TextBody
Huy chương 2

LHQ: Thiên tai “ngốn” 2.500 tỷ USD đầu thế kỷ 21

22/05/2013

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 2,5 nghìn tỷ USD là tổng số thiệt hại do thiên tai đã gây ra cho nhân loại kể từ đầu thế kỷ XXI

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về tổng quan thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra tại 56 quốc gia, chỉ tính riêng trong năm 2012, đã xảy ra hơn 310 thảm họa thiên nhiên (động đất, lũ lụt, bão) ảnh hưởng đến hơn một triệu người trên hành tinh. Nguyên nhân gây thiệt hại kinh tế chính là bão lụt và động đất, nhưng có những rủi ro mà hiện tại chưa thể hiện hết mức độ. Ví dụ, nhân loại hiện chưa phải đối phó với hậu quả của thiên thạch lớn hoặc tiểu hành tinh rơi xuống Trái đất. Tuy vậy, vụ thiên thạch gần đây rơi xuống ngoại ô Chelyabinsk cũng đã cho thấy quy mô thảm họa có thể xảy ra.

 

Giáo sư Alexander Lobusev của Viện Dầu khí Gubkin cho biết: “Các thiên tai lớn đe dọa nhân loại chủ yếu liên quan với vũ trụ và năng lượng ngầm bên trong Trái Đất. Các hiện tượng vũ trụ chủ yếu là thiên thạch lớn và các tiểu hành tinh có thể rơi xuống đất liền cũng như xuống biển. Kết quả là, chúng có thể gây ra sóng thần khổng lồ với những hậu quả thảm khốc. Đối với thảm họa bên trong trái đất, trước hết phải nói đến động đất, cũng có thể gây ra sóng thần. Nếu điều này xảy ra tại các khu vực đông dân thì sẽ gây ra những tổn thất to lớn về nhân mạng”.

 

 Các thiên thạch lớn và tiểu hành tinh có thể rơi xuống đất liền cũng như xuống biển.

Theo các chuyên gia, các khu vực dễ tổn thương nhất là những đô thị lớn với dân số khổng lồ, cơ sở hạ tầng phức tạp và các cơ sở vật chất kỹ thuật như nhà máy điện hạt nhân. Các công trình như vậy sụp đổ sẽ gia tăng sức tàn phá của thiên tai. Ví dụ gần đây ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản là một bằng chứng.

 

Chuyên gia Nga Boris Rezhabek cho rằng khoa học và công nghệ hiện đại cho phép giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra, nhưng nhân loại vẫn chưa nỗ lực đứng mức theo hướng này: “Điều quan trọng nhất hiện nay là ý chí chính trị thống nhất, nhưng nhân loại lại bị chia rẽ sâu sắc. Do đó, con người không thể đối phó với những thảm họa tự nhiên mà về nguyên tắc, với mức độ hiện tại của phát triển khoa học và công nghệ hiện đại, nhân loại hoàn toàn có thể đối phó được.”

 

Các chuyên gia nêu ra hai hướng chính để giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra: đó là phát triển hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai và xây dựng các tòa nhà và cơ sở hạ tầng có khả năng chống đỡ thiên tai. Nhưng, theo các chuyên gia, giới doanh nghiệp hiện nay chưa sẵn sàng trước những tốn kém như vậy. Theo một số chuyên gia, hậu quả nặng nề của "sự cố Fukushima" là do đánh giá thấp rủi ro và một phần là do “giảm chi phí không cần thiết” trong kinh doanh.
 
Theo Kienthuc.net.vn

Ý kiến góp ý: