Anh phải xem qui trình vận hành nhà máy thủy điện đó xả có đúng không? Tôi làm việc với Phú Yên, tỉnh báo cáo họ làm rất tốt. Thứ hai, nước xả của sông Ba Hạ xuống có người dân bị thiệt mạng không? Người thiệt mạng ở Đồng Xuân, trong khi nhà máy thủy điện ở phía Nam.
Thưa Phó Thủ tướng, Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, các nhà máy thủy điện miền Trung không có liên hệ với trung tâm này trước các cơn bão. Liệu có tình huống, các nhà máy thủy điện đã không chủ động xả bớt nước trước các cơn bão?
Không phải tất cả các nhà máy thủy điện đều liên hệ với Trung tâm khí tượng thủy văn. Nước mình có 3.500 hồ và hồ thủy điện chỉ là một loại hồ, còn hồ thủy lợi nữa, chẳng nhẽ tất cả cùng liên hệ hết với trung tâm khí tượng thủy văn.
Các hồ ấy ở mức độ nào đó, người ta liên hệ với trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, còn mức độ nhỏ sẽ liên hệ với trung tâm khí tượng thủy văn ở địa phương. Không một hồ chứa nào không dựa vào số liệu của khí tượng thủy văn để điều tiết nước hồ cả.
Nhưng liệu các nhà máy thủy điện có chủ động xả bớt nước hồ trước các cơn bão không?
Ở đây các anh hay nói công trình thủy điện, nhưng công trình thủy lợi số lượng còn lớn hơn nhiều lần và tất cả đều phải vận hành theo đúng nguyên tắc. Chẳng hạn như hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà, hồ Tuyên Quang, Hồ Sơn La (tới đây) là thuộc trung ương, đích thân Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương điều hành.
Tất cả các hồ đó trước mùa lũ phải về đúng mức nước chống lũ, dành dung tích chống lũ. Khi lũ về, anh mới chứa vào, khi nước đầy rồi, anh mới được xả, đúng qui trình. Các hồ khác thuộc địa phương đều tương tự như vậy và các địa phương đều điều hành rất tốt.
Nếu ai đó nói, thà không có thủy điện còn hơn thì phải đặt lại câu hỏi, anh lấy nước đâu dùng? Vì tôi nói 70% lưu vực của chúng ta nằm ở nước ngoài, chúng ta không xây các hồ chứa, chúng ta sẽ không có nước làm nông nghiệp, không có nước sinh hoạt mà nước ta đang được dự báo là quốc gia thiếu nước.
Các địa phương vẫn báo cáo xin tiền làm hồ và điều này là đúng. Toàn bộ các tỉnh miền Trung không có tỉnh nào dồi dào về nước, kể cả Quảng Nam, hết bão là hạn hán. Vậy thì mình phải làm, bất cập mình sẽ điều chỉnh.
Vậy, những bất cập cần điều chỉnh là gì, thưa ông?
Vấn đề còn bất cập chính là liên hồ chứa, liên lưu vực hay một lưu vực nhiều dòng sông chảy xuống thì phối hợp như thế nào. Không phải mình không nhìn thấy mà mình đang làm và khi số lượng hồ chứa lớn thì bắt đầu làm.
Cũng giống như hồ Hòa Bình, Thác Bà ban đầu không vấn đề gì, nhưng có thêm Tuyên Quang, mình nhận ra liên hồ chứa có vấn đề, lúc ấy mới ra qui trình liên hồ chứa và tới đây, khi Sơn La vào hoạt động sẽ lại sửa tiếp qui trình này.
Các khu vực bao lũ vừa qua chưa có qui trình vận hành liên hồ chứa và bây giờ đang làm. Qui trình liên hồ chứa sẽ giúp bỏ lợi ích riêng để vì lợi ích tối đa cho hạ du. Ở đây, phải có tính toán riêng để đạt tối ưu cho hệ thống.
Quy trình di dời dân khẩn cấp tại các địa phương vừa qua có gì cần rút kinh nghiệm, thưa Phó Thủ tướng?
Tôi cho là vừa rồi các địa phương làm di dời dân rất tốt, chuẩn bị đến từng chương trình, đến từng hộ.
Nhưng điều mình mong muốn bây giờ và trong tương lai là xây nhà ở cho dân miền Trung làm sao tăng số lượng nhà kiên cố lên, tức nhà 2-3 tầng kiên cố, lúc đó có chỗ cho dân sơ tán, không phải đi xa. Hiện, chúng ta mới làm được Ủy ban xã, trường học và những nơi đó đều là nơi trú ẩn của dân vừa qua.
Người dân ở miền Trung còn nghèo, tới đây chúng ta phải cho áp dụng các chương trình lồng ghép, tăng tiền vào để họ xây được nhà kiên cố. Xây dựng các công trình hạ tầng phù hợp với chống lũ, cộng với lương thực, thực phẩm dự trữ, người dân bớt khổ và sẽ đỡ phải cứu hộ.
Xin cám ơn Phó Thủ tướng!
Theo dantri