Lựa chọn dự án ưu tiên để ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn
17/03/2016“Tập trung hỗ trợ và có giải pháp lâu dài về thủy lợi, trong đó ưu tiên các dự án ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn” là một trong những giải pháp được nêu lên tại hội thảo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán và xâm nhập măn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long diễn ra chiều ngày 15/3 tại Hà Nội.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của cả nước, sản xuất ra một nửa sản lượng lúa gạo tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn ở đây đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của vùng. Trong đó, từ tháng 1 và tháng 2, do thủy triều dâng cao hơn so với nhiều năm nên xâm nhập mặn vào đất liền sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km, có những vùng mặn xâm nhập sâu từ 70 đến 90 km, nhiều vùng hiện nay hoàn toàn không có nước ngọt. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình xâm nhập mặn diễn biến sâu hơn trong tháng 3 và tháng 4 do lượng nước chảy về sông Mê Kong không tăng lên. Hiện nay, đã có 160 nghìn ha lúa bị thiệt hại, với sản lượng đạt 5 tấn/ha thì ước tính 800 nghìn tấn lúa bị mất trắng. Với mỗi gia đình có diện tích sản xuất khoảng 0,5ha, thì xâm nhập mặn đã làm khoảng 300 nghìn hộ gia đình trong những tháng qua không có thu nhập… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Chính phủ đã hỗ trợ gần 700 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh chịu ảnh hưởng xây dựng đập tạm để ngăn mặn, xây dựng trạm bơm nước ngọt, xây dựng cấp bách hệ thống dẫn nước sinh hoạt cho người dân, đồng thời hỗ trợ 2 triệu/ha lúa cho nhân dân mua giống trồng vụ lúa sau đối với vùng lúa bị thiệt hại. Với những hộ thiếu lương thực, đã tiến hành hỗ trợ 15kg/1 người/1 tháng. Các giải pháp hiện nay chỉ mang tính chất tình thế, còn để đảm bảo lâu dài và bền vững trước xu thế biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, cần thực thi các biện pháp dài hạn và đồng bộ, không chỉ là việc điều chỉnh lại cơ cấu mùa vụ, chọn loại cây – con phù hợp, chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp mà còn xây dựng các công trình trữ nước ngọt cho kế hoạch lâu dài, bền vững… Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhưng hiện nay tình hình thiên tai rất nghiêm trọng, cần sự chung tay và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hà Lan và Ngân hàng thế giới cũng như một số nhà tài trợ quốc tế nghiên cứu và xây dựng quy hoạch thủy lợi có tính đến các yếu tố của biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như một số khu vực hạn hán và xâm nhập mặn. Thông qua quy hoạch để lựa chọn những dự án ưu tiên để thực hiện ứng phó với mọi tình huống của biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập hợp báo cáo Chính phủ để huy động các nguồn lực để triển khai những dự án này” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Đại diện các đối tác và nhà tài trợ quốc tế, bà Pờ-ra-ti-ha Mét ta (Pratibha Mehta), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, bên cạnh việc xem xét nhu cầu hiện nay ở các địa phương đang chịu thiệt hại để có những hỗ trợ kịp thời về tài chính và kỹ thuật, cần mở rộng những mô hình sản xuất thông minh nâng cao tính chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cần có đánh giá liên ngành toàn diện và nhanh chóng về quy mô, mức độ nghiêm trọng của vấn đề để từ đó mở rộng phạm vi và quy mô ứng phó. Xem xét lại các chương trình đầu tư, các ưu tiên cho những vấn đề khẩn cấp, để đáp ứng với yêu cầu ứng phó khẩn cấp. Các đối tác quốc tế và nhà tài trợ sẽ chung tay hỗ trợ Việt Nam ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn. Trong đó, sẽ ưu tiên các dự án quản lý sử dụng tài nguyên nước mang tầm chiến lược và có hiệu quả lâu dài. Theo mard.gov.vn
Ý kiến góp ý: