Lễ bảo vệ luận án tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện NCS. Dương Quốc Huy
10/08/2018Ngày 10/8/2018, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ kỹ thuật cấp Viện cho NCS. Dương Quốc Huy với đề tài “Nghiên cứu mưa, lũ cực hạn lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn”. Chuyên ngành: Thủy văn học. Mã số: 62-44-02-24
Tham dự lễ bảo vệ có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Trưởng Cơ sở Đào tạo của Viện; GS.TS. Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện - Chủ tịch Hội đồng; GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện phụ trách công tác phát triển đội ngũ GS,PGS; Đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức, Hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học; các NCS thuộc chuyên ngành thủy văn học…
Ngoài ra còn có GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện cơ quan quản lý đào tạo - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; GS.TS. Lê Mạnh Hùng - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính tuyên bố lý do và đọc quyết định thành lập Hội đồng
Phát biểu tại lễ bảo vệ, Trưởng cơ sở Đào tạo - Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho rằng NCS đã lựa chọn đề tài nghiên cứu hay. "Mặc dù trước đây đã có rất nhiều nghiên cứu tương tự tuy nhiên NCS cũng đã có những nghiên cứu đóng góp mới cho luận án này và được Hội đồng cấp cơ sở và các phản biện đồng ý cho bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện"
Trưởng cơ sở đào tạo mong muốn các thành viên trong Hội đồng cho ý kiến đánh giá và góp ý chính xác cho luận án của NCS để NCS tiếp tục hoàn thiện luận án của mình. Về phía NCS, Trưởng cơ sở đào tạo đề nghị tiếp thu nghiêm túc các ý kiến nhận xét của các thành viên trong Hội đồng và các nhà khoa học tại buổi bảo vệ. Cuối cùng, Trưởng cơ sở đào tạo chúc NCS. Dương Quốc Huy bảo vệ tự tin và thành công.
Trình bày Luận án trước Hội đồng, NCS. Dương Quốc Huy cho biết: “Trong những năm gần đây với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mưa, lũ ngày càng trở lên cực đoan hơn. Những trận mưa có cường độ lớn với tổng lượng mưa đạt max trong chuỗi quan trắc xảy ra thường xuyên; với điều kiện lưu vực “suy thoái” nên dòng chảy lũ lớn, thời gian tập trung lũ nhanh có điều kiện hình thành, phát triển đã và đang uy hiếp trực tiếp tới an toàn của công trình, ngập lụt phía hạ du. Nhiều công trình được thiết kế với các tần suất trước đây đã không còn đảm bảo trong điều kiện mưa lũ hiện tại, khẩu độ tràn của một số hồ chứa không đáp ứng tải hết được lưu lượng đỉnh lũ thực tế, kết hợp với quy trình vận hành chưa bắt kịp với diễn biến lũ nên dòng chảy lũ thường uy hiếp an toàn đập và gây nên hiện tượng lũ chồng lũ phía dưới hạ du".
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một lưu vực sông lớn của Việt Nam và là lưu vực sông quan trọng của khu vực miền Trung. Với địa hình ngắn, dốc, thời gian tập trung lũ trên lưu vực và trên dòng chính nhanh, kết hợp với vùng đồng bằng nhỏ hẹp, khả năng trữ lũ và điều tiết lũ rất kém nên hàng năm khu vực này thường xảy ra ngập lũ trên diện rộng. Do mức độ ngập lũ thường xuyên và khốc liệt nên nó được coi như “rốn lũ” của miền Trung.
Bên cạnh đó, với ưu thế về địa hình dốc tạo thế năng cột nước lớn nên lưu vực này đã và đang phát triển rất nhiều hồ chứa. Nhiều hồ chứa quy mô lớn lưu vực miền Trung đều nằm tại đây như hồ thủy điện sông Tranh, Sông Bung 4, Đăk Mi 4….Dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, diễn biến mưa, lũ ngày càng cực đoan đang làm gia tăng mức độ nguy hiểm cho các công trình và hạ du. Trước thực tế đó, NCS đã đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu mưa, lũ cực hạn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”.
Mục đích Nghiên cứu tính toán mưa, lũ cực hạn cho lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn từ đó giúp hoàn thiên phương pháp tính toán lượng mưa, lũ cực hạn phù hợp cho điều kiện khí hậu nhiệt đới và thiếu số liệu như các lưu vực của Việt Nam. Kết quả tính toán phục vụ trực tiếp cho công tác tính toán xác định nhanh giá trị lũ PMF tại các hồ chứa trên lưu vực.
Với việc phân tích các phương pháp tính PMP và PMF đang được sử dụng kết hợp với đặc trưng mưa, lũ của lưu vực NCS đã lựa chọn được phương pháp tính toán mưa cực hạn phù hợp với lưu vực nghiên cứu, cũng như ứng dụng thành công các mô hình toán thủy văn HEC-HMS, thủy lực MIKE 11, MIKE FLOOD để tính toán dòng chảy lũ, ngập lũ trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.
Luận án đã có một số đóng góp mới có thể kể đến đó là nghiên cứu, đánh giá các phương pháp tính toán mưa, lũ cực hạn hiện nay để lựa chọn phương pháp tính toán phù hợp cho lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn nói riêng và các vùng khí hậu nhiệt đới không có đẩy đủ số liệu quan trắc nói chung; đã có những đóng góp mới về khoa học và thực tiễn đối với lĩnh vực quy hoạch và quản lý lũ nói chung và đối tượng mưa, lũ cực hạn nói riêng như lựa chọn phương pháp, hệ số KPMP để xác định mưa cực hạn phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam và xác định được PMP, PMF lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn từ đó đề xuất phương pháp xác định nhanh giá trị PMF tại các hồ chứa phục vụ kiểm soát an toàn hồ đập.
GS.TS. Tăng Đức Thắng - Chủ tịch Hội đồng - Phó Giám đốc Viện phát biểu tại buổi lễ bảo vệ
Thay mặt Hội đồng,Thư ký Hội đồng TS. Đỗ Hoài Nam đã đọc Nghị quyết chấm luận án Tiến sĩ cho NCS. Dương Quốc Huy. Theo Nghị quyết kết quả nghiên cứu của luận án đóng góp cho sự phát triển của khoa học trong việc áp dụng, cải tiến phương pháp xác định mưa cực hạn ở Việt Nam; góp phần nâng cao hiệu quả quy hoạch, thiết kế, vận hành an toàn hồ đập giảm thiểu nguy cơ lũ lụt cho hạ du trong điều kiện biến đổi khí hậu; Luận án có đóng góp mới về mặt học thuật; là tài liệu tham khảo giá trị về cách tiếp cận cho các nghiên cứu khác liên quan ở các lưu vực khác và có đóng góp mới.
Cũng theo Nghị quyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu của luận án phù hợp với nội dung và đối tượng nghiên cứu là mưa, lũ cực hạn và các định hướng nghiên cứu; sử dụng công cụ nghiên cứu hiện đại, số liệu tin cậy có giá trị khoa học để tham khảo liên quan đến mưa và lũ cực hạn.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị NCS chỉnh sửa chính tả, hình vẽ, công thức, thống nhất sử dụng thuật ngữ; luận giải cơ sở khoa học lựa chọn hệ số Km; bổ sung làm nổi bật tính cấp thiết, lý giải chi tiết về lựa chọn tính năng của các mô hình thủy văn, thủy lực, các điều kiện biên; giải thích rõ vai trò phòng lũ hiện tại của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực...
Với kết quả bỏ phiếu kín với 6/6 tán thành, Hội đồng chấm luận án thống nhất đánh giá NCS. Dương Quốc Huy đáp ứng đầy đủ yêu cầu và trình độ của một tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành thủy văn học. Mã số: 62-44-02-24và đề nghị Viện công nhận, cấp bằng tiến sỹ cấp Viện cho NCS.
Hội đồng nhất trí 100% thông qua nghị quyết.
Thay mặt cơ sở đào tạo của Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện phụ trách công tác phát triển đội ngũ GS,PGS phát biểu và tặng hoa cho NCS. Dương Quốc Huy
Bà Nguyễn Phương Nga - Đại diện cơ quan quản lý đào tạo - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu và tặng hoa cho NCS. Dương Quốc Huy
Ý kiến góp ý: