TextBody
Huy chương 2

Lúng túng ứng phó động đất, sóng thần

30/06/2010

Sóng thần, động đất được đánh giá là những loại hình thiên tai có sức tàn phá lớn, vượt qua cả lũ, bão. Tại Việt Nam, động đất không còn là sự cảnh báo, nó đã hiện hữu, trực tiếp đe dọa tới cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, đến nay, làm thế nào để ứng phó với động đất, sóng thần vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Nguy cơ cao về động đất

Còn nhớ cuối năm 2004, đầu năm 2005 thảm họa sóng thần ở Indonesia gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Việt Nam cũng được đặt trong tình trạng cảnh báo, các cơ quan sẵn sàng, lên phương án đối phó. Song, việc triển khai, tổ chức thực hiện để ứng phó trong trường hợp có sóng thần xảy ra lại vô cùng lúng túng từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đến người dân. Để khắc phục hạn chế này, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 264/2006/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần. Tiếp đến, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ lại có quyết định quy định về quy chế phòng, chống động đất, sóng thần. Song, đến nay, 3 năm đã qua đi, dường như việc phối hợp ứng phó, triển khai như thế nào để có hiệu quả cao nhất vẫn chưa có lời giải.

Trong khi đó, theo Bộ TN&MT, mức độ nguy hiểm của động đất ở Việt Nam sẽ gia tăng và cần phải tính đến trong sự phát triển của đất nước. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam đã từng xảy ra nhiều trận động đất với cường độ từ 4-7 độ richter. Đặc biệt, vào năm 1935 và 1983 tại miền Bắc đã xảy ra 2 trận động đất với cường độ 6,7 -6,8 độ richter phá hủy trên một vùng rộng lớn 1.300km2, làm chết 30 người. Năm 2005, 1 chuỗi động đất với cường độ 4,5-5,1  độ richter đã xảy ra vào tháng 8, tháng 10 và tháng 11 ở vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết làm rung chuyển diện rộng khu vực Nam Trung bộ, gây hoảng loạn một số nơi tại Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Trận động đất vừa qua tại vùng biển Phan Thiết với cường độ 4,7 độ richter gây dư chấn đến khu vực TP Hồ Chí Minh, dù không có thiệt hại về người và tài sản nhưng không khỏi khiến người dân lo ngại.

Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, nguồn gây sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam mạnh nhất là từ máng biển Manila (Philippines). Nếu sóng thần xảy ra tại đó, thì trong vòng 2 tiếng đồng hồ sẽ truyền tới Việt Nam. Tuy nhiên, từ khi Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ghi nhận được, báo tin cho các cơ quan chức năng, lúc thông tin đến được với người dân thì chỉ còn từ 1h-1h30. Cũng theo ông Minh, nếu sóng thần xảy ra, thì khu vực miền Trung của Việt Nam sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, độ cao cột sóng thần gây ra ở khu vực này có thể lên tới 5-7m, cộng với biên độ sóng dài, có thể kéo dài từ Quảng Ninh tới Cà Mau, bò sâu vào đất liền thì hậu quả sẽ là khó lường, đặc biệt, ở những vùng càng thấp thì sóng thần bò vào càng sâu.

Vẫn lúng túng cơ chế truyền tin

Mặc dù được đánh giá là một trong những nước nằm trong vùng có nguy cơ động đất, sóng thần cao song, quy chế thông tin, hành động phối hợp như thế nào để các cơ quan chức năng và đặc biệt là người dân tiếp nhận được thông tin nhanh nhất đến nay vẫn khiến các Bộ, ngành băn khoăn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lo lắng, thực tế đã chứng minh, năm 2005, nước ta được cảnh báo có nguy cơ sóng thần xảy ra song việc xử lý của cơ quan chức năng lại vô cùng lúng túng.

Chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc tình trạng này để tránh lặp lại bài học cũ. Cùng chung mối lo lắng này, ông Hoàng Văn Nhân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Điện Biên là tỉnh nằm trong vùng hoạt động địa chấn mạnh nhất nước ta, là khu vực chiếm đến 90% năng lực động đất toàn quốc. Ghi nhận cho thấy, đến nay, tại đây đã xảy ra 160 trận động đất với cường độ từ 5,1-6,8 độ richter. Nhưng trong các trận động đất xảy ra thì công tác ứng cứu cũng như thông tin còn chậm.

Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lo lắng, nếu chúng ta vẫn giữ cơ chế truyền thông tin như hiện nay cùng với cơ chế điều hành còn nhiều bất ổn thì người dân không chết vì thảm họa sóng thần mà có khi lại chết vì giẫm đạp lên nhau chạy sơ tán. Cùng chung nỗi lo, ông Minh lấy dẫn chứng, ví như động đất hay sóng thần xảy ra vào ban đêm thì làm thế nào để thông báo đến đông đảo người dân ở những vùng ảnh hưởng biết kịp thời?

Bên cạnh cơ chế truyền tin, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, đối với thảm họa động đất, sóng thần thì công tác chuẩn bị có ý nghĩa quyết định. “Giải quyết phần gốc là phải từ công tác chuẩn bị, tức các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, chuẩn bị ứng phó, còn mọi động thái khắc phục hậu quả khi thảm họa đã xảy ra chỉ là giải quyết phần ngọn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Nguồn: ANTĐ

Ý kiến góp ý: