Lễ bảo vệ luận án tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện - NCS. Đoàn Thị Minh Yến
03/08/2018Ngày 03/8/2018, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Đoàn Thị Minh Yến với đề tài “Nghiên cứu khả năng tháo qua tràn Piano khi kể đến ảnh hưởng của mực nước hạ lưu”. Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình thủy. Mã số: 62-58-02-02.
Tham dự lễ bảo vệ có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Trưởng Cơ sở Đào tạo của Viện; GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách công tác đào tạo tiến sĩ; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học; các NCS thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy và bạn bè, người thân của NCS. PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính tuyên bố lý do và đọc quyết định thành lập Hội đồng Báo cáo tại buổi lễ bảo vệ nghiên cứu sinh cho biết trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp, dòng chảy lũ tăng đột biến, cần giải pháp nhằm tăng quy mô tháo lũ, đảm bảo an toàn các hồ chứa và ngập lụt hạ du theo quy chuẩn mới. Một trong những giải pháp công trình tháo lũ tiến bộ được nghiên cứu, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ là tràn xả lũ kiểu phím piano. Nhưng vấn đề khả năng tháo khi tràn chảy tự do, tràn chảy ngập, đặc tính thủy lực và các chế độ chảy vẫn còn là vấn đề phức tạp. Đặc biệt khi mực nước hạ lưu thay đổi tương tác với dòng đến từ thượng lưu, khả năng tháo và các trạng thái chảy qua PKW bị ảnh hưởng rõ rệt, các đặc trưng thủy lực qua tràn có nhiều khác biệt so với tràn truyền thống mà chưa được nghiên cứu đánh giá cụ thể. Các công trình ứng dụng tràn piano chủ yếu vẫn theo một vài nghiên cứu mẫu từ trước năm 2011 và công thức, đồ thị xác định khả năng tháo được công bố áp dụng trong điều kiện cụ thể. Đến nay chưa có công bố nào xác định khả năng tháo cũng như xác định sự ảnh hưởng bởi mực nước hạ lưu một cách tổng quát, cho tràn có đơn vị tràn tiêu chuẩn - tối ưu về kinh tế và khả năng tháo, đáp ứng cơ bản cho thiết kế trong nhiều điều kiện khác nhau, NCS. Đoàn Thị Minh Yến cho biết thêm và khẳng định đề tài “Nghiên cứu khả năng tháo qua tràn piano khi kể đến ảnh hưởng của mực nước hạ lưu” là cần thiết. Mục đích nghiên cứu nhằm các định ranh giới các trạng thái chảy ảnh hưởng đến khả năng tháo trên cơ sở xác định các đặc trưng dòng chảy qua tràn và nối tiếp hạ lưu tràn piano; xây dựng công thức, đồ thị xác định khả năng tháo qua tràn piano có đơn vị tràn tiêu chuẩn khi chảy tự do và khi có ảnh hưởng của điều kiện hạ lưu gồm ảnh hưởng bởi cao độ đáy đáy kênh, mực nước hạ lưu. Qua quá trình triển khai nghiên cứu, Luận án đã đạt góp phần làm sáng tỏ và phong phú hơn các hiểu biết về các đặc trưng hình dạng, thủy lực, chế độ chảy qua tràn piano, tạo điều kiện thuận cho công việc thiết kế và vận hành công trình; đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra và đạt được các kết quả khoa học như (1) Xác định được đơn vị tràn piano tiêu chuẩn từ phân tích các nghiên cứu đã có, cho tối ưu về khả năng tháo và kinh tế, có các tỷ lệ hình học trong phạm vi: P/Wu=0,5÷1,3; Wi/Wo=1,2÷1,5; N=L/W=4÷6; (2) Lưu lượng tháo qua tràn piano phụ thuộc chủ yếu vào chiều cao tràn P, PH, chiều rộng tràn W, chiều rộng phím ra Wo, chiều dài tràn L; khi chảy ngập còn phụ thuộc vào các tham số dòng chảy H0, hh, hn và z; (3) Đã phát hiện và mô tả chi tiết đặc trưng dòng chảy trên tràn và dòng chảy nối tiếp hạ lưu. Các đặc trưng này dọc theo phím nước vào và phím nước ra là rất khác nhau tạo nên những trạng thái chảy đặc thù khác nhiều so với tràn truyền thống; (4) Công thức xác định khả năng tháo được thiết lập phân vùng theo trạng thái của dòng chảy qua tràn piano là “chảy không đầy phím ra” và “chảy đầy phím ra” với ranh giới là H0/Wo=0,5; chảy có ảnh hưởng và không ảnh hưởng bởi đáy kênh hạ lưu với ranh giới là H0/PH=0,7; chảy tự do hoàn toàn và chảy ngập hoàn toàn với ranh giới vùng quá độ là hn/Hn=-0,2÷0… Các công thức xác định lưu lượng tháo qua tràn khi chảy tự do và chảy ngập được thiết lập có dạng đơn giản, tổng quát, sai số nhỏ hơn những công thức đã công bố, phù hợp và thuận lợi khi áp dụng trong tính toán, thiết kế tràn piano cho các công trình có điều kiện khác nhau. Sau khi nghe NCS. Đoàn Thị Minh Yến trình bày tóm tắt kết quả luận án, Hội đồng đã nghe ý kiến của các phản biện, các thành viên trong Hội đồng, các khách mời có mặt tại buổi bảo vệ luận án. Thay mặt Hội đồng chấm luận án, Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện đã công bố Nghị quyết của Hội đồng. Theo đó, Luận án đã đưa ra được một số luận cứ làm sáng tỏ về một số đặc trưng, chế độ thủy lực của tràn piano; lượng hóa được ranh giới trạng thái chảy và công thức tính lưu lượng bằng thực nghiệm. Các kết quả góp phần hoàn thiện và phong phú hơn các nghiên cứu về tràn piano, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác có liên quan về kiểu tràn này; Các kết quả nghiên cứu của luận án giúp cho việc thiết kế tràn piano sát thực, hiệu quả và kinh tế hơn, tạo điều kiện ứng dụng thuận lợi loại tràn này trong xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa cho các hồ chứa hiện hành, đảm bảo an toàn,phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi, thủy điện đã xây dựng; Đề nghị các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng, các đơn vị tư vấn thiết kế có thể tham khảo, sử dụng kết quả nghiên cứu của luận án về tỷ lệ hình học đơn vị tràn tiêu chuẩn, vùng cột nước tràn piano làm việc hiệu quả, công thức xác định khả năng tháo qua tràn, hệ số khả năng tháo, hệ số ngập, hệ số địa hình. Luận án có khối lượng, nội dung, kết quả đảm bảo yêu cầu của một luận án tiến sĩ kỹ thuật; cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu phù hợp, tin cậy; có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn, luận án đã có 02 đóng góp mới; các kết quả nghiên cứu của luận án là mới, chưa tìm thấy có sự trùng lặp với các nghiên cứu đã công bố trong, ngoài nước. Ngoài ra, Hội đồng cũng đề nghị NCS. Đoàn Thị Minh Yến tiếp thu, hoàn thiện về nội dung, hình thức luận án theo như những ý kiến nhận xét, những góp ý của thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, trong đó đặc biệt lưu ý bổ sung, sửa chữa các nội dung phân tích, làm rõ bản chất vật lý của hệ số tháo Cd; định nghĩa rõ khái niệm chảy ngập trong luận án; bổ sung, làm rõ việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào tính toán, so sánh kết quả cho tràn Ngàn Trươi, tràn Xuân Minh; chỉnh sửa các kết luận chương, kết luận và kiến nghị của luận án, lỗi chính tả, in ấn, trích dẫn tài liệu... Với kết quả bỏ phiếu kính với 7/7 tán thành, Hội đồng chấm luận án thống nhất đánh giá NCS. Đoàn Thị Minh Yến đáp ứng đầy đủ yêu cầu và trình độ của một tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã số 62 58 02 02 và đề nghị Viện công nhận, cấp bằng tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Hội đồng nhất trí 100% thông qua nghị quyết.
Ý kiến góp ý: