Lựa chọn hình thức đoạn chuyển tiếp từ dốc nước xuống bể tiêu năng cho công trình tràn xả lũ EARƠK tỉnh Đắk Lắk
11/06/2014Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên mô hình vật lý cho hai loại đoạn cong chuyển tiếp chuyển đổi cao độ từ cuối dốc nước xuống đáy bể tiêu năng cho công trình tràn xả lũ Earơk học tỉnh Đắk Lắk là loại có phương trình đườngn ước rơi và loại có 2 bán kính cong ngược. Bài báo cũng so sánh các đặc trưng thủy động lực học, khả năng tiêu hao năng lượng của bể tiêu năng khi áp dụng hai loại đoạn chuyển tiếp này, cũng như điều kiện áp dụng của từng loại.
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Trong các công trình tràn xả lũ có dốc và tiêu năng đáy, việc lựa chọn hình dạng đoạn chuyển tiếp sẽ quyết định đến sự hình thành nước nhảy, hiệu quả tiêu năng chiều dài bể, chiều dài đoạn chuyển tiếp sân sau, xói lở lòng dẫn hạ lưu và ảnh hưởng giá thành của công trình. Lựa chọn được đường cong chuyển tiếp phù hợp sẽ tạo ra hiệu quả tiêu năng cao và giảm giá thành đầu tư xây dựng là mong muốn của các nhà thiết kế và nghiên cứu về thuỷ lực công trình.
Theo thiết kế thông thường, các công trình tràn nối tiếp bằng dốc nước có tiêu năng đáy thường sử dụng đoạn chuyển tiếp là kiểu đường nước rơi tạo nên bởi một đường parabol như tràn Đá Hàn, tràn Tả Trạch, tràn sông Sào, tràn Núi Cốc... Kiểu đường nước rơi này có nhược điểm là chiều dài chuyển tiếp lớn, độ dốc thoải không tạo được nước nhảy cuối đoạn chuyển tiếp đầu bể tiêu năng, gây ra hiện tượng không tận dụng hết chiều sâu bể tiêu năng để tiêu hao năng lượng thừa của dòng chảy.
Trong nghiên cứu thí nghiệm mô hình thủy lực tràn xả lũ Earơk, hai dạng đoạn chuyển tiếp là kiểu đường nước rơi và kiển hai bán kính cong ngược đã được đưa vào nghiên cứu nhằm tối ưu hiệu quả tiêu năng của bể tiêu năng.
Tràn xả lũ công trình hồ chứa Earơk là công trình cấp 3, thuộc đầu mối hồ chứa Earơk tỉnh Đắc Lắc, do ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 8 là chủ đầu tư, Viện Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo là đơn vị tư vấn thiết kế. Tràn xả lũ được thí nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu thuỷ lực thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển. Công trình được thiết kế với các thông số như sau: Hình thức tràn sâu có cửa đóng mở thuỷ lực, nối tiếp dốc nước, tiêu năng đáy, kết cấu bê tông cốt thép M250 đặt trên nền đá, Lưu lượng xả thiết kế (P = 1%) 584.84 m3/s; Lưu lượng xả lũ kiểm tra (P = 0.2%) 695.83 m3/s; Cao trình ngưỡng tràn ∇495.0m; Cột nước tràn thiết kế 6.85m; Chiều rộng tràn n×b=3×7= 21m; Dốc nước có độ dốc i=10%, dài 139m, rộng 26m, cao trình cuối dốc nước ∇479.0m; Đoạn chuyển tiếp từ dốc nước xuống bể tiêu năng dài 19m, có chênh cao địa hình 5,5m; Bể tiêu năng dài 35m, cao trình đáy ∇473.50m, rộng 26m [3]. Đây là thông số của tràn theo phương án của tư vấn thiết kế đề xuất.
Chi tiết bài báo xem tại đây: Lựa chọn hình thức đoạn chuyển tiếp từ dốc nước xuống bể tiêu năng cho công trình tràn xả lũ EARƠK tỉnh Đắk Lắk
Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Nghị, KS. Hoàng Đức Vinh, KS. Nguyễn Việt Hùng
Phòng Thí nghiệm trọng điểm QG về ĐLHSB- Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
ThS. Nguyễn Quốc Huy - Trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh
Tạp chí KH&CN Thủy lợi
Ý kiến góp ý: