thực tế để gia cường khả năng chịu lực cho bê tông cốt thép trong công trình thủy lợi. Luận án có 03 đóng góp mới, đã thực hiện khối lượng nghiên cứu lớn, nội dung phong phú, phương pháp nghiên cứu thí nghiệm phù hợp, tin cậy, hiện đại; kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Bên cạnh đó, Quyết nghị cũng nêu rõ luận án cần giới hạn phạm vi nghiên cứu cho phù hợp với nội dung và kết quả nghiên cứu, chỉnh sửa lại phần kết luận, giải thích rõ thêm việc áp dụng kết quả nghiên cứu tính toán vào công trình thực tế; giải thích các ký hiệu, sự phù hợp của các ký hiệu đã định nghĩa, chữ viết tắt, kiểm tra thống nhất hệ thống đơn vị xác định cường độ bê tông cốt thép; chỉnh sửa chuẩn hóa lại các thuật ngữ, lỗi chính tả...

Luận án TS của NCS. Nguyễn Chí Thanh đáp ứng được yêu cầu của luận án tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy.

Với 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng đề nghị cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận và cấp bằng TSKT cho NCS Nguyễn Chí Thanh sau khi đã hoàn thiện, chỉnh sửa luận án theo yêu cầu của Hội đồng.

 

Ý kiến góp ý: