TextBody
Huy chương 2

Luật Khoa học và Công nghệ (Sửa đổi): Những đổi mới căn bản trong chính sách phát triển khoa học và công nghệ

24/05/2013

Trong Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (KH và CN) sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến và xem xét thông qua. Ba nội dung chính đổi mới căn bản trong chính sách của Đảng và Nhà nước về KH và CN được thể hiện trong Dự thảo Luật KH và CN đó là chính sách đầu tư cho KH và CN; cơ chế tài chính, cơ chế tổ chức hoạt động KH và CN; phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài KH và CN

Chính sách đầu tư cho KH và CN

Lần đầu, phát triển KH và CN là quốc sách hàng đầu được khẳng định trong Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 2 (khóa VIII) năm 1996 và tiếp theo đó là trong Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10. Luật KH và CN lần đầu đã được thông qua năm 2000 và có hiệu lực từ năm 2001.

Từ đó, hằng năm ngân sách nhà nước đã dành 2% để chi cho KH và CN. Ðây là bước đột phá so với thời gian trước, đã góp phần tạo được những chuyển biến quan trọng nhằm nâng cao năng lực KH và CN quốc gia. Ngoài 2% ngân sách nhà nước hằng năm, Luật KH và  CN (năm 2000) đã quy định "các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội phải có căn cứ khoa học, có hạng mục nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần thiết và phải được thẩm định về KH và CN theo quy định của Chính phủ (Ðiều 31). Ðồng thời, luật cũng quy định khi cần thiết có thể sử dụng vốn ODA để thực hiện các nhiệm vụ KH và CN có nhu cầu vốn lớn (Ðiều 43).

Tuy nhiên, trong hơn 12 năm luật có hiệu lực, các quy định nói trên được triển khai rất chậm hoặc hầu như chưa triển khai thực hiện. Ðiều đó, một mặt đã làm ảnh hưởng tính bền vững và hiệu quả tổng hợp của các dự án, chương trình. Mặt khác làm giảm nguồn lực tài chính cho KH và CN, giảm tính gắn kết giữa KH và CN với thực tiễn cũng như giảm cơ hội nghiên cứu, ứng dụng của tổ chức, cá nhân hoạt động KH và CN. Sau khi thực hiện các dự án, chương trình lớn, chúng ta hầu như không đào tạo được đội ngũ khoa học và công nghệ cần thiết, nhất là những nhà KH và CN đầu ngành; cơ sở hạ tầng KH và CN hầu như không được cải thiện đáng kể.

Luật KH và CN sửa đổi lần này, một mặt vẫn kế thừa những quy định còn giá trị thực tiễn của luật hiện hành, mặt khác đã bổ sung những quy định cụ thể, chặt chẽ và có tính khả thi cao nhằm khắc phục những bất cập trong chính sách đầu tư cho KH và CN. Khoản 1 Ðiều 49 Dự thảo Luật KH và CN (sửa đổi) quy định "Nhà nước bảo đảm chi cho KH và CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ". Ngoài ra, dự thảo luật quy định nhiều cơ chế, chính sách huy động, khuyến khích đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho KH và CN, nhất là đầu tư của doanh nghiệp nhằm khắc phục hạn chế lớn nhất trong cơ chế đầu tư trước đây là dựa chủ yếu vào đầu tư công.

Cơ chế tài chính và cơ chế tổ chức, hoạt động KH và CN

Ðây là hai nội dung có liên quan mật thiết và tác động quyết định hiệu quả đầu tư cho KH và CN. Thực trạng hiện nay,  cơ chế tài chính còn mang nặng tính hành chính; các định mức, thủ tục không phù hợp với thực tế cũng như với đặc thù của hoạt động KH và CN. Ý kiến của nhiều nhà khoa học đầu ngành cho rằng việc lo các thủ tục thanh quyết toán đề tài còn mệt mỏi và chứa đựng nhiều rủi ro hơn là làm nghiên cứu. Thực tế là cho đến nay, chưa có cơ chế để Bộ KH và CN - cơ quan quản lý nhà nước về KH và CN tham gia vào quá trình lập dự toán, phân bổ và kiểm tra chi đầu tư phát triển KH và CN. Tình trạng sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển KH và CN cho mục tiêu khác là khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ðể khắc phục tình trạng này, dự thảo luật quy định áp dụng một số cơ chế tài chính mang tính đột phá đã được khẳng định về chủ trương trong Nghị quyết số 20-NQ/TW (Nghị quyết 20) và được các nhà khoa học đồng tình, ủng hộ. Cơ chế tài chính được đổi mới theo hướng Bộ KH và CN chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu và đề xuất. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính căn cứ vào đó để cân đối nguồn lực, lập dự toán chi ngân sách trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc phân bổ ngân sách, cấp phát kinh phí đã được phê duyệt phải bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo tiến độ, theo hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH và CN.

Trong thời gian dài, dư luận của xã hội cho rằng, cùng với những bất cập trong cơ chế tài chính, thì cơ chế quản lý, hoạt động KH và CN cũng đã làm giảm đáng kể hiệu quả đầu tư cho KH và CN, nhất là trong điều kiện nguồn lực tài chính còn hạn hẹp. Những bất cập trong cơ chế quản lý, hoạt động KH và CN thể hiện từ khâu xác định nhiệm vụ KH và CN đến khâu tuyển chọn, giao nhiệm vụ. Nhiệm vụ KH và CN chưa bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhiều yêu cầu thiết yếu của quốc gia, ngành và địa phương; chưa hướng đến sản phẩm cuối cùng có thể thương mại hóa, ứng dụng. Trước thực tế đó, việc xác định đúng nhiệm vụ, tuyển chọn và giao đúng tổ chức cá nhân có năng lực để thực hiện nhiệm vụ KH và CN sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, nửa vời, sai mục đích.

Phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài KH và CN

Hiện nay, nước ta có một số lượng khá lớn các cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo trong và ngoài nước với ngành nghề đa dạng thuộc nhiều thế hệ. Trong một số lĩnh vực như y dược, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học cơ bản chúng ta có những nhóm, tập thể KH và CN khá mạnh đạt tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nhân lực KH và CN nói chung còn tản mạn, chưa được tập hợp để thực hiện nhiệm vụ KH và CN lớn quốc gia. Nhiều người sau khi được đào tạo rất cơ bản thì hoặc tìm cơ hội ở lại nước ngoài lâu dài, hoặc chuyển sang nghề khác. Ðây là sự lãng phí lớn.

Có ba yếu tố chính để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực KH và CN, đó là đãi ngộ về thu nhập, môi trường hoạt động sáng tạo và sự tôn vinh. Ở nước ta, cả ba yếu tố này đều còn nhiều bất cập.

Tuy nhiên, về tổng thể  nguồn nhân lực KH và CN hiện nay vẫn là một thành quả đáng giá nhất và là cơ sở để chúng ta có được niềm tin và ý chí chấn hưng đội ngũ này và coi đó như là bước đi, giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển KH và CN.

Dự thảo luật đã dành một chương (Chương III) để thể chế hóa tinh thần, mục tiêu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài KH và CN. Ngoài ra, nội dung này cũng được quy định tại các điều khoản khác của dự thảo luật. Các cá nhân hoạt động KH và CN được giao nhiều quyền hơn để có thể tự do sáng tạo vì sự phát triển của đất nước. Ðiều 23 quy định nhiều quyền và cơ chế trọng dụng nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học đang thực hiện trọng trách KH và CN, nhà khoa học trẻ tài năng.

 Ngoài ba nội dung chủ yếu nêu trên, nhiều cơ chế, chính sách mới đã được bổ sung, hoàn thiện trên tinh thần tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm qua, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Nhớ lại, cách đây tròn 50 năm, ngày 18-5-1963 tại Ðại hội lần thứ I của Hội phổ biến Khoa học,  Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và  không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi". Ngày 18-5 đã được đề xuất và quy định trong dự thảo luật là Ngày KH và CN Việt Nam.

Luật KH và CN (sửa đổi) cùng với Chiến lược phát triển KH và CN đến năm 2020 và Nghị quyết 20 về KH và CN đã tạo được hệ thống quan điểm, chính sách và cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho phát triển KH và CN.  Giới KH và CN rất phấn khởi và kỳ vọng về những cơ hội mới đang mở ra để đóng góp trí tuệ, công sức của mình vì sự phát triển của đất nước, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của KH và CN như lời Bác dạy.

TSKH NGHIÊM VŨ KHẢI
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ

Theo Nhân dân Điện tử

Ý kiến góp ý: